Phóng to |
Trẻ tự làm "chiếc quạt thần kỳ" - Ảnh: T. Bình |
Cô giáo ra đề: “Các con hãy tìm cho cô hình tròn!”. Từng bàn tay với các ngón nhỏ xíu vụng về tách riêng các nan quạt có hình tròn. Rồi cô giáo tiếp tục yêu cầu phân nhóm các nan quạt theo màu sắc. Lớp học nhao lên, các bé hối hả tranh nhau làm xong trước...
Theo cô Trần Thị Thanh Anh, hiệu trưởng nhà trường, tác giả của “chiếc quạt thần kỳ”, trẻ 4 tuổi còn được học đếm số lượng đồ vật, phân nhóm hay so sánh sự khác nhau giữa hai nhóm đồ vật, sinh vật với nhau. Còn đối với các bé 5 tuổi, những chiếc nan quạt giúp trẻ tập làm quen và sắp xếp thứ tự các con số.
“Chiếc quạt thần kỳ” được cô giáo Trần Thị Thanh Anh “thai nghén” từ các tiết dự giờ chuyên môn: “Giờ học toán, các bé phải bày cả mười chiếc thẻ ra rất ư luộm thuộm. Thế là tôi nghĩ tới chuyện kết nối chúng thành một chiếc quạt, thế thôi”. Khởi đầu, chiếc quạt của cô Thanh Anh chưa “thần kỳ” cho lắm bởi trên các nan quạt chỉ có các con số khô khan; sau mới trở nên hấp dẫn hơn nhờ được bổ sung các hình khối, đồ vật, con vật, cây trái...
Phóng to |
"Chiếc quạt thần kỳ" của trẻ 5 tuổi - Ảnh: T. Bình |
“Nhiều thứ có trên một chiếc quạt - cô hiệu trưởng mê sáng tạo nói về giáo cụ do mình làm ra - Trẻ có thể vừa khám phá thế giới chung quanh mình, vừa làm quen với các con số và chữ cái”. Theo cô, trẻ trong độ tuổi 3-5 rất cần được mở mang trí tuệ qua các trò chơi và “chiếc quạt thần kỳ” được tư duy theo hướng đó.
Cô Ngô Thị Thu Ba, giáo viên khối trẻ 4 tuổi của trường, nhận xét sau một quá trình triển khai vào thực tế: “Học cụ này đơn giản nhưng kết hợp được nhiều bộ môn, tạo hứng thú vui học và giúp trẻ phát triển kỹ năng. Hơn nữa nó lại dễ làm, dùng xong cũng dễ quản lý”.
Nhờ có nhiều công dụng trên thực tế nên “chiếc quạt thần kỳ” đã được trao giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM năm 2001 và giải khuyến khích cấp toàn quốc, đồng thời được triển khai áp dụng tại một số trường trong và ngoài quận 6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận