Năm nay, VN xếp hạng 116/178 nước và vùng lãnh thổ với điểm số cảm nhận tham nhũng là 2,7/10 so với chỉ số năm ngoái là 120/180 (cùng điểm số 2,7).
![]() |
Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên phó giám đốc Sở Giao thông vận tải kiêm giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM, bị TAND TP.HCM tuyên phạt tù chung thân vì tội nhận hối lộ ngày 18-10 - Ảnh: Minh Đức |
Gặp gỡ đại diện từ văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, các đại sứ quán và báo chí, bà Kiều Viễn cho hay CPI là chỉ số đo lường mức độ tham nhũng được cảm nhận trong quan chức nhà nước và các chính trị gia, dựa trên 13 nguồn khảo sát của 10 tổ chức độc lập, trong đó riêng chỉ số cho VN được tổng hợp từ bảy nguồn khác nhau.
Điểm đặc biệt của CPI năm nay là các tổ chức cung cấp khảo sát nguồn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan dự báo kinh tế (EIU), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Bertelsmann (BP)... đã đồng ý để TI công bố điểm số mà mỗi tổ chức này chấm điểm cho các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, mỗi nơi lại có đánh giá khá cách biệt đối với mức độ tham nhũng trong lĩnh vực công ở VN. Trong phạm vi từ điểm số 0 (mức tham nhũng cao) tới 10 (mức tham nhũng thấp), ADB chấm điểm 4 cho VN; Quỹ BP 2,3; WB 2,7; EIU 1,4...
“Cảm nhận về tình trạng nhận hối lộ trong khu vực công ở VN không tăng, không giảm, nhưng VN vẫn thuộc quốc gia mà tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng. Tin này không có gì mới và cũng không phải là phát hiện của TI. Nó giống với nhận định của VN trong chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020” - ông Matthieu Salomon, cố vấn cao cấp của TI, nói tại buổi công bố thông tin.
Samantha Grant, điều phối viên chương trình tại Đông Nam Á của TI: Để chống tham nhũng có hiệu quả...
- Người dân bắt đầu so sánh công cuộc chống tham nhũng của nước mình với nước khác và đang tạo ra áp lực ngày càng lớn buộc các chính phủ chống tham nhũng hiệu quả hơn. Toàn cầu hóa cũng cho thấy tình trạng tham nhũng xuyên quốc gia ngày càng trở thành vấn đề quan trọng. Thiếu ý chí chính trị và hệ thống tư pháp vẫn là những vấn đề chính ở nhiều quốc gia. Tại châu Á, hơn 85% quốc gia có tên trong CPI năm nay đã phê chuẩn, tham gia và ký vào Công ước chống tham nhũng (UNCAC) có hiệu lực từ năm 2005. Tuy nhiên, việc áp dụng công ước vẫn còn là vấn đề ở khu vực do tính thực thi vẫn còn rất thấp, vì các vụ án bị chính trị hóa, các cơ quan chống tham nhũng, các tòa án còn thiếu sự độc lập và năng lực. * Bà đánh giá quốc gia Đông Nam Á nào đang chống tham nhũng có hiệu quả? - Dựa trên hoạt động của ủy ban chống tham nhũng của các nước, quốc gia nổi bật ở cả khía cạnh tạo ra sự chú ý của dư luận và thật sự có các bước đi quan trọng, tích cực là Indonesia. Kể từ khi được thành lập năm 2003, Ủy ban Chống tham nhũng của Indonesia (KPK) đã khởi tố được những quan chức cao cấp, kể cả trong lực lượng cảnh sát và 100% vụ việc đều được đưa ra xét xử và có kết án. Thực tế này cho thấy muốn chống tham nhũng có hiệu quả, cần phải có ủy ban chống tham nhũng cùng hệ thống tư pháp mạnh và độc lập. Nghiêm chỉnh thực thi luật chống tham nhũng là cách cơ bản để các chính phủ đưa ra thông điệp cho công chúng thấy rằng không ai, không thế lực nào được dung thứ hay miễn trừ trừng phạt nếu tham nhũng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận