24/07/2014 04:12 GMT+7

Chị hiền của người khuyết tật

TRẦN QUANG
TRẦN QUANG

TT - Là người lành lặn nhưng chị Dương Thị Sáu (41 tuổi, giám đốc doanh nghiệp may Sáu Toản) lại được dân trong vùng đặt cho biệt danh Sáu “khuyết tật”, bởi gần 20 năm nay chị mở xưởng dạy nghề miễn phí và tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật.

CrhFQ6ej.jpgPhóng to
Chị Dương Thị Sáu (đứng) hướng dẫn một nữ công nhân khiếm thính cách sử dụng máy may - Ảnh: T.Quang

Đến xóm 2, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô (Ninh Bình), hỏi thăm xưởng may chị Sáu ai cũng biết. “Chị Sáu tốt lắm. Có bao nhiêu trẻ khuyết tật ở xã này chị đều nhận hết về dạy nghề và tạo việc làm cho đấy!” - bà Tâm, bán hàng tạp hóa đầu xóm, hồ hởi chia sẻ với chúng tôi.

Nặng lòng với người khuyết tật

Lúc chúng tôi đến, chị Sáu đang cặm cụi hướng dẫn các công nhân khuyết tật may, đo quần áo. Được hỏi thăm, chị ngơi tay trả lời: “Duyên phận mình đã thế rồi nên cố gắng giúp các em đến khi nào không còn giúp được nữa mới thôi”.

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo, chị Sáu đã chứng kiến cảnh nhiều bạn cùng trang lứa vì khuyết tật mà chịu nhiều thiệt thòi, bị cộng đồng xã hội xa lánh. “Họ cũng là con người, sao lại bị phân biệt đối xử như thế?”, chị tự hỏi. Với mong muốn giúp người khuyết tật trở thành người có ích cho xã hội để không bị kỳ thị nữa, chị hạ quyết tâm tốt nghiệp THPT sẽ... không học đại học mà đi học nghề may, về quê mở xưởng cưu mang những phận người kém may mắn.

Nghĩ là làm, học xong THPT chị Sáu xin gia đình đi học nghề may. “Do bố mẹ muốn hướng mình học đại học để sau này làm công chức nhà nước, nên khi biết được ý định của mình, gia đình phản đối kịch liệt lắm. Sau một thời gian thuyết phục, bố mẹ cũng hiểu được tâm nguyện của mình nên đã đồng ý cho theo nghề” - chị Sáu kể.

Thời gian học nghề ở Hà Nội chị rất chăm chỉ. Ngoài giờ học, chị đến các xưởng may xin làm thêm, phụ giúp công việc cắt vải, may vá nhằm tích lũy kinh nghiệm thực tế. Học xong, năm 1990 chị về quê xin phụ việc tại các xưởng may để rèn tay nghề. Đến năm 1992, chị quyết định vay vốn mở xưởng may và đi các xã kiếm người khuyết tật về dạy nghề cho họ.

Thời gian đầu do vốn ít, xưởng nhỏ nên chị Sáu chỉ tuyển vài thanh niên khuyết tật về dạy nghề. Chị nhớ lại những khó khăn ban đầu, như với những bạn thiểu năng, chị chưa có kinh nghiệm tiếp xúc nên dạy các bạn không hiểu, còn bị cấu cào chảy cả máu. Có bạn học được nghề rồi thì đang làm lại... bỏ đi chơi, không biết đường về. Chị và gia đình nhiều bận phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm. “May các bạn không bị sao, chứ có mệnh hệ gì thì mình không biết ăn nói thế nào với gia đình người ta” - chị nhớ lại.

Qua nhiều lần vấp váp trầy trật như vậy, chị Sáu rút ra kinh nghiệm: “Đối với người khuyết tật mình phải có cách dạy riêng, vất vả hơn nhiều so với dạy người thường. Phải có tấm lòng và sự kiên nhẫn, chịu khó...”.

Chồng là quân nhân công tác xa nhà, con còn nhỏ dại, một mình chị phải cáng đáng hết công việc gia đình và quản lý doanh nghiệp. Có lúc khó khăn tưởng chừng không vượt qua được nhưng chị Sáu vẫn cố gắng làm tốt mọi việc. Chị tâm sự: “Dù khó khăn, vất vả nhưng nhìn nhiều bạn trong xưởng đã tự may được sản phẩm, có thu nhập, tự tin hòa nhập cộng đồng... là mình phấn khởi lắm, lại có động lực để tiếp tục”.

Mong được tiếp thêm sức

Được sự quan tâm, giúp sức cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình, năm 2006 chị đã thành lập được doanh nghiệp may Sáu Toản. Từ một cơ sở vài ba công nhân, đến nay doanh nghiệp của chị Sáu có hàng chục công nhân khuyết tật. Trong đó nhiều em đã được chị dạy nghề thuần thục, có thể tự may được quần áo theo đơn đặt hàng.

Bạn Phạm Thị Hương (thôn Yên Hòa, xã Yên Thắng, khuyết tật chân bẩm sinh) đã may được quần áo, mỗi tháng thu nhập trên 2 triệu đồng. Hương tâm sự: “Nếu không có chị Sáu dạy nghề và nhận về may, chắc em chẳng thể nào có cơ hội làm người có ích cho xã hội. Em biết ơn chị Sáu nhiều lắm”. Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều công nhân trong xưởng.

Mang tiếng là doanh nghiệp nhưng quy mô diện tích nhà xưởng của chị Sáu rộng chưa đến 50m2, không khác một cơ sở may nhỏ lẻ hộ gia đình. Chị Sáu muốn mở rộng để làm xưởng lớn, thu hút và đào tạo thêm nhiều người khuyết tật, lao động nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, nhưng điều kiện kinh tế hiện tại không cho phép chị thực hiện. Tâm sự với chúng tôi, chị buồn buồn: “Các bạn khuyết tật tìm đến xin học nghề ngày càng đông nhưng cũng không biết làm sao để giúp được hết...”.

Cái khó nữa của chị Sáu là tìm đầu ra cho sản phẩm. “So sánh về chất lượng, quần áo do các bạn khuyết tật may thậm chí đẹp và tốt hơn hàng nhiều doanh nghiệp khác trong huyện nhưng vẫn bị các đơn vị, bạn hàng chê. Nhiều người vẫn kỳ thị, phân biệt khi biết đó là sản phẩm của người khuyết tật” - chị Sáu ngậm ngùi.

Sau sáu tuần phát động, Tuổi Trẻ đã nhận được 98 bài dự thi của 86 tác giả khắp mọi miền đất nước. Nhiều bạn đọc gửi 2-3 bài như Trần Văn Tám, Lê Xuân Thọ, Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Thị Bích Nhàn, Nguyễn Minh Hường, Trần Ngọc Chung, Phan Minh Đức, Lê Thái Bình, Lý Viết Trường, Lê An Nhiên. Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quý bạn đọc đến cuộc thi. Hiện nay những bài dự thi hay, phù hợp tiêu chí của “Hạt giống tâm hồn Việt” đã được chọn đăng tải trên microsite http://hatgiongtamhon.tuoitre.vn. Mời bạn đọc theo dõi.

Ngoài ra có sáu bài dự thi xuất sắc nhất của các tác giả Vân Anh, Thanh Ba, Lam Giang, Bình An, Vũ Viết Tuân, Trần Văn Quang đã được chọn đăng hằng tuần trên báo in Tuổi Trẻ. Mỗi tác giả sẽ nhận 2 triệu đồng nhuận bút, bộ sản phẩm Bibica và 200 quyển sách Hạt giống tâm hồn của First News.

Từ nay đến hết ngày 31-8, mời bạn đọc tiếp tục viết bài hoặc quay clip giới thiệu những “hạt giống tâm hồn” quanh bạn - những người nhân ái, lạc quan, giúp đỡ mọi người bằng tinh thần trong sáng. Bài dự thi gửi về địa chỉ mail hatgiongtamhon@tuoitre.com.vn, hoặc gửi trực tiếp vào microsite cuộc thi http://hatgiongtamhon.tuoitre.vn. Bài viết 1.000 chữ giới thiệu một nhân vật là người thật việc thật kèm file hình ảnh (không dán vào file Word), thông tin nhân vật gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại để Tuổi Trẻ xác minh. Mỗi tác giả gửi tối đa ba bài dự thi.

Với cuộc thi clip, những clip được chọn đăng trên microsite cuộc thi là clip ghi lại khoảnh khắc đẹp, xúc động, truyền cảm hứng sống của người thật, việc thật, độ dài 3-5 phút.

Ở cả hai hạng mục bài viết và clip, những tác phẩm truyền cảm nhất sẽ được xếp hạng chung cuộc gồm giải nhất, nhì, ba. Cơ cấu giải thưởng tham khảo tại http://hatgiongtamhon.tuoitre.vn. Những nhân vật có câu chuyện xúc động sẽ được chọn làm người thụ hưởng trong game show Vì bạn xứng đáng của VTV.

Cuộc thi do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty Bibica và First News tài trợ.

H.THI

TRẦN QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên