Tất cả chúng ta cần phải cùng nhau cố gắng để có thêm nhiều nước Nhật nữa ở những nơi khác trên thế giới.
Akio Morita
![]() |
Có lẽ anh này muốn làm cho vị khách của mình cảm nhận được sự tiếp đón thân thiện ở một đất nước xa lạ, nhưng hóa ra anh lại vô tình làm tổn thương mạnh mẽ niềm tự hào dân tộc của Morita. Về sau, Morita đã viết lại những dòng suy nghĩ của mình khi đó: “Hóa ra đó là tất cả những gì mà anh ta hiểu về Nhật Bản và khả năng của người Nhật. Tôi cho rằng rất có thể anh ta không phải là một trường hợp cá biệt. Chặng đường mà chúng ta còn phải đi mới xa xôi làm sao!”.
Vào thời điểm đó, Morita không dám tin chắc Nhật Bản sẽ vươn xa tới mức đất nước này muốn đến. Hơn 80 năm trước, Nhật đã từng đặt mục tiêu quyết tâm đuổi kịp phương Tây nhưng, bất chấp mọi nỗ lực, người Nhật vẫn tụt lại phía sau, đặc biệt là trong lĩnh vực mà Morita am hiểu nhất: công nghệ. Morita đã nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của công nghệ khi ông còn là một sĩ quan hải quân trong Chiến tranh Thế giới thứ II.
Ông được phân làm việc cùng một nhóm nghiên cứu phát triển vũ khí dẫn hướng hồng ngoại và ống ngắm súng hoạt động được trong đêm tối. Sở chỉ huy quân đội Hoàng gia Nhật Bản tin tưởng những công nghệ đột phá này sẽ giúp xoay chuyển cục diện cuộc chiến mà Nhật đang nhanh chóng rơi vào thế tuyệt vọng. Lúc đó, Morita cứ đinh ninh khoảng cách công nghệ giữa Nhật và Mỹ không lớn.
Và rồi, ảo tưởng đó đã vỡ vụn cùng với sự kiện Mỹ dội hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Morita nghe tin về quả bom thứ nhất - quả bom ném xuống Hiroshima - khi đang ăn trưa với các đồng nghiệp vào ngày 7-8-1945, tức một ngày sau vụ nổ. Báo chí đưa tin Mỹ đã sử dụng “một loại vũ khí mới phát ra ánh sáng chói lóa”. Là một nhà vật lý được đào tạo chuyên sâu, Morita hiểu ngay đó là cái gì. Tin tức lan ra dưới dạng bị rò rỉ.
Chàng sĩ quan nản lòng Morita nói với các đồng nghiệp ngay tại bàn ăn: “Có lẽ chúng ta cũng phải từ bỏ nghiên cứu của mình ngay bây giờ thôi. Nếu người Mỹ đã chế tạo được bom nguyên tử thì cũng có nghĩa là chúng ta đã bị họ bỏ lại đằng sau quá xa ở tất cả mọi lĩnh vực, xa đến mức không thể nào bắt kịp”. Viên sĩ quan cấp trên của Morita rất giận dữ trước tư tưởng chủ bại của người thuộc cấp nhưng Morita vẫn cho rằng anh đơn giản chỉ nhìn nhận vấn đề một cách thực tế.
Sau này, doanh nhân người Nhật hồi tưởng lại: “Tin tức về sự kiện Hiroshima, đối với tôi, thực sự là một điều chấn động không thể tin được. Nó làm tôi choáng váng nhận ra sự thật rằng công nghiệp của Mỹ lớn mạnh hơn rất nhiều so với suy nghĩ của chúng tôi. Nói đơn giản, công nghiệp của họ phát triển lấn át hẳn”. Sự kiện Mỹ ném bom nguyên tử xuống đất Nhật cũng làm cho Morita ngộ ra một điều rằng những thanh niên Nhật Bản được học hành bài bản giống như anh cần phải bền gan bền chí và tiên phong dẫn dắt công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh.
“Nó làm cho tôi hiểu rõ hơn bao giờ hết rằng Nhật Bản sẽ cần tất cả mọi nhân tài mà đất nước có thể giữ lại được để sử dụng cho tương lai,” sau này Morita đã viết. “Tôi không ngại khẳng định rằng thậm chí chính tôi, tại thời điểm ấy, dù mới chỉ là một thanh niên trẻ nhưng cũng đã nhận thức được mình sẽ đóng góp vai trò xây dựng tương lai ấy bằng cách này hay cách khác”.
Morita bắt đầu theo đuổi sứ mệnh đó bằng cách khởi dựng sự nghiệp kinh doanh vào năm 1946 cùng với một đối tác làm ăn tên Masaru Ibuka. Họ đặt tên cho công ty mới sáng lập là Công ty Kỹ nghệ viễn thông Tokyo (Tokyo Telecommunications Engineering Corporation). Trụ sở ban đầu của công ty nằm trong một cửa hàng đổ nát ở Tokyo. Sau đó, họ chuyển về một cái lán gỗ sập xệ nằm ở ngoại thành. Khi trời mưa, nhân viên phải bung dù che bàn làm việc vì nước mưa rỏ long tong xuống từ mái nhà bị thủng vì bom đạn.
Nhưng, như nhiều doanh nhân khởi nghiệp từ những văn phòng giống gara xe ở bất kỳ nơi đâu, họ cũng ấp ủ những tham vọng lớn, vượt lên trên nguồn lực nghèo nàn thực tại. Giữa đống đổ nát hoang tàn sau chiến tranh, họ vẫn vững tin nỗ lực của mình sẽ góp phần cho công cuộc hồi sinh đất nước. Trong tờ bố cáo thành lập công ty, Ibuka khẳng định chắc nịch mục tiêu của Tokyo Telecommunications Engineering Corporation là “tái thiết Nhật Bản và nâng tầm văn minh của đất nước thông qua những hoạt động sản xuất và công nghệ sôi động”.
Thế nhưng, 7 năm sau ngày thành lập công ty, doanh nhân Morita lại ngồi rầu rĩ bên ly kem ở Dusseldorf. Anh thật sự ngã lòng. Morita nhận thấy tốc độ hồi phục nhanh chóng của Đức nhờ vào nỗ lực tự thân to lớn của nước này sau cuộc chiến tranh thảm khốc “khiến cho những tiến bộ của Nhật thời hậu chiến trở nên chậm chạp”.
Tinh thần của Morita còn bị chùng xuống vì chuyến đi Mỹ trước đó. Quy mô to lớn và vị thế hùng mạnh của Mỹ làm cho Morita cảm thấy nghi ngờ trước khả năng thành công của Tokyo Telecommunications Engineering Corporation nhỏ bé tại thị trường Mỹ. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ không thể nào bán được hàng của mình ở đây,” Morita nhớ lại. “Nơi này làm tôi choáng ngợp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận