09/09/2015 12:18 GMT+7

Chờ được “khoan sức dân”

VŨ KHOAN (nguyên phó thủ tướng)
VŨ KHOAN (nguyên phó thủ tướng)

TT - Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa VN với các nước đã và chuẩn bị được ký kết. Làm sao tận dụng cơ hội và giành thế chủ động khi VN mở rộng hội nhập?

Đàm phán FTA giữa VN - EU vừa kết thúc, dự kiến giày dép VN vào thị trường này sắp tới thuế suất sẽ về 0%. Trong ảnh: sản xuất giày xuất khẩu sang EU tại Công ty CP Đông Hưng Bình Dương - Ảnh: Tiến Long

Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết của nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan sẽ phân tích kỹ vấn đề này.

Gần đây chủ đề “hội nhập” có phần nóng lên, có thể hiểu được vì ngoài 7 - 8 FTA vốn có, hiện ta đang đàm phán, ký kết tới 7 - 8 thỏa thuận mới với tiêu chuẩn cao hơn và với diện rộng hơn cả về đối tác lẫn lĩnh vực cam kết.

Một số người băn khoăn: tại sao nước ta tham gia nhiều FTA như vậy trong khi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn rất thấp?

Tâm tư ấy có cái lý nhất định nhưng giờ đây đâu phải là lúc tranh cãi vì đoàn tàu hội nhập đang chạy hết tốc lực, làm sao có thể phanh gấp hoặc nhảy xuống tàu? Vấn đề chỉ còn là chuẩn bị để khi tới ga có thể kinh doanh tốt nhất, đồng thời tránh được những sự hớ hênh đáng tiếc.

“Các cuộc hội thảo, tọa đàm về những nội dung hội nhập nên thiết thực, cụ thể, mang tính giải thích, hướng dẫn nhiều hơn là những bài nói chung chung vô bổ

Hội nhập với tâm thế nào?

Thật ra, thành bại trong hội nhập tùy thuộc rất nhiều vào niềm tin. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong ba thập niên gần đây cho thấy không đến nỗi phải hoang mang, lo lắng quá mức.

Khi VN gia nhập ASEAN và Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) năm 1995, sau đó ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ năm 2000, gia nhập WTO năm 2006 cũng từng có lo ngại tương tự.

Thế nhưng trên thực tế nước ta đã gặt hái được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Kim ngạch xuất khẩu năm 1995 từ 5,4 tỉ USD đã vọt lên 150 tỉ USD năm 2014; đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng mấy chục lần!

Bên cạnh những kết quả trên, VN còn giành được một số kết quả vô hình nhưng rất quan trọng. Đó là luật pháp, thể chế được cải thiện đáng kể, Nhà nước và doanh nghiệp trải qua sự tập dượt cần thiết và thu lượm được không ít kinh nghiệm, vị thế quốc tế của nước ta đã khác trước nhiều.

Nói như vậy không có nghĩa là mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là chờ hội đủ mọi điều kiện mới hội nhập hay thông qua hội nhập để tự hoàn thiện mình? Thực tế cho thấy cách tiếp cận thứ hai hiện thực hơn. Vả lại nhiều tiền đề không thể có ngay được trong một sớm một chiều, trong khi cuộc sống không ngừng thay đổi.

Hơn nữa không thể trông đợi rằng hội nhập chỉ đem lại mối lợi mà không phải trả giá, không phải ngành hàng nào cũng thong dong mà có những ngành hàng chịu thua thiệt. Đó là sự khắc nghiệt của thể chế kinh tế thị trường, điều này càng tất yếu trên thương trường quốc tế.

Chủ động nắm bắt thông tin

Nói như vậy không có nghĩa là có thể chủ quan mà cần tích cực, chủ động chuẩn bị. Điều đầu tiên là cần hiểu biết nội dung cam kết. Điều đáng ngại là phần đông doanh nghiệp, thậm chí không ít người trong bộ máy lãnh đạo - quản lý cũng chưa nắm rõ lắm.

Ở đây nên nhìn nhận vai trò của cả hai phía: cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Phòng Thương mại - công nghiệp (VCCI) và các hiệp hội ngành hàng cũng có vai trò quan trọng vì họ có khả năng tiếp cận thông tin và nắm được nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó có thể làm cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, giữa doanh nghiệp với thị trường.

Các cơ quan nhà nước có khó khăn nhất định vì các cuộc đàm phán còn đang tiếp diễn, đã có thỏa thuận cuối cùng đâu mà công bố? Vả lại các bên tham gia đàm phán lại thỏa thuận giữ kín nội dung nên làm sao ta có thể tự ý công bố được? Còn thông tin về những thỏa thuận đã hoàn tất đều có thể truy cập trên mạng, trong đó có mạng của Bộ Công thương và nhiều trang mạng của nước ngoài. Không biết bao nhiêu người đã truy cập?

Nhiều cam kết hội nhập khá phức tạp, đôi khi doanh nghiệp không hiểu nổi. Vì vậy các cơ quan, kể cả VCCI và các hiệp hội ngành hàng nên giải thích rành rọt và hướng dẫn cho các doanh nghiệp biết đường làm ăn.

Đồng thời nên có những thông tin tổng hợp nối kết các thỏa thuận theo các FTA khác nhau theo từng ngành hàng để các doanh nghiệp dễ nắm bắt.

Điều quan trọng hàng đầu đối với các doanh nghiệp là phát huy tinh thần tích cực chủ động. Như trên đã nói, nhiều thông tin được chuyển tải trên mạng nhưng hình như số người truy cập không nhiều; nhiều doanh nghiệp không cử người tham dự các cuộc hội thảo, tọa đàm hay chỉ cử nhân viên đi dự cho có.

Sắp xếp để vào trận

Một vấn đề nữa là sắp xếp công việc để vào trận. Ở đây các doanh nghiệp đóng vai trò xung kích! Các thông tin về mức độ và lộ trình cam kết sẽ mách bảo cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất - nhập khẩu biết rõ cần phải làm gì: nhằm vào ngành hàng nào, thị trường, đối tác nào, cần sắp xếp công việc, vốn liếng, nhân lực ra sao...

Các doanh nghiệp chuyên doanh trên thị trường trong nước cần nắm rõ mức độ, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ra sao, mức độ và lộ trình mở cửa thế nào, từ đó chủ động đón đầu chiếm lĩnh thị trường. Vừa qua, các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều kinh nghiệm và nguồn lực đã sớm thâm nhập thị trường nước ta “lót ổ” để đón đầu các FTA.

Thật ra, không có vai trò Nhà nước các doanh nghiệp cũng không thể phát huy vai trò vì tuyệt đại đa số doanh nghiệp nước ta vừa nhỏ vừa yếu về mọi mặt: vốn liếng, nhân lực, công nghệ, thông tin thị trường, đối tác... Không dám “trứng khôn hơn vịt”, chỉ xin phản ảnh một số tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp qua các cuộc tiếp xúc để các cơ quan nhà nước tham khảo:

Do khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ta rất thấp nên điều mong đợi nhất của họ là được “khoan sức dân” thông qua việc giảm thiểu thuế, phí, kể cả “phí bôi trơn”, lãi suất cho vay...

Các Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp mới tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, tuy nhiên các doanh nghiệp đều mong đợi sớm có các văn bản hướng dẫn và nhất là quá trình thực hiện trên thực tế diễn ra suôn sẻ.

Những chủ trương mạnh mẽ của Chính phủ về việc giảm mạnh thời gian nộp thuế, tiến hành thủ tục hải quan... là những tín hiệu đáng mừng, nhưng không ít doanh nghiệp ta thán rằng giữa cam kết và tình hình thực tế còn có khoảng cách đáng kể, đòi hỏi có sự đôn đốc, giám sát sít sao việc thực thi.

Chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài là thỏa đáng song làm sao bảo đảm sân chơi bình đẳng nhất định giữa họ với doanh nghiệp trong nước, nhất là về đất đai, mặt bằng...

Thông tin thị trường, đối tác tiếp tục là điểm yếu của các doanh nghiệp VN. Họ rất cần sự hỗ trợ tích cực, hữu hiệu hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước, kể cả các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại ở nước ngoài.

Công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch đã được quan tâm song chất lượng, hiệu quả chưa như mong muốn, tính chuyên nghiệp còn khá hạn chế đòi hỏi sự đổi mới một cách căn cơ.

Doanh nghiệp nước ta thường xuyên chịu sức ép của các đối tác thông qua các hàng rào bảo hộ. Mong các cơ quan quan tâm đưa ra những biện pháp cam kết quốc tế cho phép như: chống bán phá giá, chống độc quyền, vệ sinh an toàn thực phẩm... để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

Trên đây chỉ liệt kê một số ý nguyện của các doanh nghiệp, chắc chắn là chưa đầy đủ. Ngoài việc phổ biến thông tin, mong các cơ quan hữu quan tổ chức các cuộc đối thoại chuyên đề với doanh nghiệp để nghe ngóng và nhất là đáp ứng tâm tư của họ.

Cần nhiều biện pháp mạnh mẽ

Để tranh thủ được mối lợi từ những cam kết mới cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ trong nước. Chẳng hạn, để “lót ổ” về sợi hay vải, các doanh nghiệp trong nước cần được hưởng những ưu đãi rất đặc biệt về thuế, mặt bằng, lãi suất…

Để thực hiện cam kết về dịch chuyển lao động giữa các nước ASEAN rất cần có sự đào tạo, hướng dẫn bài bản cho lao động nước ta, đồng thời sớm quy định điều kiện cụ thể đối với lao động nước ngoài…

 

VŨ KHOAN (nguyên phó thủ tướng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên