Phóng to |
Bia tiến sĩ Văn Miếu hội đủ tất cả yếu tố xứng tầm di sản thế giới - Ảnh: T.T.D. |
* Thưa bà, bà thấy chúng ta còn phải tiếp tục làm gì nữa để những tấm bia đá Văn Miếu giữ được giá trị của mình?
- Theo tiêu chí của UNESCO, di sản được đưa vào danh sách di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới (Memory of the world) phải là những di sản thuộc dạng tư liệu - sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm), bút tích... - và phải đảm bảo tính duy nhất, xác thực, độc đáo, có sự tác động lan tỏa rộng rãi trong xã hội và đang có nguy cơ bị mai một. Các tấm bia tiến sĩ Văn Miếu hội tụ đủ tất cả yếu tố đó và còn nổi bật ở tính độc đáo trong đường nét kiến trúc, điêu khắc.
Nhiều nội dung trong các bài ký khắc trên 82 tấm bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở nên bất hủ, lưu truyền hậu thế đến hôm nay và vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Chẳng hạn như bia tiến sĩ soạn năm 1442, khắc năm 1484 của Thân Nhân Trung nhấn mạnh: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi trọng việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết" hay "dựng xây nghiệp lớn, diệt trừ tàn bạo, cứu dân lầm than" và "mở mang văn đức, thu nạp anh tài, đổi mới chính trị...".
Bia khoa thi tiến sĩ năm 1448 cũng đề cập: "Sự lớn lao của nền chính trị của bậc đế vương không gì quan trọng bằng việc trọng dụng nhân tài. Việc cai trị mà không lấy nhân tài làm gốc thì đều bị coi là thiếu đường hướng phát triển". Vấn đề coi trọng hiền tài tiếp tục được nhấn mạnh trong bia khoa thi 1463 do Ðào Cử soạn: "Mở cửa cầu hiền, sửa sang nền đức, cổ vũ lòng dân"... 82 tấm bia đá được dựng từ năm 1484-1780 phản ảnh hoạt động thi cử trong hơn 300 năm, từ năm 1442-1779, cho biết trong giai đoạn lịch sử đó Việt Nam đã có 1.307 vị tiến sĩ.
Xác định rõ đây không chỉ là một khu di tích, mà thật sự là một di sản đang sống, chúng tôi thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài tại Văn Miếu: trao học bổng học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, tôn vinh các danh nhân trong lịch sử, tìm gia phả các dòng họ, tìm cụ tổ có tên trong bia tiến sĩ, các hoạt động quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam: Ngày thơ Việt Nam, đêm thơ, biểu diễn ca trù, nhạc cụ dân tộc...
Ngay từ khi lập hồ sơ trình UNESCO, chúng tôi cũng đã phải thuyết trình những phương án để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Nay đã được công nhận chính thức rồi, chúng tôi ý thức trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn.
Phóng to |
* Mới đây, khách tham quan đã rất ngạc nhiên khi xung quanh mỗi tấm bia đá phải có thêm một hàng rào xích sắt (dù mỏng manh) để ngăn bớt dòng khách quá "hiếu học và hiếu động" chen nhau sờ đầu rùa. Liệu đây có phải là một giải pháp tích cực để bảo vệ bia đá?
- Mỗi năm, Văn Miếu đón tiếp khoảng 1,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Ðây là di tích quốc gia được xếp hạng đặc biệt và có thể nói đông khách tham quan vào bậc nhất ở Việt Nam. Bà con quá nhiệt tình và phải nói là hơi kém ý thức nên tranh nhau sờ đầu rùa và sờ vào bia, đến độ cả rùa đá và bia đá cũng phải mòn. Chúng tôi vừa phải cho làm hàng rào để ngăn bớt các động thái xâm hại. Ðã cố gắng lắm để hàng rào đảm bảo mỹ quan nhưng chắc chắn không phải làm hàng rào vẫn tốt hơn.
Di sản tư liệu thế giới thứ hai của Việt Nam Chiều 9-3-2010 tại Macau, Trung Quốc, trong phiên họp toàn thể thường niên Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, hồ sơ bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779, còn gọi là bia tiến sĩ Văn Miếu) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội đã được công nhận là di sản tư liệu thế giới. Như vậy, sau mộc bản triều Nguyễn (được công nhận là di sản tư liệu thế giới vào cuối tháng 7-2009), bia tiến sĩ Văn Miếu là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. |
Chúng tôi cũng tha thiết mong các trường đại học, trường phổ thông, các gia đình và dòng họ dẫn con cháu đến Văn Miếu làm lễ trao và nhận học bổng, lễ vinh quy bái tổ, lễ báo công... đồng thời giáo dục luôn cho các em ý thức về bảo vệ di sản, cụ thể là không chen vào sờ đầu rùa và bia đá nữa.
* Không phải ai trong số những người đến Văn Miếu cũng hiểu được nội dung và giá trị của các tấm bia. Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã làm những gì để khách tham quan có thể hiểu được một cách đơn giản nhất các giá trị đó, vì có hiểu thì mới có ý thức bảo vệ?
- Di sản bia tiến sĩ có một lợi thế hơn nhiều loại hình di sản khác là do chất liệu bền vững, hình khối lớn, vị trí ở ngay trung tâm Hà Nội nên khả năng tiếp cận công chúng rất lớn, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận trực tiếp, thuận lợi hơn mộc bản triều Nguyễn - muốn tiếp cận phải có giấy giới thiệu đặc biệt.
Tôi cho rằng chỉ riêng việc trực tiếp được chiêm ngưỡng bia tiến sĩ với chất liệu, tầm vóc, hình khối uy nghi và những hoa văn đẹp đẽ của nó cũng đã có thể khiến người xem rung động về các giá trị vật chất và tinh thần của cha ông để lại. Có sự xúc động, tôn trọng thì cũng sẽ có nhu cầu nâng niu, bảo vệ.
Về chuyên môn, chúng tôi đã tổ chức dịch và xuất bản cuốn Văn bia tiến sĩ Văn Miếu bằng tiếng Việt, dày hơn 500 trang, dịch và chú giải rất đầy đủ nội dung cũng như hoàn cảnh, giá trị lịch sử của mỗi tấm bia. Chúng tôi cũng đã có bảng tên đầy đủ của 1.307 vị tiến sĩ trên đình bia. Gia đình, dòng họ hoặc các nhà nghiên cứu có thể tra cứu dễ dàng tên tuổi, sự nghiệp của các vị tại phòng tư liệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận