Tặng chị của em
chị cũng sinh vào một ngày trời giông gió như thế. Mẹ kể rằng, lúc chào đời chị trông như trái mướp hương, khuôn mặt nhỏ bằng ba ngón tay xếp. Chị ốm nhom, khóc đến rạc cả người. Bố xót xa than chị bé quá trời... Lâu dần thành quen, mọi người hay gọi tên chị là "cái Bé".
Thế mà nuôi mãi cũng lớn, cái Bé như cọng dây leo mọc lang, quấn quýt lấy đời, sống dạn dày, mãnh liệt. Cái Bé được nửa năm đã cai sữa, chưa đầy năm đã biết đi. Cái Bé lớn lên, trở thành một bài học để người trong xóm ngoài làng răn dạy con cái mình. Bởi cái Bé mới tí tuổi đầu mà biết nấu cơm. Cái Bé con con mà lầm lũi vớt bèo quấy cám lợn. Cái Bé như con cá mắm sắt seo thế mà đã gò lưng gánh nước đổ đầy chum. Cái Bé gầy nhẳng mà biết đội nắng theo mẹ đi cấy ngoài đồng... Từ khi còn bé dại, em đã nghe người ta nói về chị của em như thế đấy.
Khi em ra đời cũng là lúc tuổi thơ của chị vất vả hơn. Em là con trai út trong nhà nên cũng được chị cưng chiều nhất. Cái gì ngon chị cũng dành cho em, việc gì khó chị cũng làm thay em. Ngày ấy, bố mẹ sớm tối ngoài đồng, em bám riết lấy chị như hình với bóng. Chị đi đâu em cũng đòi theo, ngủ dậy không thấy chị là khóc. Chị còm nhom thế mà lúc nào cũng cõng thằng em ục ịch vắt vẻo trên lưng. Lại còn dám đánh lại bất cứ đứa nào dám trêu em khóc. Cứ thế, em lớn khôn bởi mồ hôi nước mắt của bố mẹ và sự bảo bọc của chị.
Hồi đầu những năm chín mươi, cái đói vẫn là một nỗi ám ảnh của miền quê mình chị nhỉ. Và chị như bà cụ non, tất tả với nỗi lo cơm áo của người lớn. Em còn nhớ có những trưa chị đi mót những củ đao già về luộc cho em ăn đỡ đói lòng. Em cũng chẳng quên được cái hình ảnh chị đội nón rách lũn cũn lội bùn moi từng con hến nấu canh. Chị gom góp từng miếng sắt gỉ, từng cái vỏ chai để cho em có cấy kẹo mút. Chị bòn từng cái dãi khoai, từng đọt rau muống chạy chợ. Chị theo đám cón trai trèo cây bẻ củi đém bán. Chị lượm lặt từng hạt lúa vãi vương để nồi cơm nhà mình bớt đi phần sắn... Chị là thế, chẳng từ việc gì để thằng em trai tham ăn háu đói này thôi nghịch quấy.
Vậy mà nhiều khi em thật vô tâm, em luôn chành chọe và muốn dành phần hơn với chị. Như cái lần em gõ chiếc đũa cả vào đầu chị mà gào lên rằng: “Chị khôn thế? Ăn hết phần cháy ngon của em”. Chị chết lặng rồi òa khóc tức tưởi. Chị bảo: “Sợ em còn nhỏ không nhai được cháy nên chị ăn hết không tối về bố mẹ mắng”. Em thôi đánh nhưng vẫn hậm hực giận dỗi. Chắc lần ấy chị buồn nhiều lắm phải không?
Hay cái lần em nghịch ngợm làm vỡ chiếc vò đựng thóc, sợ mẹ phạt nên chạy biến đi chơi. Đến chiều về mẹ hỏi, chị liền nhận là do mình làm. Mẹ đánh roi chị đau điếng, chị chỉ khóc mà không dám phân bua. Lúc ấy, em chỉ dám nấp sau đống rơm nhìn chị bị phạt mà không dám nhận lỗi. Sau đấy, em đã hỏi: “Sao chị không để mẹ đánh đòn em?". Chị véo má em nhè nhẹ: “Ngốc ạ. Vì em là em của chị”. Và em thấy sống mũi mình cay cay. Đó là lần đầu tiên em biết có những nỗi đau còn hơn cả đòn roi.
Đến năm đang học dở lớp 9, chị nhất quyết bỏ học dù bị bố đánh đòn. Chị bảo chị ghét đi học. Nhưng em không tin. Ghét học mà mỗi lần có việc đi qua trường chị lại thẩn thơ một lúc? Ghét học mà hôm nào chị cũng hỏi em ở lớp có gì vui không? Chị ghét học mà khi đứa bạn đậu cấp ba, chị lại sụt sùi khóc? Ghét học mà sách vở bao nhiêu năm chị vẫn giữ làm gì?
Em biết chị chẳng xấu hổ vì phải mặc quần áo vá đến lớp đâu. Em biết chị không ngại hôm nào cũng phải đi nhờ xe đến trường. Chị cũng không buồn vì lần nào cũng phải đóng tiền học sau cùng. Chỉ bởi vì chị muốn san sẻ gánh nặng cho bố mẹ, chị thương hai đứa em vô tâm luôn muốn giành phần hơn này thôi. Thế mà chị không dám nói. Chị sợ bố mẹ buồn phiền. Chị sợ các em tủi thân.
Khi bè bạn còn tung tăng cắp sách đến trường thì chị lên thành phố làm "ôsin". Người ta cạnh khóe nói chị là đứa đi ở đợ. Em nghe mà ấm ức trong lòng. Đồng lương bèo bọt chị dồn hết về quê cho bố mẹ dặm lại mái nhà, kè lại móng vườn. Còn bao nhiêu tủi cực đắng cay chị giữ riêng một mình. Lần nào về chị cũng mang theo rất nhiều quà bánh. Chị còn giành làm hết việc nhà. Chị tỉ mẩn dọn dẹp lại góc bàn học bề bộn của em. Có lần chị rầu rầu nói: “Đừng bỏ học em nhé. Đi làm thuê cực lắm”. Mắt chị như nhòe đi. Rồi chị mếu máo: “Xin lỗi vì chị không làm gương cho em được”. Em sững sờ trước câu nói ấy. Chị của em đang tự trách mình ư? Việc gì chị lại phải xin lỗi? Chị có lỗi gì đâu. Còn vất vả nào mà tuổi thơ chị chưa nếm trải chứ.
Em không quan tâm người ta nói gì về chị hết. Chị có biết không, chị chính là động lực cho em vượt qua tất cả những khó khăn, vất vả đấy. Và em muốn học thật giỏi để mỗi lần về quê chị được hãnh diện khoe với mọi người rằng đó là thằng em chị đã bế bồng từ tấm bé.
Ngày đưa em đi xem kết quả thi đại học, chị còn lo lắng hơn cả em. Khi biết em đậu, chị reo lên như trúng số độc đắc khiến ai cũng nghĩ chị mới là người trúng tuyển. Đi đâu chị cũng khoe em là niềm tự hào của chị. Có lẽ chị còn vui sướng hơn em, chị nhỉ?
Đến lúc em nhập học, tuần nào chị cũng xuống doanh trại thăm em. Rồi chị dặn dò đủ thứ. Chị bảo em phải biết thương bố mẹ. Chị bảo em phải cố gắng rèn luyện nên người. Chị bảo em đừng theo bạn bè ăn chơi, đua đòi, thành phố giàu sang nhưng lại nhiều lừa lọc lắm... Đã có lúc em nghĩ chị lẩn thẩn mất rồi. Em đâu có biết đó là những điều chị chắt lọc từ cuộc đời vất vả của chị. Và nếu không có những lời khuyên bảo ấy em không chắc mình có thể vượt qua những cám dỗ để được như ngày hôm nay đâu?
Em ra trường, có công việc đàng hoàng. Chị cũng lập gia đình ở xa nhưng vẫn vất vưởng kiếm sống giữa thành phố bon chen này. Chị của em còn nhỏ bé, gầy guộc hơn xưa. Thế mà lúc nào chị cũng tự trách mình vì chẳng phụng dưỡng được cho bố mẹ. Chị cũng tự trách mình chẳng lo lắng được nhiều cho các em. Chị tự ti vì không học hành không đến nơi đến chốn - điều mà em cũng luôn trăn trở trong lòng. Nhưng chị ơi, có những điều mà nếu có thể chọn lại em tin chị vẫn làm như thế bởi bản năng của một người chị cả, bởi tình yêu thương luôn chiến thắng những toan tính ích kỷ. Và có những việc với người khác là hết sức bình thường nhưng với chị là cả một nỗ lực phi thường đấy. Đừng bao giờ tự dằn vặt mình nữa chị nhé!
Chị ơi, dù chị không có lấy một mảnh bằng, dù chị có lam lũ kiếm sống bằng công việc tầm thường nhất thì với em chị luôn là một người chị đáng kính, là niềm tin và chỗ dựa cho em trong cuộc sống này. Hãy luôn vui vẻ và sống thật hạnh phúc nhé chị của em!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận