Phóng to |
Trọng Thủy (Kim Tử Long) và Mỵ Châu (Thoại Mỹ) trong vở Chiếc áo thiên nga - Ảnh: T.T.D. |
Cải lương, nét văn hóa đặc thù của đồng bằng Nam bộ đang chịu chung số phận với nhiều bộ môn nghệ thuật cổ truyền khác: thiếu khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Đâu đó trên báo chí cũng đã từng có những nhà nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân của sự thoái trào này. Tiết tấu nhấn nhá trong âm nhạc, luyến láy trong thể hiện của cải lương không phù hợp lắm với nhịp sống vội vã thời hiện đại. Trong khi nhạc nhẹ hằng năm thừa thãi live show, các nhà tài trợ vốn luôn yêu cầu hiệu quả quảng cáo dường như không mặn mòi chuyện xuất túi cho một chương trình không "hot" đối với khách hàng tiềm năng. Cứu lấy cải lương là yêu cầu bức thiết của những người làm nghệ thuật nói chung và những người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật đầy bản sắc này.
Vở Chiếc áo thiên nga cũng như Kim Vân Kiều trước đây đã chứng minh bằng hiện thực rằng khán giả không hề quay lưng với cải lương. Hơn thế, họ sẵn sàng mua vé chứ không như nhiều chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp - phát vé mời khán giả ngồi cho đẹp khuôn hình máy quay. Trong "show diễn bạc tỉ” Chiếc áo thiên nga, chất lượng âm thanh được đầu tư xứng đồng tiền bát gạo, màn hình LED làm sinh động cảnh trí và tạo hiệu ứng đặc biệt… Khi những công nghệ hiện đại được tích hợp vào cải lương, luồng sinh khí mới đã kéo khán giả đến lấp đầy sân khấu. Đó là mặt tích cực không thể phủ nhận của sự hoành tráng.
Cùng với thời gian, mọi sự cách tân, thể nghiệm trong nghệ thuật đều cần thiết. Đưa tân nhạc với những ngôi sao ăn khách vào chương trình không hề sai nếu xét từ khía cạnh thu hút khán giả. Song khi mang cả dàn nhạc giao hưởng và ballet vào cải lương thì đó chính là lúc cải lương mất đi sự tinh tuyền và bản sắc đặc trưng. Bên dàn "đại nhạc" của hàng chục cây vĩ cầm, cello, vài cây đàn kìm, đàn cò, guitar phím lõm bỗng trở nên trơ trọi đến tội nghiệp. Những vũ công ballet đóng vai trò múa minh họa càng khiến cải lương xa xôi hơn với bản chất của mình.
Có khiên cưỡng không khi trộn ballet vào vọng cổ khi bản chất chúng hoàn toàn khác nhau? Những động tác ra bộ, tróc mã đặc trưng của cải lương sẽ được các vũ công ballet thể hiện thế nào mà không lạc lõng?
Một vở cải lương cổ trang kèm tân nhạc, tấu hài, múa… với sự phụ họa của các nhạc công chuyên trị nhạc hàn lâm có thể làm vừa lòng những ai yêu thích các show tạp kỹ. Nhưng cứu cải lương bằng cách "vay mượn" thêm ánh sáng từ các ngôi sao ca nhạc, tấu hài có phải là điều người yêu cải lương chờ đợi?
Cải lương vẫn được công chúng rộng lòng đón nhận. VCD những vở tuồng cũ như Tiếng trống Mê Linh, Ngao Sò Ốc Hến, Bên cầu dệt lụa… vẫn có nhiều người tìm mua. Cải lương vẫn sống, dù lặng lẽ hơn… Còn sau màn "trình diễn" hoành tráng ấy, bác Nga, tiểu thương bán cá ở chợ Phạm Văn Hai (TP.HCM), đã nói: "Cải lương gì kỳ quá! Tui về coi đĩa còn hay hơn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận