Tại tọa đàm thực trạng và giải pháp giảm ngập nước trên địa bàn TP Thủ Đức sáng 31-5, các chuyên gia đã mổ xẻ nguyên nhân gây ngập nhiều tuyến đường tại địa phương này. Đồng thời phân tích, giải mã nguyên nhân sâu xa khiến chợ Thủ Đức ngập nặng nhiều năm qua dù đã có nhiều giải pháp.
Điểm ngập chợ Thủ Đức được các chuyên gia đặc biệt quan tâm và hiến kế.
Tại sao chợ Thủ Đức ngập nặng?
Mở đầu tọa đàm, ông Mai Hữu Quyết - phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức - thừa nhận hạ tầng thoát nước địa phương cũ, thiếu, yếu và chưa được đầu tư đồng bộ. Địa hình nhìn chung cao nhưng có những nơi rất thấp, chênh lệch lớn. Đặc biệt là khu vực chợ Thủ Đức ngập tồn tại lâu, TP Thủ Đức đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
"Tôi mong các chuyên gia, nhà quy hoạch phân tích, đóng góp cho TP Thủ Đức liệu các quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện nay còn phù hợp hay không? Giải pháp nào hiệu quả để Thủ Đức đề xuất TP.HCM bố trí vốn thực hiện công tác này. Việc chống ngập cần các dự án hàng nghìn tỉ và làm đồng bộ mới có thể xử lý được", ông Quyết nhận định.
Ông Lưu Trọng Nghĩa - trưởng Phòng giao thông công chính TP Thủ Đức - cung cấp thêm hiện địa phương có một số tuyến đường, hẻm chưa được đầu tư hệ thống thoát nước. Một số tuyến đường, hẻm khác được đầu tư nhưng đã lâu năm, không đồng bộ.
Thêm vào đó đường kính cống thoát nước nhỏ, xuống cấp, bị cát, đất bồi lắng chưa được nạo vét hoặc đầu tư nâng cấp, sửa chữa khiến việc thoát nước gặp trở ngại…
"Đối với một số dự án đang triển khai thi công để giải quyết ngập nhưng tiến độ thi công chậm, chưa hoàn thành. Việc kết nối thoát nước với các tuyến sông, kênh, rạch tự nhiên còn đứt quãng. Sông, kênh, rạch bị đất cát, cỏ rác, lục bình bồi lắng, chưa được nạo vét, gia cố nên hạn chế việc thu nước, thoát nước. Đây cũng là những cái khó trong chống ngập của TP Thủ Đức", ông Nghĩa nêu.
Chính những yếu tố trên khiến Thủ Đức xảy ra ngập nặng trong những cơn mưa đầu mùa vừa qua.
Tách dòng, cải tạo rạch mới cứu được chợ Thủ Đức
Khu vực chợ Thủ Đức thuộc vùng chuyển tiếp từ vùng gò đồi giáp ranh tỉnh Bình Dương hướng về vùng ven sông Sài Gòn. Cao độ địa hình biến thiên từ độ cao 30m xuống 0,5m.
Hệ thống thoát nước của khu vực chợ Thủ Đức chủ yếu là cống tròn, nhỏ đã được đầu tư lâu năm, khả năng tiêu thoát nước kém. Ngoài ra, các tuyến kênh, rạch, mương xung quanh thường xuyên bị cát, đất, lục bình, cỏ dại phủ kín bề mặt. Thêm vào đó rác nhiều khiến khả năng trữ nước kém, hạn chế khả năng tiêu thoát nước.
Qua thực tế trên, PGS.TS Lê Song Giang - Trường đại học Bách khoa TP.HCM - ví von chợ Thủ Đức như một lòng chảo nằm dưới chân đồi. Ông Giang cũng nhấn mạnh nơi đây không phải rốn địa hình, mà do chính chúng ta làm nên. Quy hoạch đường giao thông hiện hữu khiến nước dồn về đây.
"Bên cạnh đó, xung quanh chợ Thủ Đức đô thị hóa cao nên không còn khả năng thấm, mà tạo thành dòng chảy. Dòng chảy bề mặt bị đường phố chắn nên tràn về, cống rãnh cũng đổ về chợ này", ông Giang chỉ rõ.
Theo ông Giang, muốn "cứu" chợ Thủ Đức giảm ngập, có ba giải pháp chính gồm: giảm nguồn nước về chợ bằng tăng diện tích thấm, tách dòng chia nước, làm chậm dòng bằng hồ điều tiết; xử lý cục bộ bằng nâng nền, bơm tiêu cưỡng bức và tăng thoát nước bằng mở rộng hai rạch Thủ Đức và Cầu Ngang.
Chung quan điểm, PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang - phó viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường TP.HCM - nói: "Không hành động thì ngày càng ngập. Thủ Đức phải tiếp cận tổng thể, hành động cụ thể. Phải có rà soát, tính toán, nếu làm mà không có số liệu, chỉ phán đoán là không ổn. Dữ liệu đầu vào phải chuẩn. Đồng thời làm cái nào dứt cái đó".
Ông Quang cũng góp ý cần có tiêu chuẩn thoát nước riêng cho TP.HCM và TP Thủ Đức. Phương án cải tạo rạch Thủ Đức là rất cần thiết, quan trọng. Ngoài ra nên nghiên cứu phân bổ lại lưu vực, tách dòng nhưng chú ý không gây ngập khu vực khác.
Một phương án cũng được vị này đề xuất là nếu Thủ Đức chưa thể xây hồ điều tiết lớn thì làm các hồ nhỏ phân tán. Đây cũng là một cách làm mà địa phương này nên cân nhắc, xem xét.
Cũng liên quan tới phương án tách dòng, ông Ngô Trùng Dương - khoa kỹ thuật hạ tầng đô thị, Đại học Kiến trúc TP.HCM - góp ý cần phân phối lại các lưu vực để tránh quá tải dòng chảy cho lưu vực chính. Ngoài ra có các giải pháp để kiểm soát tốc độ dòng chảy.
"Thủ Đức nên thiết kế nơi trữ nước dọc các tuyến đường hay ngập. Quản lý đô thị của địa phương tương đối tốt nhưng đường giao thông lại ít có cây xanh để giữ nước, giảm dòng chảy. Đó là điều khiến nước chảy thành dòng mạnh, ồ ạt", ông Dương nói.
Làm ngay đề án giảm ngập tổng thể và riêng chợ Thủ Đức
Ông Mai Hữu Quyết cho biết sau tọa đàm, TP Thủ Đức sẽ triển khai làm ngay đề án tổng thể giảm ngập trên địa bàn TP. Song song đó triển khai các giải pháp giảm ngập ở chợ Thủ Đức cũng như chuẩn bị các dự án mở rộng rạch Cầu Ngang, rạch Thủ Đức, đường Dương Văn Cam để tách dòng chảy. Đối với làm hồ điều tiết là giải pháp lớn sẽ đề xuất đầu tư giai đoạn sau.
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu thí điểm một số điểm trữ nước dọc tuyến. Ngoài ra việc thực hiện chỉ thị 19 của Thành ủy và vận động người dân TP.HCM không xả rác ra đường, kênh rạch - vì TP sạch và giảm ngập nước cũng rất quan trọng. Rác cũng là nguyên nhân gây ngập khủng khiếp do tắc cống, van ngăn triều, kênh rạch", ông Quyết nói.
Còn đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó quan tâm chống ngập.
Trong đồ án quy hoạch chung có 1 định nghĩa mới, hoàn chỉnh. Hành lang kiểm soát ngập ngoài kênh rạch, cống thoát nước hiện hữu thì có thêm hồ điều tiết. Thủ Đức có 2 nơi dự kiến xây dựng hồ điều tiết tại công viên Gò Dưa và phường Linh Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận