Hai người đã đóng góp số tiền 150 USD cho chiến dịch quyên góp 1.000 USD với lời kêu gọi "Hãy giúp Isabel mua được chiếc túi Louis Vuitton đầu tiên trong đời" đăng từ cuối tháng 2-2019 - Ảnh chụp màn hình ngày 24-2-2020.
"Em vô cùng muốn tai nghe AirPods. Mọi người hãy giúp đứa em trai này nhé" - Iwan Carrington, 16 tuổi, viết lời kêu gọi để đạt mục tiêu 100 bảng Anh trên GoFundMe.
Lẽ thường, khi không có tiền mua tai nghe không dây sành điệu của Apple cho "bằng bạn bằng bè", những thiếu niên học sinh như Carrington chỉ còn biết ngậm ngùi mơ ước. Nhưng cậu học trò Xứ Wales này, may mắn thay, đang sống trong thời crowdfunding.
Xin tiền cộng đồng… mua AirPods
"Em là một đứa trẻ tuổi teen bình thường, em muốn có một cặp Apple AirPods. Em ngồi trên xe buýt, gỡ mớ dây đeo tai nghe rối như bòng bong, rồi chợt nghĩ giá như mình có AirPods thì hay biết mấy. Em kêu gọi mọi sự giúp đỡ. Làm ơn đi mà". Thử hình dung ta gõ cửa từng nhà hay níu tay từng người trên phố và bày tỏ "nỗi lòng" như thế, ta sẽ nhận được gì - tiền hay cái quắc mắt, câu mắng "Điên à"? Ấy vậy mà chỉ vài ngày sau, cậu học trò này có đủ số tiền cậu cần từ 8 người quyên góp.
Tác giả Amelia Tait của The Guardian hồi năm ngoái đã dùng chuyện của Carrington cho bài viết về sự thay đổi văn hóa và tâm lý của những nền tảng crowdfunding nói chung và GoFundMe nói riêng. Ở nơi từng là vùng đất của những câu chuyện thương tâm nhất và những căn bệnh hiểm nghèo nhất, giờ người ta có đủ thứ trên đời. Và xuất hiện tình trạng người ta gọi vốn vì thứ họ muốn, chứ không còn là thứ họ cần.
Chẳng hạn tại thời điểm bài viết của Tait (tháng 8-2019), trên GoFundMe có 675 chiến dịch gây quỹ để có tiền làm ngực, 5.209 người muốn bá tánh góp tiền mua máy chơi game Xbox và 47 người gọi vốn để mua "túi Louis Vuitton (LV)" (một trong những lời kêu gọi là "từ nhỏ đến giờ tôi luôn mơ ước có được một chiếc túi hiệu").
Trong khi chiến dịch gọi vốn để mua túi LV chỉ quyên được 150 USD - con số khiêm tốn so với mục tiêu 1.000 USD đặt ra - thì những lời kêu gọi "thật bụng" vì mục đích có vẻ thiết thực hơn, như của Iwan Carrington, lại nhận được ủng hộ của cộng đồng. Một trong những trường hợp thành công nhất là của một người Scotland khi gọi vốn để giúp… con mèo Nala của anh ta đi vòng quanh thế giới cùng với anh.
Theo The Guardian, người này đặt mục tiêu là 6.000 bảng Anh, đến ngày 8-1-2020, số tiền góp được hiển thị trên GoFundMe là hơn 32.000 bảng. Sau đó, GoFundMe đã tắt tính năng góp tiền cho chiến dịch "đại thành công" khó hiểu này.
không phải là điều đáng xấu hổ?
Từ khi nào mà người ta không còn thấy xấu hổ khi đi xin tiền người lạ "thoải mái" như vậy? Elizabeth Gerber - giáo sư Trường đại học Northwestern, bang Illinois (Mỹ) - đã có hơn 10 năm nghiên cứu về crowdfunding. Bà cho rằng việc crowdfunding biến đổi như hiện nay có thể là hệ quả của hai thay đổi về mặt công nghệ. Đó là thao tác chuyển tiền trực tuyến an toàn ngày càng dễ dàng hơn, và khả năng tiếp cận người khác trên Internet đã trở thành chuyện quá đỗi bình thường.
"Vì người ta ngày càng thoải mái với việc chuyển tiền trực tuyến, nên chuyện xin tiền trực tuyến cũng trở nên dễ mở lời hơn. Và khi mọi chuyện càng trở nên bình thường thì người ta lại càng cảm thấy mình có thể xin bất cứ thứ gì từ bất cứ ai" - giáo sư Elizabeth Gerber giải thích.
Một nghiên cứu của giáo sư Gerber cũng cho thấy rằng người ta thích đóng góp từ thiện online vì cảm giác mình được "vinh danh" công khai cùng với một hành động có ích. Trên nhiều trang web gây quỹ cộng đồng, tên người đóng góp được hiển thị ở phía bên phải của bài đăng kêu gọi vốn. Nữ giáo sư này cũng cho biết thường người ta sẽ đóng góp những đồng tiền nhàn rỗi của mình.
"Họ ủng hộ tiền thường dùng để đi xem phim hoặc nghe nhạc" - Gerber nói và phân tích thêm việc giúp người khác như trong trường hợp của Carrington cũng là một loại hình "giải trí" mà người ta đổi lấy bằng tiền mình đóng góp.
Khi GoFundMe ra mắt năm 2010, nó trở thành một trong những dịch vụ đầu tiên không buộc người dùng phải đạt được mục tiêu gọi vốn mà họ đề ra rồi mới được "lãnh tiền", điều này lại khuyến khích người ta đi "xin xỏ" nhiều hơn. Thêm vào đó, người quyên góp cũng bỏ đi được áp lực là phải giúp người kêu gọi đạt được mục tiêu họ đặt ra, từ đó thoải mái đóng góp dù chỉ là một khoản nhỏ.
Theo John Coventry - giám đốc khu vực châu Âu và Úc của GoFundMe, khi người ta trở nên quen với các yêu cầu gọi vốn của người khác trên GoFundMe, họ sẽ không còn thấy xấu hổ và mạnh dạn đề đạt ý nguyện của mình.
Mèo Nala đã cùng chủ nhân chu du thiên hạ nhờ "tiền chùa" kêu gọi qua crowdfunding - Ảnh: Guardian
Xin tiền người lạ có thật sự thoải mái?
Để thực hiện bài viết cho The Guardian, tác giả Amelia Tait gọi điện thoại cho Iwan Carrington, thẳng thắn hỏi cậu rằng có thấy kỳ khi xin tiền bạn bè, gia đình và người lạ trên mạng hay không. "Lúc đầu thì có - cậu bé trả lời - Nhưng khi em thật sự cầm trong tay cặp AirPods rồi, em nghĩ thôi kệ, mình thích mà".
Sau đó, cậu bé 16 tuổi lên trang GoFundMe xem có ai làm giống mình hay không, và thật bất ngờ (hoặc không) là Carrington tìm được đến 4.649 kết quả với từ khóa "AirPods", và cảm thấy "như cởi tấm lòng".
Thêm vào đó, Carrington cho biết những người góp tiền cho cậu chủ yếu là người làm kinh doanh. "Em không cảm thấy tội lỗi vì người ta cũng không phải là nghèo - họ đâu có cho đi tài sản tiết kiệm cả đời" - Carrington nói.
Bà Abi Jenkins - 36 tuổi, mẹ của Carrington - nói mình không biết gì về kế hoạch của con trai cho đến khi nhận được email… mời đóng góp: "Ban đầu tôi cũng cảm thấy khá kỳ cục, thế nhưng tôi nghĩ rằng chẳng phải mình cũng luôn khuyến khích bọn trẻ khởi nghiệp đó sao?".
Cảm giác day dứt giữa "có tội" hay "không có tội" khi xin tiền người khác là điều mà nhiều người từng crowdfunding gặp phải. Lulu Jemimah là cô gái từng hai lần crowdfunding để xin học phí học cao học cho mình. Riêng lần thứ hai, cô crowdfunding bằng câu chuyện độc đáo: tự làm đám cưới với… chính mình vì thấy bực khi gia đình họ hàng cứ hỏi sao học mãi mà không chịu lấy chồng sinh con.
"Đây là chuyện tình của tôi. Tôi đã kết hôn với người mà tôi chắc chắn luôn chăm sóc tôi" - cô viết khi kêu gọi crowdfunding bằng đám cưới của mình. Tổng cộng, Jemimah nhận được gần 24.000 bảng Anh từ 448 người qua 2 lần crowdfunding. "Tôi cảm thấy rất tội lỗi. Đôi khi tôi đi xem phim nhưng lại nghĩ: không được, mày phải đi học, đi làm chứ" - Jemimah bày tỏ suy nghĩ của mình khi dùng tiền người khác giúp đỡ.
Mỗi ngày, trên các nền tảng gây quỹ cộng đồng, người ta vẫn bắt gặp nhiều bài đăng với đủ mục đích trên đời: từ cô gái xin tiền để… nhuộm tóc vàng đến thanh niên 20 tuổi xin… một chiếc Mercedes-Benz, hay một phụ nữ ở London xin tiền để mua chuồng mới cho con hamster của mình.
Mới đây, một nhóm người nước ngoài sống ở Việt Nam (expat) đã phản ứng dữ dội (trên mạng) trước câu chuyện một giáo viên tiếng Anh đến từ West Yorkshire đã crowdfunding để có tiền trang trải trong những ngày trường học, trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam đóng cửa vì dịch bệnh.
Một trong những rủi ro của crowdfunding là có thể khiến người ta tưởng rằng mình hiểu về người gọi vốn thông qua câu chuyện của họ, nhưng thực tế thì không phải vậy.
Tháng 7-2019, một người đàn ông tên Henry (không phải tên thật) ở Boston ủng hộ 50 USD cho một diễn viên hài, người trước đó đã tweet rằng anh ta vô cùng tuyệt vọng và muốn tự sát. "Tôi quyết định ủng hộ vì dường như anh ấy thật sự đang trải qua thời điểm rất khó khăn" - Henry kể. Ấy vậy mà chỉ mấy ngày sau, diễn viên hài đó bị cáo buộc quấy rối tình dục và dùng tiền người ta góp cho mình để mua ma túy.
"Tôi cảm thấy mình thật cả tin, nhưng điều làm tôi buồn nhất là khi nghĩ về những nạn nhân của anh ta. Tôi chỉ biết hi vọng rằng số tiền mình đưa cho anh ta không dính đến chuyện nghiện ngập và khiến anh ta làm tổn thương người khác" - Henry chán chường bày tỏ. Sau đó, Henry đã góp tiền ủng hộ những người phụ nữ tố cáo diễn viên hài kia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận