30/10/2004 15:26 GMT+7

Cho con đi học "trường Tây"

HOÀI TRANG
HOÀI TRANG

TTCN - Cho con đi học trường Tây là chuyện không mới nhưng ngày càng có nhiều hơn các bậc phụ huynh quan tâm tới chuyện này dù họ không thuộc giới ăn nên làm ra, mà thường là tầng lớp trung lưu, trí thức.

8YyrjOEl.jpgPhóng to
TTCN - Cho con đi học trường Tây là chuyện không mới nhưng ngày càng có nhiều hơn các bậc phụ huynh quan tâm tới chuyện này dù họ không thuộc giới ăn nên làm ra, mà thường là tầng lớp trung lưu, trí thức.

Gánh nặng chi phí được cho là rào cản lớn nhất hiện cũng đã được giải tỏa phần nào do ngày càng có nhiều hơn những trường Tây “mềm” hơn về học phí… Nhưng cũng từ đây, nhiều phụ huynh băn khoăn: làm thế nào để chọn một “trường Tây” chất lượng đúng tên gọi khi mà các trường dân lập quốc tế cũng đang rộ lên!

Câu chuyện của một người mẹ

Nhớ lại việc quyết định cho con phải vào học trường quốc tế, chị L. kể: “Đó là một quyết định điên rồ, bởi lúc đó không biết kiếm đâu ra tiền. Nhưng chúng tôi nghĩ dù phải bán nhà cũng phải làm…”. Hai vợ chồng chị cùng học và sống ở Nga 10 năm, cháu bé cũng sinh ra ở Nga trong những ngày gian khổ, thiếu thốn nhất nên chị nói chưa bao giờ có ý nghĩ gia đình mình là những người thuộc hàng trung lưu hay sang trọng để xem chuyện cho con học trường Tây như một cái mốt.

Lúc đó con chị đang học lớp 5 và lúc nào cũng ở trong top 5 học sinh giỏi nhất lớp của một trường sư phạm thực hành thuộc dạng tốt nhất thành phố, đi học lúc nào cũng được các cô giáo yêu quí cưng chiều. Nhưng đến khi chị thấy cháu bắt đầu có những biểu hiện chán nản và stress không thể chia sẻ với mẹ; cứ đi học về là ngồi vào bàn học mãi, học đến không có cả những kỳ nghỉ. “Cháu bắt buộc phải học như con vẹt mà nó thì lại có cá tính hơi đặc biệt một chút. Mình không sợ con dốt, nhưng sợ nhất nó không còn là nó. Và sau nhiều cân nhắc, lựa chọn mình đã cho nó học ở Trường British International (BIS) ở quận 2, TP.HCM.

Cho con học trường Tây, trong thâm tâm nhiều lúc mình cũng sợ con mất gốc, tự coi mình không là người VN nữa và khác mọi người nên mình luôn dạy cho nó hiểu nó đi học như vậy là vì hoàn cảnh chứ không hề có ưu thế gì hơn những trẻ khác và không bao giờ được ỷ lại”.

Khi cháu bé thứ hai được 2 tuổi, chị cũng cho con đi “nhà trẻ Tây” Kinderworld, và lên 6 tuổi cháu cũng vào học BIS cùng chị, bây giờ cháu bé học lớp 3, cháu lớn học lớp 7. Chi phí học hành cho cả hai cháu theo chị là “một cái với rất quá sức, chỉ cần làm ăn buôn bán thất bát vài tháng là con mình có thể ra ngay khỏi trường”.

Nhưng bù lại, cái mà vợ chồng chị an tâm nhất là thấy con mình “rất dễ dàng thích nghi với cuộc sống và có tính tự lập rất cao. Đi cắm trại, nó biết cắm lều một cách thành thạo; biết sơ cứu, cấp cứu người bị nạn, ở nhà biết nấu ăn, may vá… Từ một đứa trẻ nhút nhát nó biết bảo vệ quan điểm của mình; thoải mái trình bày một đề tài, quan điểm cá nhân của nó về một vấn đề nào đó.

Thậm chí, có lúc cả hai vợ chồng đi du lịch Thái Lan bốn ngày, hai cháu bé ở nhà (với chị giúp việc đến theo giờ) biết tự xoay xở, sáng khóa cửa đi học, chiều về biết tự nấu ăn, tự dọn dẹp nhà cửa và ngủ một mình. Có thể môn toán cháu học không giỏi như ở trường công ngày trước nhưng cháu hiểu thế nào là toàn cầu hóa, vấn nạn rác thải, biết làm cả thơ haiku của Nhật bằng tiếng Anh… và đối với mình những điều đó lại rất quan trọng…”.

Lựa chọn

GsuAGLh7.jpgPhóng to
Theo chủ đầu tư của một trường quốc tế, ngoài số con em của người nước ngoài đang công tác tại các sứ quán và đang làm việc tại VN, hiện nhiều trường quốc tế ở TP.HCM có một tỉ lệ không nhỏ học sinh VN.

Ngoài những trường thuộc “hạng cao” như International School, British International School, còn có nhiều trường khác đã được biết đến tên tuổi như Trường dân lập quốc tế Việt – Úc (Võ Thị Sáu, Q.1), Trường tiểu học Quốc tế (Thái Văn Lung, Q.1), Trường dân lập Quốc tế (Ngô Thời Nhiệm, Q.3)… và gần đây nhất là Trường Úc Châu trên đường Trương Định (Q.3).

Những trường quốc tế 100% giảng dạy hoàn toàn theo phương pháp nước ngoài, giáo viên hầu hết cũng là người nước ngoài và có bằng cấp quốc tế nên học phí thường rất cao so với thu nhập bình thường của các gia đình Việt: theo từng cấp lớp, trung bình từ 5.000 – 10.000 USD/năm. Một số trường khác của các sứ quán nước ngoài như Trường Colette của Pháp học phí rẻ hơn nhưng rất hạn chế số lượng và chủ yếu chỉ dạy cho công dân nước họ.

Ông Huỳnh Công Minh,giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM:

Hiện tại trên TP.HCM có ba loại trường được gọi là “trường quốc tế”:- Trường do nguồn đầu tư nước ngoài, giảng dạy hoàn toàn theo chương trình và tiêu chuẩn nước ngoài, mục đích phục vụ con em chuyên gia nước ngoài tại VN. Các trường này đang có khuynh hướng mở rộng để thu hút học sinh VN vào học, hình thức như du học tại chỗ.

- Trường do người VN đầu tư dạy cho người VN với chương trình của Bộ GD-ĐT; các trường này có khuynh hướng tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế.

- Trường được đầu tư từ nguồn vốn liên kết giữa VN và nước ngoài. Cũng có mục đích phục vụ học sinh VN, hình thức du học tại chỗ.

Các trường này đều đang có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục của thành phố, phục vụ nhu cầu đào tạo học sinh giỏi, chất lượng cao của nhân dân. Trong điều kiện các trường công lập, bán công chưa thể một sớm một chiều đổi mới phương pháp giảng dạy, giảm sĩ số học sinh trong lớp, đầu tư trang thiết bị hiện đại thì các trường quốc tế ra đời đã gánh vác giúp những nhu cầu của học sinh và phụ huynh.

Về mặt quản lý, với hai loại trường do người VN đầu tư, sở có quản lý rất chặt chẽ về chất lượng đào tạo. Riêng với loại trường 100% nước ngoài do cấp liên bộ cấp phép thì còn rất nhiều khó khăn cho quản lý ở cấp địa phương. Sở hi vọng sắp tới sẽ có hệ thống thống nhất trong cấp phép và quản lý để có thể “để mắt” tới loại hình này.

Còn các trường dân lập quốc tế vẫn dạy theo chương trình chính thức của VN (riêng ngoại ngữ dạy theo chứng chỉ chất lượng của nước ngoài, thi theo bằng của Anh, Mỹ, Úc) nhưng cách thức tổ chức quản lý, cơ sở vật chất và môi trường học, phương pháp giảng dạy đều theo chuẩn quốc tế có học phí rẻ hơn nhiều: dao động từ 1,5 - 4,5 triệu đồng/ tháng tùy theo cấp lớp.

Anh Quang - nhân viên một công ty cổ phần, có con đang học ở Trường tiểu học Quốc tế (Thái Văn Lung) - cho biết: “Con tôi đang học lớp 4, học phí mỗi tháng khoảng 1,6 triệu đồng cộng thêm tiền xe đưa rước khoảng 500.000 - 600.000 đồng/tháng. Hai vợ chồng tôi thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, cũng phải so đo tính toán dữ lắm mới dám cho con đi học ở đây, tụi tôi còn đang tính sẽ tranh thủ đưa con đi học để giảm bớt chi phí. Nhưng từ ngày cháu học trường này, tụi tôi không còn phải chạy tới chạy lui lo cho con đi học thêm, thấy nhẹ hẳn người, cũng không còn phải lo lắng đến phát sốt mỗi đầu năm học, mỗi kỳ thi vì chuyện học hành của con…”.

Anh Dương Long, cán bộ một xí nghiệp in lớn, đã không ngần ngại cho đứa con gái thứ hai vào học ở Trường Úc Châu ngay từ lớp 1. Anh nói: “Gia đình tôi rút kinh nghiệm từ thằng con trai lớn bởi đã quá mệt mỏi với chuyện học hành của nó nhiều năm nay. Học sinh gì mà học ngày học đêm, học đến điên khùng…

Điều mà tôi đau khổ nhất là chuyện học thêm của tụi nhỏ, đứa nào học giỏi cách mấy cũng phải đi học thêm nếu không là không ổn. Năm nó học lớp 9, chỉ riêng tiền học thêm ba môn toán, lý, hóa mỗi tháng đã mất 900.000 đồng”.

Còn bây giờ, mức học phí của cô con gái anh mỗi tháng 1,6 triệu đồng và chấm hết. Sáng anh thả con ở trường, chiều rước về, không phải lo gì nữa. “Tính ra còn rẻ hơn ở trường công vì khỏi phải lo cho nó đi học thêm ngoại ngữ, học năng khiếu…, quan trọng nhất là không phải đi học nhiều chỗ, “bơi” suốt ngoài đường, rủi ro tai nạn còn cao hơn”.

Anh cũng rất tâm đắc khi kể chuyện nhiều buổi sáng con gái anh đi học trễ mới 15 phút là đã có điện thoại từ trường điện ngay đến nhà hỏi thăm xem cháu hôm đó có bị ốm, hay đã đi học mà gặp chuyện gì chưa tới được trường…

Như cầu lớn, chất lượng chưa yên tâm

Người quản lý của một trường quốc tế cho biết do đang có một nhu cầu lớn cho con cái học ở các trường quốc tế và cũng không ít phụ huynh là doanh nhân, thương gia khá giả nên số lượng học sinh đăng ký vào trường hiện đã xa chỉ tiêu từ lâu.

Các trường do tư nhân thành lập như Úc Châu cũng là lựa chọn của các bậc cha mẹ thuộc hàng trung lưu. Song cũng đang có những quan ngại về nhiều mặt: “trường quốc tế” nhưng lại dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT, hoặc “trường quốc tế” nhưng chất lượng không khác những trường tăng cường tiếng Anh, đặc biệt là với việc nhiều nhà đầu tư đang đổ xô vào kinh doanh “trường quốc tế” hoặc có hiện tượng gắn mác trường quốc tế để cạnh tranh và lòe thiên hạ…

Chính vì những vấn đề nhập nhèm đang tồn tại đó, mà nhiều phụ huynh như chị Thu Giao, giám đốc bộ phận của một công ty nước ngoài đóng tại TP.HCM, từ hè năm rồi đã phải lo lắng, tìm hiểu để chọn một trường (theo chị “không quá cao” như những Trường International School của Úc hoặc BIS nhưng cũng không quá dễ dãi như một số trường khác) để cho con vào lớp 1 mặc dù năm nay thằng bé vẫn còn học ở vườn trẻ.

Ưu điểm rõ nhất mà ai cũng nhìn thấy ở các trường quốc tế là học sinh được học đầy đủ các môn năng khiếu (nhạc, họa…), vi tính, ngoại ngữ theo tiêu chuẩn nước ngoài, được cấp chứng chỉ công nhận qua từng cấp lớp.

Tuy vậy, cũng sẽ có không ít khó khăn nếu vì một lý do nào đó trẻ đang học ở những trường quốc tế được giảng dạy hoàn toàn theo chương trình nước ngoài phải trở lại các trường công vì hệ bằng cấp này khác hoàn toàn với VN. Một số phụ huynh đã cho con học hết cấp I trong trường dân lập quốc tế cũng cho rằng con họ khó học lại được ở các trường công, không loại trừ cả trường hợp không theo nổi chương trình học ở các trường này mặc dù cùng được đào tạo từ một chương trình của Bộ GD-ĐT (!).

HOÀI TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên