Ông Trần Quốc Tuấn (phải) - một trong những ứng viên trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế chủ tịch VFF. Ảnh: NGUYÊN KHÔI |
Dù vậy, những người hội đủ tiêu chí, đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ như: yêu bóng đá, có trình độ, có tiềm lực kinh tế, có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội... vẫn chưa xuất hiện.
Bốn ứng viên được giới thiệu ra tranh cử chủ tịch VFF khóa VIII đến ngày 1-3 gồm: ông Trần Quốc Tuấn (phó chủ tịch VFF khóa VII), ông Cấn Văn Nghĩa (giám đốc Khu liên hợp TTQG Mỹ Đình), ông Lê Quý Phượng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP.HCM) và ông Nguyễn Công Khế (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh niên).
Bộ VH-TT&DL có thể chỉ giới thiệu 1 người
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Khánh Hải, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, cho biết Bộ VH-TT&DL chưa nghe báo cáo gì về công tác chuẩn bị đại hội VFF khóa VIII. Bộ VH-TT&DL chỉ đạo Tổng cục TDTT yêu cầu VFF chuẩn bị đại hội đúng quy định. Về mặt cá nhân, ông Hải cho biết nếu được giới thiệu ra ứng cử chức danh chủ tịch VFF, ông không thể tham gia vì bận công việc quản lý của bộ.
Ông Hải nói: “Bộ không gợi ý cho VFF mời ai mà VFF thực hiện công tác chuẩn bị đại hội theo quy định của FIFA. Bộ VH-TT&DL tôn trọng VFF và sự giới thiệu của các đơn vị thành viên. VFF sẽ chủ động công tác chuẩn bị tổ chức, trong đó có công tác nhân sự, sau đó VFF báo cáo tổng cục và tổng cục sẽ báo cáo Bộ, còn đến thời điểm này thì chưa báo cáo gì”.
Trong số bốn ứng viên được giới thiệu chức danh chủ tịch VFF, có ba ứng viên hiện nay đang thuộc sự quản lý của Bộ VH-TT&DL là ông Trần Quốc Tuấn, ông Lê Quý Phượng và ông Cấn Văn Nghĩa. Trong lịch sử các kỳ đại hội VFF trước đây, chỉ có đại hội VFF khóa V giai đoạn 2005-2009 Ủy ban TDTT giới thiệu hai ứng viên do ủy ban quản lý là ông Nguyễn Trọng Hỷ (thứ trưởng) và ông Dương Nghiệp Chí (viện trưởng Viện Khoa học TDTT) ra ứng cử chức danh chủ tịch.
Hai kỳ đại hội gần đây, Bộ VH-TT&DL chỉ giới thiệu một cán bộ do bộ quản lý tham gia ứng cử chức danh chủ chốt của VFF. Vì vậy, trong đại hội VFF khóa VIII này, thông tin của Tuổi Trẻ cho biết nếu không có gì thay đổi, Bộ VH-TT&DL cũng chỉ giới thiệu một cán bộ do bộ quản lý ra ứng cử chủ tịch VFF.
Ông Nguyễn Thái Bình - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ VH-TT&DL - cho biết đến thời điểm này ông chưa thể nói gì về việc bộ sẽ giới thiệu ai trong số các ứng viên thuộc bộ quản lý tham gia tranh cử tại VFF khóa VIII.
Không có ứng viên vượt trội
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một “đại gia” và nguyên là ông chủ của một đội bóng tại V-League nói: “Những người có đủ tiềm lực để ngồi vào ghế chủ tịch VFF chưa được mời tham gia ứng cử, trong khi những người muốn làm lại chưa đủ mạnh để có thể lèo lái con thuyền bóng đá VN đang có lợi thế rất lớn sau thành tích của U-23 VN”.
“Tôi cũng thấy lạ, ai cũng nói làm chủ tịch VFF là “quyền rơm, vạ đá” nhưng sao rất nhiều người thích làm dù năng lực hạn chế. Tôi nghĩ ở VN hiện nay chỉ có hai người có thể làm chủ tịch VFF tốt nhất lúc này là ông Trần Đình Long (chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) và ông Nguyễn Mạnh Hùng (tổng giám đốc Tập đoàn Viettel). Thế nhưng để mời được những người này ra ứng cử phải là một tiếng nói uy lực” - vị này nhận định.
Trong bốn ứng viên được giới thiệu hiện nay, không ai có ưu thế vượt trội so với đối thủ. Ông Nguyễn Công Khế có hiểu biết về truyền thông nhưng không phải đại gia có tiềm lực về tài chính. Ông Nghĩa và ông Phượng từng là quản lý ở ngành thể thao nhưng ảnh hưởng và uy tín chưa đủ lớn. Riêng ông Trần Quốc Tuấn được đánh giá là người có ưu thế hơn ba ứng viên còn lại bởi có trình độ chuyên môn tốt nhờ nhiều năm làm bóng đá, đối ngoại tốt, có năng lực ngoại ngữ. Dù vậy, có ý kiến cho rằng ông Tuấn làm tổng thư ký hoặc phó chủ tịch sẽ phù hợp hơn.
Đại hội VFF theo kế hoạch sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 4 tới. Đến thời điểm này, cuộc đua đến ghế chủ tịch và các vị trí chủ chốt đang diễn ra quyết liệt. Cạnh tranh là động lực cho sự phát triển, người hâm mộ hi vọng các ứng viên nếu ra tranh cử hãy cạnh tranh bằng sự tử tế, sòng phẳng trên năng lực bản thân.
Ông Lê Quý Phượng thừa nhận bất ngờ Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Quý Phượng cho biết ông cũng bất ngờ khi được giới thiệu ra tranh cử chức danh chủ tịch VFF. “Đây là một việc rất nghiêm túc nên tôi cần thời gian suy nghĩ trước khi trả lời có ra tranh cử hay không. Nếu đã làm thì phải hết sức nghiêm túc, đóng góp cho bóng đá chứ không phải vì vị trí” - ông Phượng nói. Giáo sư Lê Quý Phượng, 60 tuổi, đã thôi không tham gia vai trò quản lý là hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP.HCM từ năm 2018. Hiện ông là giảng viên cao cấp của Trường ĐH TDTT TP.HCM. Ông Phượng được đánh giá là nhà khoa học nghiêm túc, có chuyên môn giỏi và tính cách điềm đạm. Ông Cấn Văn Nghĩa - giám đốc Khu liên hợp TTQG Mỹ Đình - cũng sẽ nghỉ hưu trong năm 2018. Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Nghĩa cho biết đến thời điểm này cũng chưa có quyết định cuối cùng về việc có ra tranh cử chủ tịch VFF khóa VIII hay không. |
Yêu cầu tháo băngrôn phản đối ông Trần Quốc Tuấn Sáng 1-3, Công an quận Ba Đình, Hà Nội đã yêu cầu ông Dương Mạnh Hùng - cựu Còi vàng của bóng đá VN - gỡ bỏ tấm băngrôn căng trước cổng trụ sở Tổng cục TDTT tại địa chỉ 36 Trần Phú (Hà Nội) vì vi phạm pháp luật. Khi tấm băngrôn vừa được treo lên ít phút thì bị lực lượng công an yêu cầu gỡ xuống. Một chiến sĩ công an quận Ba Đình có mặt tại hiện trường cho biết treo băngrôn phải có giấy phép. Ông Hùng không có giấy phép mà tự ý treo băngrôn trước cổng cơ quan nhà nước là vi phạm pháp luật. Lực lượng chức năng yêu cầu ông Hùng gỡ băngrôn xuống và không tái diễn hành động này. Ông Hùng đã chấp hành và gỡ băngrôn xuống. Nội dung ghi trong băngrôn của ông Dương Mạnh Hùng phản đối ông Trần Quốc Tuấn rất nặng nề. Một số nội dung được VFF khẳng định là không đúng sự thật. Về tố cáo ông Tuấn nhận hối lộ, Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an đã có văn bản khẳng định không có chuyện này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận