30/01/2011 08:00 GMT+7

Chim hót trong… loa

Truyện vui của LÂ VĂN NGHĨA
Truyện vui của LÂ VĂN NGHĨA

TTC - Những ngày giáp Tết, dù bận rộn với cái không khí chạo rạo, mua sắm, thăm viếng, biếu xén cuối năm, nhưng xem chừng đối với dân tập thể dục buổi sáng tại công viên này thì việc vào công viên đi bộ, nhảy nhót, khiêu vũ nhịp điệu, hít thở khí trời... vẫn không bị ảnh hưởng hay thay đổi gì.

4IIBIHhQ.jpgPhóng to

Thậm chí, những năm trước, vào ngày 30, sáng mồng 1 vẫn có những cụ ông, cụ bà đi vào công viên để làm bài Thái cực quyền 84 thức hoặc đi bộ vài vòng. Lộn xộn nhất là bên ngoài công viên, Ban giám đốc đã tận dụng mặt bằng để làm ba lợi ích (chắc chắn có bít lộ A) bằng cách cho thuê mở các gian hàng bán đồ Tết, kể cả một vài gian hàng chơi lô tô, phóng phi tiêu có thưởng dành riêng cho thiếu niên. Còn phía trong công viên những khoảng đất trống thì cũng được tận dụng để giới thiệu các sản phẩm của chương trình chống loãng xương, bán bánh mì làm theo kiểu ba-gét của Pháp dài ngoẵng, dài ngoằng. Nói vậy thì oan cho những ngày xuân quá, bởi lẽ, đã từ lâu công viên thật sự trở thành một nơi không yên tĩnh! <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Hai nhóm tập Aerobic dành cho các bà các cô từ 5 giờ sáng ở hai đầu công viên với những điệu nhạc thôi thúc mọi người nhảy vang lên từ những cái loa được mở hết công suất. Hết đợt 1 là tiếp đến đợt 2 cũng thể dục theo nhạc nhảy giựt giựt. Các chị em xinh tươi, mỏng manh, béo phì, ngắn đòn, dài cẳng tha hồ uốn éo, lắc mông để cố gắng tìm thân hình như ý. Tất nhiên, muốn uốn và lắc thì phải có nhạc tưng tưng – mà nhạc tưng tưng phải được phát ra từ những cái loa quá cỡ mới có thể làm cơ thể hứng thú.

Có lẽ để cạnh tranh với những nhóm lắc thì trong công viên cũng có hai nhóm khiêu vũ dưỡng sinh. Thực ra hai chữ dưỡng sinh này thêm vào cho tăng phần tinh thần thể thao thể dục, chứ bình sinh mấy ông Tây bà đầm gọi là “đăng-xing”, bình dân học vụ hơn thì gọi là nhảy đầm. Một nhóm thì do những nam vũ sư trẻ trung, ẻo lả điều khiển. Một nhóm thì do một vũ sư già làm thủ lĩnh. Dù trẻ hay già, dù mập hay ốm, dù trai hay gái thì các vũ sư – dù không tạo dáng – cũng dễ làm người ta nhận biết qua cách đi đứng và ăn mặc. Hai nhóm khiêu vũ này cạnh tranh với nhau bằng cách mở nhạc thật to để những ai mê khiêu vũ biết đẳng cấp sàn nhảy của họ qua âm thanh những bài nhạc nhảy theo tua được phát ra từ hai cái loa bành ki nái.

Như vậy, có nghĩa là, khi vào công viên, người tập thể dục bị hưởng thụ âm nhạc một cách cưỡng bức. Họ bị “thập diện mai phục” bởi âm thanh và âm thanh. Sự ồn ào, náo nhiệt là bản sắc của công viên thời kinh tế thị trường. Ấy là chưa nói đến công viên trở thành nơi học quân sự, tập thể dục thể thao của các trường được gọi là đại học.

Thế mà trong buổi sáng nay, một buổi sáng cuối năm trong công viên, chen lẫn trong tiếng nhạc rền rĩ, rên xiết, gào rú của một giọng ca nam thời thượng, người ta bỗng dưng nghe được tiếng chim hót... qua loa. Thật là một sáng kiến có tầm cỡ của các nghệ nhân chim, cá cảnh. “Xin lỗi em ngàn lần... - chíu... chíu...”. “Xin lỗi em, anh xin lỗi... - ót... ót...”. “Anh đã rơi rớt tình em - hú... hú...”.

Dù sao buổi sáng nghe được tiếng chim hót – dù là nghe hót qua loa - cũng là một buổi sáng đầy thanh tao và ý vị. Đây là công lao của nhóm nghệ nhân chơi chim mà người ta gọi là nghệ nhân chim, thường tụ tập nhau vào mỗi sáng ở quán cà phê “chim” ở cuối góc công viên. Ở đây, các nghệ nhân chim trẻ, già, trai gái vừa uống cà phê vừa đem các con chim của mình đến tranh tài hót hay. Trên các cành cây là những lồng chim treo tòn ten, với những chú chim nhảy nhót và hót vang trong lồng. Nhưng tiếng chim hót ấy chỉ được nghe tại chỗ, giới hạn trong nội bộ quán cà phê chim và các nghệ nhân chim. Bây giờ, tiếng chim hót ấy đã được vang xa nhờ hệ thống loa mắc trong công viên.

Trong công viên có một quán cà phê nhỏ. Đây là nơi tụ họp của một số ông già, ông trẻ, ông sồn sồn ngồi uống cà phê, đấu láo đủ thứ chuyện trên trời dưới biển sau một vài vòng đi bộ hoặc vài bài nhạc khiêu vũ.

Khi nghe tiếng chim hót, một ông già đầu bạc, đeo kính trắng lên tiếng như một nhà hiền triết:

- Lại được nghe tiếng chim rồi...

Một anh giai tre trẻ ngồi cùng bàn ra vẻ hiểu biết.

- Hình như đây là tiếng chim yến.

Một ông sồn sồn, một chân nhảy của lớp khiêu vũ, ngồi bàn cạnh bên góp vào:

- Không phải chim yến đâu. Họa mi đó...

Ông già đầu bạc không thèm phân định tiếng chim mà lại thả hồn vào thơ văn. Ông nói với một vài người trẻ trong bàn:

- Nghe tiếng chim hót tôi lại nhớ đến hai câu thơ: “Minh nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng khuyển ngự hoa tâm”. Người ta không hiểu sao trăng sáng trên đầu núi mà lại biết kêu; còn con chó vàng – hoàng khuyển – làm sao lại có thể nằm ở giữa tâm cánh hoa? Té ra, Minh Nguyệt là tên một loài chim còn Hoàng Khuyển là tên một loại sâu chứ không phải là chó vàng...

Tiếng chim lại hót vang lên khắp cả công viên. Một anh tóc đầu đinh gật gù:

- Đây là tiếng chim sẻ...

Ông già đầu bạc lại nhân dịp này nói về giai thoại Mạc Đĩnh Chi và con chim sẻ:

- Khi Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Tàu thấy con chim sẻ đang đậu trên một cành trúc, bèn chạy đến bắt. Ai ngờ đó chỉ là bức tranh vẽ. Giống đến nỗi ông Trạng Mạc tưởng là thật. Ông rất thông minh bèn chữa thẹn: “Trúc tượng trưng cho người quân tử, còn chim sẻ tượng trưng cho kẻ tiểu nhân, nên tôi xé bức tranh này vì không thể để cho tiểu nhân tựa vào người quân tử...”.

Anh đầu đinh nóng máu:

- Ê, ông định nói ai tiểu nhân đó?

Ông sồn sồn cản ngăn:

- Ổng chỉ nói chuyện với mấy người bàn bên kia thôi mà. Mà tôi nghe kỹ lại, đây không phải là tiếng chim yến mà là... - “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”...

Anh giai tre trẻ lên tiếng chọc ông sồn sồn. Ông ta làm lơ, coi như anh giai trẻ không có mặt trên cõi đời này, vì hồi nãy anh giai trẻ ỷ vào tuổi tác đã giành đào của ông trong buổi khiêu vũ. Ông tiếp tục:

- Tiếng hót này là của chim vành khuyên. Chim nào có vẩy sừng cứng thì tiếng hót thanh và to...

Bàn cà phê bên này, ông già đầu bạc lại tiếp tục giảng giải về chim:

- Chơi chim là những người thanh cảnh. Người ta nói chơi đồ cổ để giữ thần, chơi cây để giữ lề, chơi chim để luyện trí...

Ông sồn sồn xen vào:

- Luyện trí gì anh ơi! Tôi thấy mấy con nhỏ mặc áo hai dây, quần sọt ngắn, ngày nào cũng xách vài con chim trong lồng đi thi chim.

- Thì con gái cũng có quyền chơi chim như đàn ông chứ!

- Thì tôi có nói gì đâu! Trai, gái gì miễn có chim thì chơi được tuốt, nhưng tại con gái gì mà ăn nói bạo còn hơn đàn ông nữa. Ông coi nó dám nói với mấy ông già cỡ tuổi anh với tui như vầy nghe có được hông chứ: “Trời ơi, chim của bác già lông bạc hết rồi, đầu gục lên gục xuống sao mà hót được... Bác coi, con chim của con: mỏ, mắt tươi không, còn lông thì mướt rượt... Chỉ cần tấm vải che chuồng vừa mở, thấy mấy con chim khác là nó vươn cổ gáy liền... Chim của con được huy chương vàng trong mấy hội thi chim. Chim của mấy thằng cha kia có nhằm nhò gì so với mấy con chim của con. Nhất là vành khuyên, hoàng yến”.

Ông già đầu bạc gật gù:

- Thì cô ấy nói đúng, chớ có sai gì đâu! Tại ông hiểu méo mó đó thôi.

Anh giai trẻ bây giờ có dịp châm dầu vào lửa, hát một câu nhái theo một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

- “Em nói chim này anh nghĩ chim kia”...

Ông sồn sồn tức anh giai trẻ từ lúc nhảy đầm, bây giờ không nhịn được nữa đứng dậy:

- Anh định nói ai vậy hả? Anh còn trẻ người non dạ, không biết chim hót ra sao. Anh sống ở thành thị làm sao nghe được tiếng chim hót như lớp tụi tôi.. Không biết thì ngồi đó mà nghe...

Bây giờ đến lượt anh giai trẻ phản pháo:

- Tại sao ông biết tôi không biết gì về chim... Chim đâu chỉ dành cho người lớn tuổi đâu... Tiếng chim lại hót lảnh lót.

- Ông có biết chim gì hót không?

- Anh giai trẻ thách ông sồn sồn.

- Chim sẻ.

- Bậy, tiếng chim họa mi!

- Hoàng yến!

- Không phải, chim chào mào!

- Két.

- Cá đi!

- Rồi... cá!... Ông già đầu bạc làm trọng tài:

- Có gì đâu mà khó, chỉ cần lại khu chơi chim là biết ngay chim gì chớ gì. Gây mần chi.

- Ừ, có lý. Nhớ là cá nhá! - Chàng đầu đinh dẫn đầu vụ cá cược hết sức xôm tụ.

Cả nhóm lục tục đi xuống khu cà phê chim. Đến nơi, mọi người ngạc nhiên vì khung cảnh đìu hiu, lặng lẽ ở đây. Chỉ còn một quán cà phê nhỏ, trống hoác như đang sắp dỡ đi. Không còn những cái lồng chim treo đầy trên các cây với từng nhóm người ngồi uống cà phê cùng với những lồng chim đặt bên mình.

Ông già đầu bạc hỏi chủ quán:

- Ủa, hội chơi chim đi đâu rồi, ông chủ?

- Ờ, bị giải tán rồi. Công viên lấy lại chỗ này để xây sân quần vợt.

- Ủa, vậy tiếng chim ở đâu kêu quá trời vậy? Ông chủ quán ngậm ngùi:

- Ờ, tôi nhớ tiếng chim kêu, nên mua cái máy phát ra tiếng chim kêu của Trung Quốc... Hay thiệt nha, cái máy nhỏ xíu mà kêu đủ thứ tiếng chim. Nè, nghe nè... Đây là tiếng chim sáo, còn đây là tiếng chim sẻ, đây là tiếng chim oanh... Đủ tiếng chim hót hết, nghe cũng đỡ nhớ!

8yw8SjyI.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười Xuân Tân Mão 2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

Truyện vui của LÂ VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên