24/09/2011 08:25 GMT+7

Chia tay thần sáo của núi rừng

PHÙNG CHIẾN
PHÙNG CHIẾN

TT - Khi nói tên ông, có thể nhiều người chưa biết Kim Vĩnh là ai, nhưng khi nghe tiếng sáo ù...u... trầm bổng với một giai điệu dân ca Mông quen thuộc trên đài phát thanh hoặc truyền hình Việt Nam thì hầu như cả nước đều biết đó là tiếng sáo Mông của người nghệ sĩ tài hoa - Kim Vĩnh.

Pjec3RpT.jpgPhóng to

NSND Kim Vĩnh đã cống hiến cả đời mình cho cây sáo của dân tộc Mông - Ảnh: Hoàng Điệp

Tiếng sáo của ông thật sự gây được ấn tượng mạnh và mang đầy bản sắc âm nhạc của núi rừng Lào Cai.

Từ năm 1970, với tài năng và lòng say mê nghệ thuật sẵn có, nghệ sĩ Kim Vĩnh đã nghiên cứu cải tiến cây sáo “Mèo” (một loại sáo nhỏ bằng ngón tay có gắn “lưỡi gà” của dân tộc Mông) để làm tiết mục biểu diễn cho đoàn văn công Lào Cai. Sau gần một năm vật lộn, xoay vần với cây sáo “hoang dã” và đầy “bướng bỉnh” đó, sau khi tìm tòi, cải tiến và thể nghiệm nhiều lần, cuối cùng ông đã “thuần phục” được nó.

NSND Lương Kim Vĩnh từ trần lúc 20g10 ngày 22-9-2011, thọ 74 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 13g ngày 23-9 đến 15g ngày 24-9 tại số 015 đường Qui Hóa, phường Kim Tân, TP Lào Cai.

Cây sáo cải tiến của ông to và dài hơn cây sáo “hoang dã” nhiều lần. Tiếng sáo vang và đẹp hơn, tầm cữ âm thanh được mở rộng và có sức thể hiện phong phú hơn. Chính cây sáo đó đã mang lại cho ông huy chương vàng ở Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc vào cuối năm 1970 tại Quảng Ninh với tác phẩm Đêm trăng bản Mèo.

Nhưng điều muốn nói ở đây là: sự thành công đã gây một ấn tượng đến bàng hoàng ấy lại mới chỉ là sự bắt đầu của một tài năng nghệ thuật. Hơn 40 năm qua, nghệ sĩ Kim Vĩnh không hề biết mệt mỏi trong sự nghiệp của mình. Từ năm 2001, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.

Ông đã vượt qua hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác như cánh chim đại bàng vượt ngàn trùng gian lao để đến với những thành công. Để đạt được điều đó, nghệ sĩ từng phải lần mò tới các bản làng xa xôi để sưu tầm và mua những loại nhạc cụ dân tộc, hỏi già làng cách làm, cách thổi, cách sử dụng thế nào cho hay.

Ông “thuần phục” không phải chỉ có một vài cây sáo, cây kèn mà cả một bó sáo, một dàn kèn.

Cách đây gần chục năm, nghệ sĩ Kim Vĩnh đã cho ra mắt một loại nhạc cụ rất lạ mắt: cây sáo ghép. Ông đã ghép đến bốn, năm loại sáo của các dân tộc Mông, Giáy, Khơ Mú, Hà Nhì với nhau. Có cây dài gần một sải tay, có cây chỉ ngắn một gang tay, có cây to như cái chuôi dao rừng, cây lại nhỏ bằng ngón tay út. Hình thù cây sáo khác lạ, sức thể hiện của sáo thật phong phú và tinh tế.

Với tài nghệ biểu diễn điêu luyện, tiếng sáo Kim Vĩnh lúc thì vang vọng mênh mang, khi thì trầm lắng, thẳm xa. Người nghe có cảm giác ở trong ông như có một “thần lực” nào đó để thâu tóm và điều khiển mọi âm sắc của núi, của rừng. Những âm thanh thoát ra từ cây sáo nghe như thấy cả tiếng hát ngọt ngào của tình yêu, tiếng chim sơn ca, tiếng cối nước giã gạo, tiếng ru con của những người mẹ, tiếng rì rào cây lá và cả tiếng tí tách của những mầm non đang bật lên từ đất...

Nghệ sĩ Kim Vĩnh đã trở thành “ông thần” sáng tạo ra những cây sáo và điều khiển âm thanh của chúng một cách tài tình. Nhiều người sẽ còn nhớ mãi tiếng sáo vừa ngưng của ông...

PHÙNG CHIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên