05/11/2003 09:10 GMT+7

Cho vay mượn bằng ngoại tệ, có hợp pháp?

CHI MAI
CHI MAI

TT - Rất nhiều giao dịch trong quan hệ làm ăn, buôn bán, cho vay giữa các cá nhân hiện nay, bên cạnh tiền đồng VN thì ngoại tệ (nhất là đồng USD) thường được các bên sử dụng làm phương tiện thanh toán, trao đổi. Trong khi đó, Luật dân sự lại qui định việc thanh toán phải thực hiện bằng đồng VN. Chính vì vậy, khi giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các bên, vấn đề công nhận hay không công nhận các giao dịch này hiện có nhiều cách xử lý không thống nhất.

6XrROjPc.jpgPhóng to

Ngoại tệ được sử dụng nhiều trong các giao dịch mua bán, thanh toán giữa các bên

Ảnh: T.T.D.

Xử đi xử lại,con nợ có điều kiện chạy dài

Do mối quan hệ bạn bè thân quen, từ năm 1996 - 2001 ông Nguyễn Đức Từ (Việt kiều Mỹ) cho vợ chồng ông Kiều Xuân Long (ngụ P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM) vay tiền nhiều lần không làm giấy. Ngày 20-5 và 7-6-2001, ông Từ yêu cầu vợ chồng ông Long viết giấy xác nhận số tiền còn thiếu và hẹn thời gian trả. Vợ chồng ông Long đã ký hai giấy nợ ông Từ tổng cộng 190.000 USD nhưng mãi đến tháng 6-2002 vẫn không trả, ông Từ kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM để đòi tiền. Tòa dân sự TAND TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu của ông Từ, tuyên buộc vợ chồng ông Long phải trả cho ông Từ số tiền VN tương đương 190.000 USD ngay khi án có hiệu lực. Tỉ giá ngoại tệ qui đổi áp dụng tỉ giá mua vào theo công bố của Ngân hàng Nhà nước VN tại thời điểm trả tiền.

Vợ chồng ông Long kháng cáo, xin tòa cho một khoảng thời gian nhất định để thu xếp việc trả tiền. Khi xét xử phúc thẩm vụ án vào tháng 9-2003, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM lại nhận định: việc cho vay bằng ngoại tệ giữa các bên là giao dịch trái pháp luật, đáng lẽ phải tuyên hủy hợp đồng nhưng tòa án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không đúng. Tòa phúc thẩm cũng cho rằng vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ như: ông Từ vận chuyển ngoại tệ về VN bằng đường nào? Có khai báo hải quan hay không? Hai bên đã trả lãi cho nhau như thế nào?... Vì vậy tòa phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, việc điều tra chưa đầy đủ nên tuyên hủy bản án để xét xử lại.

Vô hiệu hay không, bên đi vay cũng phải trả lại tiền

Đây không chỉ là vụ kiện duy nhất có liên quan đến các giao dịch bằng ngoại tệ có sự không thống nhất trong quan điểm của tòa án. Nhiều vụ việc tương tự đã bị xét xử kéo dài, qua nhiều cấp xét xử gây bức xúc cho các đương sự. Theo ý kiến của nhiều thẩm phán của Tòa dân sự TAND TP.HCM, điều 295 BLDS chỉ qui định nghĩa vụ trả tiền trong các giao dịch, hợp đồng dân sự phải được thực hiện bằng đồng VN nhưng cũng không cấm việc các bên được quyền giao dịch mua bán, cho nhau vay bằng ngoại tệ (thực tế việc thanh toán, vay mượn bằng ngoại tệ hiện khá phổ biến). Cho nên khi các bên có quan hệ vay mượn bằng ngoại tệ mà phát sinh tranh chấp, nếu có chứng cứ xác nhận việc cho vay mượn này thì tòa công nhận. Chỉ có điều khi tuyên bên đi vay có nghĩa vụ trả lại tiền cho bên kia thì tòa tuyên tiền phải trả là tiền đồng VN, qui đổi theo giá ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm thi hành án.

Về quan điểm của tòa phúc thẩm cho rằng hợp đồng vay mượn bằng ngoại tệ là trái pháp luật, theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM: “Không thể coi việc các bên thỏa thuận cho nhau vay ngoại tệ là vi phạm pháp luật. Bộ luật dân sự hay các văn bản khác về quản lý ngoại hối của Nhà nước qui định nghĩa vụ thanh toán trong các giao dịch, hợp đồng là phải thực hiện thống nhất bằng đồng VN chỉ được áp dụng trong các nghĩa vụ thanh toán, hợp đồng. Còn trong quan hệ vay mượn bình thường giữa các bên luật không cấm, ngay cả khi đi vay hay gửi tiền tại ngân hàng người dân cũng có thể sử dụng tiền đồng VN hoặc ngoại tệ”.

Mặt khác, theo ý kiến của nhiều thẩm phán, chuyên viên pháp luật dân sự thì nếu theo quan điểm của tòa phúc thẩm là căn cứ vào điều 295 BLDS qui định việc thanh toán bằng tiền đồng VN để xác định giao dịch cho vay giữa các bên là vô hiệu, thì theo qui định tại điều 146 BLDS, khi tuyên bố giao dịch vô hiệu thì tòa cũng phải tuyên buộc các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, dù có coi giao dịch vay mượn bằng ngoại tệ giữa các bên là vô hiệu thì bên đi vay vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền (hoặc hoàn trả tài sản đã nhận) đối với người đã cho vay. Các thỏa thuận khác của các bên như lãi suất thì không được tính. Cho nên, trong vụ tranh chấp đòi nợ của các đương sự trên đây và một số vụ trước đó, việc tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm chỉ làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây phiền phức, thiệt hại đối với người cho vay thay vì chỉ cần tuyên buộc bên đi vay có nghĩa vụ trả lại tiền đã vay mượn.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên