15/11/2019 15:41 GMT+7

Chính phủ muốn 'theo đến cùng' các dự án luật trình Quốc hội

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Theo đề nghị của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội sẽ không chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật nữa.

Chính phủ muốn theo đến cùng các dự án luật trình Quốc hội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 15-11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đưa ra phương án thay đổi quy trình xây dựng dự án luật.

Chủ thể trình luật sẽ "theo đến cùng"

"Cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội" - bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết.

Như vậy, khác với quy trình hiện hành là cơ quan thẩm tra (Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội) chủ trì giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, quy trình mới được Chính phủ đề nghị sẽ cho phép các chủ thể kiến nghị luật được "theo đến cùng" dự án của mình.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, khi đó "vai trò của cơ quan thẩm tra là: phối hợp với cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án, dự thảo trong việc chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết và trong việc tổng hợp ý kiến của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội".

"Trường hợp cơ quan thẩm tra có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án, dự thảo trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo thì cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định".

"Cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết" - ông Long nói.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết: "Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cũng như ý kiến ở nhiều Đoàn ĐBQH tán thành với phương án nêu trên".

Ủy ban Pháp luật cho rằng "cách làm như vậy bảo đảm để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra thực hiện đúng và đầy đủ chức năng; phát huy cao độ được trách nhiệm của các cơ quan; bảo đảm trong suốt quá trình xem xét, thông qua luật, các chính sách phát sinh đều được phản biện, thẩm tra đầy đủ".

Vẫn theo ông Định, làm như vậy thì "cơ quan soạn thảo sẽ thực hiện soạn thảo đến cùng, bảo đảm được tính liên tục, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến khâu giải trình bảo vệ và chỉnh lý, hoàn thiện. Cơ quan thẩm tra thực hiện thẩm tra đến cùng, kể cả đối với những chính sách đã thay đổi trong quá trình tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự án luật".

Chính phủ muốn theo đến cùng các dự án luật trình Quốc hội - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - Ảnh: Quochoi.vn

Lập một bộ mới quản lý nhà nước về thanh niên?

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật thanh niên (sửa đổi). Ông cho biết dự thảo luật đã thể hiện "khái niệm về thanh niên, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên".

Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định các "nội dung quản lý nhà nước về thanh niên, cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, hợp tác quốc tế về thanh niên, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách phát triển thanh niên, tháng thanh niên, đối thoại với thanh niên và áp dụng công ước quốc tế về quyề trẻ em đối với thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi".

Đặc biệt, dự thảo luật đã quy định cụ thể chính sách của Nhà nước đối với thanh niên tương ứng với các quyền, nghĩa vụ đặc trưng để thanh niên được học tập, rèn luyện, tích lũy kiến thức, kỹ năng, ý thức kỷ luật; được tiếp cận và cung cấp thông tin về học tập, lao động, việc làm; được tiếp cận, nghiên cứu khoa học, được sáng tạo, tự do lựa chọn nghề nghiệp…

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm về nhiều nội dung. Đối với việc quản lý nhà nước về thanh niên, báo cáo thẩm tra cho biết một số ý kiến đồng ý với dự thảo luật giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên.

"Một số ý kiến đề nghị thành lập một bộ mới có nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, không phát sinh biên chế và phát huy được vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh" - Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nói.

Theo ông Bình, mục đích chính của việc xây dựng Luật thanh niên là nhằm tạo hành lang pháp lý để thanh niên phát huy sức trẻ, khả năng, trí tuệ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phải tạo ra những ưu đãi cho thanh niên so với những công dân khác.

"Vì vậy, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cách tiếp cận về quyền, nghĩa vụ trong dự thảo luật, để từ đó xây dựng nội dung quyền, nghĩa vụ và chính sách một cách khoa học và có giá trị trong thực tiễn thi hành" - báo cáo thẩm tra thể hiện.

Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nhận xét: "Các chính sách mà dự thảo đưa ra còn chung chung, gắn với một chủ thể khó xác định trách nhiệm pháp lý là Nhà nước. Vì vậy, các chính sách đối với thanh niên chủ yếu mang tính khẩu hiệu, định hướng, không có tính quy phạm và khó triển khai".

Chính thức trình dự án Bộ luật lao động nhiều sửa đổi về tuổi hưu, giờ làm thêm Chính thức trình dự án Bộ luật lao động nhiều sửa đổi về tuổi hưu, giờ làm thêm

TTO - Dự án Bộ luật lao động sửa đổi có nhiều điểm đáng chú ý liên quan đến việc tăng thời gian lao động, mở rộng khung giờ làm thêm, đề xuất nghỉ lễ vào ngày 27-7.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên