21/09/2013 14:00 GMT+7

Chiếc khăn rằn Nam bộ từ đâu mà có?

LÊ THỊ KIỀU MY (Lớp 12A2, THPT Quốc học, Quy Nhơn)
LÊ THỊ KIỀU MY (Lớp 12A2, THPT Quốc học, Quy Nhơn)

AT - Điều này chưa có nhà nghiên cứu nào khẳng định chính xác. Nhưng theo lời của những bậc cao niên thì chiếc khăn rằn Nam bộ có gốc tích từ người Khmer.

Khi chúa Nguyễn Hoàng vào phía nam dãy Hoành Sơn, người ta đã thấy người Khmer đội những chiếc khăn quấn thành vòng trên đầu. Sau này khi đã sống hòa nhập cùng các dân tộc khác, chiếc khăn của người Khmer dần trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Ngày nay, nó đã trở thành một nét đẹp đặc trưng trong văn hóa trang phục của người dân Nam bộ.

Khăn rằn Nam Bộ có dạng hình chữ nhật, thường có chiều dài 1,2m, rộng khoảng 40 đến 50cm, được trang trí bởi những họa tiết hình ô vuông trắng - đen xen kẽ nhau hoặc đôi khi là trắng - nâu. Trước đây, nó thường được dùng để làm đẹp thêm cho những bộ trang phục ngày hội, nhưng sau này chiếc khăn rằn đã trở nên gần gũi hơn với người dân lao động khi nó ngày càng được sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất. Người nam thường quấn khăn rằn quanh trán khi làm việc để cản mồ hôi rơi xuống mắt. Người nữ hay quàng khăn vào cổ, hai tà để phía trước ngực áo dùng để lau mồ hôi.

Nếu như những cô gái xứ Huế thướt tha trong tà áo dài tím mộng mơ, thì những cô thôn nữ Nam bộ lại dịu dàng, mộc mạc trong chiếc áo bà ba cùng chiếc khăn rằn quàng trên cổ.

Sau khi làm đồng về, những tốp nam nữ ngồi nghỉ ngơi dưới gốc cây, lấy chiếc khăn rằn ra lau mồ hôi, gió thổi mát ru những điệu hò ngân nga trải dài và lan tỏa trong không gian mênh mông của đồng nội: “Hò ơ... anh Hai à! Anh Hai có đi đò em thì ra ngồi trước mũi. Chứ ngồi sau lái... Hò ơ... chứ ngồi sau lái... mái chèo rủi quơ ngang. Hò ơ... Lọt xuống sông! Không biết lội. Đấy la làng. Anh mà muốn vớt. Hò ơ... Anh mà muốn vớt... phải chịu nghĩa đá vàng em kéo lên...”.

Ngày nay, có lẽ đã có nhiều thay đổi trong văn hóa trang phục, nhưng chiếc khăn rằn Nam bộ trước sau vẫn mãi là một hình ảnh đẹp, một biểu trưng cho sự duyên dáng của những cô gái cũng như những tấm lòng chân tình, nồng hậu của con người đất phương Nam.

i9ISqMpK.jpgPhóng to

Áo Trắng số 17 ra ngày 15/09/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LÊ THỊ KIỀU MY (Lớp 12A2, THPT Quốc học, Quy Nhơn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên