30/01/2013 03:11 GMT+7

Chị em gái

HÂN DU(Thái Bình)
HÂN DU(Thái Bình)

AT - Thân tặng Nhạn

Nhà tôi ở bến sông, nơi đoạn cuối của nhánh sông Trà Lý đổ ra biển quanh năm nước đỏ ngầu phù sa. Dân quê tôi vừa đi biển, vừa trồng trọt trên vùng đất bãi do phù sa bồi đắp. Nhà không có bố, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đến tay mẹ hết, từ mài dao, bổ củi cho đến sửa lại mái nhà. Tôi cũng sớm thích nghi với hoàn cảnh để đỡ đần mẹ. Có lẽ do hoàn cảnh vậy đã tạo dựng nên tính cách của tôi khá mạnh mẽ và nghịch như một đứa con trai. Tôi gầy đét, cao nhất lớp, tóc cắt ngắn. Thoạt nhìn nhiều người lạ cứ tưởng tôi là một tên con trai.

Uk8V9PhI.jpgPhóng to

Minh họa: Nguyễn Thanh

Khác với tôi, em Thanh lại hay đau yếu và rất hiền. Mẹ cưng chiều em hơn tôi. Đôi ba lần tôi ngầm so sánh thấy tủi thân nhưng rồi lại quên ngay. Ở Thanh, tôi như thấy mình phải có trách nhiệm che chở cho vẻ yếu ớt, mỏng mảnh của em. Chiều nào cũng vậy, khi thái xong rổ bèo và cho gà lợn ăn tươm tất là tôi ù ra sân bóng sút bóng cùng bọn trẻ trong xóm. Các trò nghịch ngợm đều do tôi bày ra còn bọn nó thì thích thú lắm. Em luôn lẽo đẽo theo sau để giữ đồ.

Nhà không có trâu nhưng tôi lại thích theo lũ trẻ chăn trâu ra bãi thả. Bởi vì sau khi lùa đàn trâu vào chỗ an toàn, cử một hai đứa ở lại canh chừng còn tất cả lại bày ra một trò nào đó để chơi đùa. Khi thì đánh trận giả, khi thì đá bóng, lúc lại ùm xuống sông tắm hoặc cả lũ rủ nhau vào làng hái trộm quả. Bọn trẻ ở quê không bao giờ thiếu trò chơi có tính tập thể.

Một lần, chị em tôi ngồi ở gốc đa đầu làng đợi lũ trẻ thả trâu xong sẽ sang cánh đồng bên mò ốc. Đợi mãi mà chẳng thấy bóng dáng đứa nào, tôi sốt ruột trèo lên ngọn đa nhìn cho rõ xem chúng làm gì, tiện thể hái cho em những quả đa chín, tím sẫm và căng tròn. Bất ngờ, tôi trượt chân ngã phịch xuống đất. Và tôi lịm đi chẳng biết gì nữa.

Tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong trạm y tế xã. Mẹ ngồi bên lo lắng, hai mắt đỏ hoe, còn em gái đang thút thít khóc. May mà tôi chỉ bị ngất đi thôi chứ không què gãy gì. Khi tôi bị ngã, chính em đã chạy vào xóm hô hoán để người lớn đưa tôi đi cấp cứu. Khắp người tôi đau ê ẩm, đầu óc choáng váng. Mấy cô y tá theo dõi đến chiều tối thì cho tôi về nhà.

Vừa bước vào nhà, em tôi đã quỳ sụp xuống xin mẹ tha tội cho tôi. Em nhận lỗi về phần mình vì thích ăn đa chín nên mới bảo tôi trèo lên cành cao hái, mấy cành dưới bọn trẻ hái cả rồi. Thật ra, tôi cũng sợ mỗi khi mẹ cầm cái roi để đầu hồi nhà, sợ mỗi lần mẹ trách phạt, bao giờ mẹ cũng phạt tôi thật nặng. Rất nhiều lần nhìn chiếc roi tre, tôi đã hứa với mẹ sẽ ngoan hơn nhưng trước những trò mới, tôi không thể dứt ra nổi. Tôi như bị một lực hút vô hình hút chặt.

Mẹ lẳng lặng đến rút chiếc roi tre ở đầu hồi nhà để xuống đất. Em ôm chặt chân mẹ, nước mắt lưng tròng, xin mẹ đánh đòn em, mẹ đừng đánh tôi vì tôi vừa bị vậy chịu sao nổi đòn roi. Mắt mẹ đầy nước. Mẹ từ từ cầm roi lên. Em co rúm người sợ hãi. Thấy vậy, tôi lao đến ôm chặt lấy em. Hai chị em nhắm tịt mắt, tưởng tượng ra cái âm thanh vun vút từ thanh tre phát ra bao phủ khắp người. Nhưng không. Mẹ bẻ gãy chiếc roi rồi ôm hai chị em tôi vào lòng vỗ về:

- Mẹ rất buồn vì các con vẫn còn nghịch dại quá. Nhưng mẹ vui vì hai chị em đã biết thương yêu và bảo vệ nhau. Hai con là mục đích sống của mẹ. Nếu chiều nay Thảo có chuyện gì thì mẹ làm sao sống nổi?

Thời gian cứ thế trôi đi. Tôi bắt đầu biết từ chối những lời rủ rê của đám bạn trước một trò nào đó. Đôi ba lần, chân đã bước theo tụi nó rồi nhưng chợt trong đầu hiện ra hình ảnh em Thanh quỳ xuống xin mẹ tha cho tôi thì tôi quay trở về. Tôi phải thay đổi. Tôi biết mình phải sống tốt hơn để không làm buồn lòng mẹ...

Có một lần, hai chị em men theo xe tải chở than ở dưới bến ngày chủ nhật để “mót” những nắm than rơi rồi bán rẻ cho mấy quán ăn. Có ba thằng học cùng khối đến lấy chân hất tung tóe nắm than vừa mới rơi trên đường, chúng không cho tôi bốc. Nhớ lời mẹ, tôi lặng im lảng tìm xe khác. Không làm gì được tôi, chúng tìm cách bắt nạt bé Thanh. Chúng đổ ụp cả thúng than chị em tôi kiếm được từ sáng sớm lên người em. Thanh khóc ré lên. Bọn chúng hò reo thích thú. Cả người em đen nhẻm, bụi than đen dính bết vào người nhớp nhúa.

- Đánh nó đi chúng mày ơi. Nó không có bố không sợ đâu. Đánh cho đồ con hoang này một trận.

Tôi lao đến, đấm thẳng vào mặt thằng to nhất bọn. Nó hét rống lên, lấy tay ôm mặt và máu đỏ loang ra. Tôi quay sang hai đứa còn lại ném cái nhìn nảy lửa. Tôi nhặt gạch định choang cho mỗi đứa một viên thì chúng co cẳng bỏ chạy.

Tôi dẫn em ra sông tắm rửa sạch sẽ than bẩn rồi về nhà chuẩn bị bữa cơm chiều. Mẹ làm phụ hồ theo đoàn đi xây cách nhà hơn chục cây số. Trên đường về nhà, mẹ còn đi mua đồng nát ở trên phố kiếm thêm chút đỉnh nên có hôm mãi tận khuya mẹ mới về đến nhà. Tôi dẫn Thanh ra bến sông ngồi đợi. Hai đứa tủi thân đếm từng người khách lên bờ. Rồi mẹ cũng xuất hiện trên chuyến đò cuối cùng của một ngày đã tàn. Thấy hai đứa buồn thiu đứng đó mẹ hốt hoảng:

- Các con đợi mẹ lâu chưa? Mặt mũi Thảo sao lại bầm tím thế này?

Tôi lặng im suốt dọc đường về nhà, muốn nói với mẹ cho những tủi cực trong lòng nhẹ bớt nhưng lại sợ mẹ buồn lo. Tôi không thể nói với mẹ rằng, người đàn bà đó đã đến nhà đánh tôi thế nào, tôi bị oan ra sao. Thanh khỏa lấp bằng những câu hỏi liên tục, chỉ khi về đến đầu ngõ, thấy mẹ thằng bé bị đánh cho lúc chiều còn ở đó, hai tay chống hông đang tru tréo chửi om sòm, mẹ mới hiểu rõ nguồn cơn. Tôi thấy ghê lạnh người đàn bà to béo trước ngõ nhà mình. Người đâu dai đến sợ, bà ta đã đánh tôi thế này mà vẫn chưa hả sao? Người đàn bà kia một tay kéo thằng bé, một tay chỉ vào mặt mẹ tôi:

- Ối giời ơi, cô chẳng về sớm mà xem con quỷ cái nhà cô nó đánh con tôi này. Nó giết con tôi mất.

Mẹ lắp bắp: Em xin bác, cháu nó còn dại... Vâng em sẽ dạy bảo cháu…

Bà ta như được thể càng đùng đùng lên như chưa bao giờ kích động đến thế, vừa nói vừa sấn tới, lôi tay tôi đi xềnh xệch:

- Thế này mà còn bênh con được à? Rõ là cái ngữ con hoang. Tưởng chỉ xin lỗi một câu là xong à? Lớn lên rồi cũng giống con mẹ mày thôi. Dạy sao nổi cái ngữ trăng hoa này?

Mắt mẹ long lên. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ như vậy cả. Rồi bao nhiêu cây que trong nhà mẹ lấy đánh tôi gãy tiệt trước mặt người đàn bà ấy. Tôi đứng yên, nhẫn chịu những làn mưa roi tới tấp ào đến không nửa lời kêu xin. Nước mắt tôi lưng tròng rồi đổ gục xuống. Người đàn bà kia hả hê dắt con ra về. Thanh đưa cho tôi lọ dầu gió. Tôi lắc đầu rồi vào nhà dọn dẹp nhà cửa. Mẹ ngồi im, bất động như tượng đá trước hiên nhà.

Tôi lén đi ra ngoài chỗ mom sông. Nơi ấy có hòn đá voi nằm ngay mép nước.

Đêm lặng yên. Trăng lên, sao sáng nhấp nháy đầy trời. Tiếng côn trùng kêu râm ran, tiếng chim ăn đêm lạc đàn kêu thất thanh phá vỡ bầu không gian tĩnh mịch. Tôi nhảy ùm xuống sông, thả mình trong làn nước mát rượi. Nước sông mát làm dịu những uất ức trong tôi. Tôi giật mình thảng thốt nhận ra bóng Thanh nhỏ bé đang đi lại phía mỏm đá dưới ánh trăng bàng bạc. Nó ngơ ngác gọi tôi rồi òa khóc. Tôi nhẹ nhàng lên bờ.

- Chị mặc kệ người ta nói gì chị nhé. Lần sau cứ để tụi nó đánh em cũng được…

Thanh tức tưởi ôm chầm lấy tôi. Tôi ước sao mình có thể khóc được như Thanh mà không thể. Cha chúng tôi là ai sao mà chúng tôi lại phải chịu khổ cực, bao lời dè bỉu của người đời đến thế này? Nước mắt chảy ngược vào lòng tôi rát buốt.

Tôi bắt đầu lao vào học để những đứa bạn cùng lớp từng coi thường, miệt thị tôi phải nể phục. Việc luôn dẫn đầu trong khối khiến nhiều người nhìn tôi bằng ánh mắt thiện cảm hơn. Hai chị em bảo ban nhau học hành, năm nào cả hai đứa đều có tên trong danh sách đội tuyển học sinh giỏi. Cầm giấy khen về khoe, không bao giờ mẹ khen chúng tôi cả, mẹ đều nói rằng chúng tôi cần cố hơn nữa. Tính mẹ là thế, luôn "tiết kiệm" lời khen. Nhưng tôi thấy niềm tự hào dâng lên trong đôi mắt thăm thẳm buồn của mẹ.

Rồi một ngày em tôi bỗng nhiên bỏ học ngang chừng. Năm đó, em đang học lớp 9, còn mẹ bị đau chân, chân phải của mẹ tê buốt phải mời bác sĩ về nhà châm cứu. Mẹ đi lại khó khăn, nhăn nhó từng bước lê đi tập tễnh. Cô giáo tới tận nhà vận động em vẫn không nghe. Mẹ hết trách mắng rồi dỗ dành, nhất định em không đi học trở lại. Mẹ đưa em đến lớp, khi mẹ ra về là em cũng co chân chạy ra khỏi trường. Em xé hết vở, gom những tờ giấy trắng đóng thành một quyển để cho tôi làm vở nháp. Mẹ biết chuyện, mẹ đánh đòn. Em đứng lặng chịu đựng làn roi của mẹ không một lời xin mẹ… Đến khuya, vẫn không thấy em đi ngủ, gọi mãi không thấy em đâu, cả nhà tá hỏa đi tìm. Khắp tất cả các nhà nội ngoại trong làng ngoài xóm mà vẫn không có tin gì về em. Mẹ gào khóc vật vã sợ em nghĩ dại bỏ nhà đi vì sợ phải chịu đòn như hồi chiều. Mẹ nói, chỉ cần em trở về bình an, mẹ sẽ không ép em đi học nữa. Nghe mẹ nói thế, em chui từ trong đống rơm ra. Tháng tư, cái nắng nóng mới của mùa hạ khiến người ta cảm thấy khó chịu vậy mà em chui vào đó để trốn. Cả người em đẫm ướt mồ hôi, mặt đỏ như gấc, tóc bết lại sũng nước. Sau một giây sững người, mẹ ôm chầm lấy em. Mọi người yên tâm ra về. Lúc chỉ có hai chị em, tôi rủ rỉ hỏi tại sao em không đi học nữa. Em bảo, cô chê em không học bằng chị. Trời đất. Lý do thật buồn cười. Cô chủ nhiệm cũ của tôi năm ngoái là cô chủ nhiệm em năm nay. Thương hai đứa, cô hết lòng chỉ bảo. Tôi dỗ, rồi tôi sẽ dạy thêm cho em nhưng em vẫn lắc đầu.

Ngày tôi đỗ trường sư phạm, cả nhà vui lắm. Em tíu tít gấp quần áo cho tôi để lên trường nhập học. Tôi buột miệng:

- Nếu ngày trước mày không bỏ học sang năm cũng có giấy báo thì mẹ vui lắm đấy.

Em khẽ chép miệng rồi giọng chùng xuống:

- Lúc ấy em làm vậy để cho chị học. Mẹ vất vả quá, em ở nhà đỡ mẹ. Nếu hai chị em cùng học, mẹ nuôi sao nổi, nhỡ mẹ ốm nặng thật thì sao. Chị học giỏi hơn em, chị học cả phần của em nữa. Mình là chị em gái mà, đi đâu mà thiệt…

Chao ôi! Giờ tôi mới biết được lý do em bỏ học là vì tôi!

Chỉ kém tôi một tuổi nên hai chị em sàn sàn như nhau. Một lần, từ nhà lên trường, mở túi ra, chợt giật mình vì có bộ quần áo mới, tôi mặc thử, vừa như in. Không biết là mẹ hay em dành cho tôi sự bất ngờ này nữa. Cuối tuần đó, tôi về nhà, định hỏi mẹ nhưng mấy đứa bạn đến chơi cứ ríu ran rồi tôi quên đi mất. Bạn em đến rủ đi dự một đám hỏi trong xóm, mẹ giục em lấy bộ quần áo mới may ra mặc. Em vâng dạ rồi kéo bạn đi nhanh. Lúc em về, tôi hỏi, em chỉ cười, em ở nhà mặc thế nào cũng được, chị đi học trên tỉnh để chị mặc cho bằng bạn bằng bè…

Mắt tôi không khóc nhưng cay xè. Sao tôi cứ mãi vô tình thế, tôi ơi!

MLfMEZAR.jpgPhóng to

Áo Trắng số 2 ra ngày 15/1/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HÂN DU(Thái Bình)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên