10/08/2018 11:19 GMT+7

Chết oan vì hóc trân châu, hạt nhãn

T.DƯƠNG - L.ANH
T.DƯƠNG - L.ANH

TTO - Các bác sĩ ở cả ba bệnh viện Nhi Đồng ở TP.HCM cho biết họ gặp nhiều trẻ bị hóc dị vật từ hạt nhãn, nút áo, những viên pin nhỏ trong đồ chơi, hạt dưa, hạt mãng cầu, hạt sapôchê, hạt bí, rau câu, đậu phộng, hóc xương, hạt trân châu...

Chết oan vì hóc trân châu, hạt nhãn - Ảnh 1.

Bác sĩ Toàn hướng dẫn cách sơ cứu hóc dị vật - Ảnh: THÚY ANH

Các trường hợp bị hóc dị vật có thể được điều trị, cứu sống nếu được sơ cứu, cấp cứu kịp thời, nhưng nếu cấp cứu không đúng cách có thể nguy hiểm đến tính mạng

BS PHẠM NGỌC TOÀN

Nhiều cháu bé đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nội soi gắp dị vật ra nhưng một số cháu lại bị hôn mê, thậm chí tử vong.

Tử vong vì hạt trân châu, quả nhãn, thạch rau câu...

Mới đây, một bé gái bị hóc hạt trân châu tử vong được lan truyền nhiều trên mạng. Theo thông tin báo Tuổi Trẻ tìm hiểu, nạn nhân là một bé gái 9 tuổi, được cha mẹ từ ngoài Bắc đưa vào TP.HCM chơi. Bé bị chậm phát triển tâm thần.

Sau khi uống trà sữa trân châu, bé bị hóc dị vật. Mẹ bé cũng không phải là bác sĩ như trên mạng xã hội đưa, nên bé không được sơ cứu trước khi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115. Tại đây, bé được chẩn đoán hôn mê do dị vật đường thở.

Sau khi các bác sĩ cấp cứu cho tim bệnh nhi đập trở lại, bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị. Sau 13 ngày điều trị, bệnh nhi đã tử vong.

Chết oan vì hóc trân châu, hạt nhãn - Ảnh 3.

Trà sữa trân châu là đồ uống yêu thích của nhiều trẻ nhỏ và bạn trẻ - Ảnh minh họa: MJ and hungry man

Không chỉ người thân trong gia đình bé trai N.T.H.V., 19 tháng tuổi (ở Bình Dương), mà các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng rất đau lòng khi không thể cứu được bé chỉ vì hóc trái nhãn. 

Trong lúc ba mẹ đi làm, bé V. ở nhà với chị gái mới 8 tuổi. Người chị phát hiện bé V. bỗng bị tím tái, bất tỉnh. Khi ba mẹ bé về mới đưa bé đến cấp cứu tại Bệnh viện Hạnh Phúc.

Tại đây, bé V. được cấp cứu ngưng tim, ngưng thở. Trong quá trình đặt nội khí quản để cấp cứu đường thở cho bệnh nhi, các bác sĩ phát hiện có một trái nhãn nằm ở thanh môn, bít kín hoàn toàn đường thở. Đây chính là nguyên nhân làm bệnh nhi bị ngạt, sau đó dẫn tới tử vong.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng từng điều trị cho một bé trai 5 tuổi ở Dĩ An, Bình Dương bị hôn mê sâu do hóc thạch rau câu. Trước đó, bé đang ăn thạch rau câu tại nhà thì bị hóc. Lúc đó, bé cố lấy tay móc dị vật ra nhưng chính cách làm này đã đẩy dị vật vào sâu hơn.

Mặc dù đã được các bác sĩ điều trị tích cực nhưng do bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê sâu do thiếu oxy trong não trước đó nên bệnh nhi đã tử vong.

Cẩn thận khi dùng ống hút các hạt

Trước thông tin món trà sữa mà hiện nay giới trẻ rất thích lại có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, phân tích nếu ống hút nhựa có kích thước đủ lớn cho hạt trân châu đi lên thì không sao, nhưng nếu viên trân châu vừa đủ đường kính của ống hút khi đó trẻ sẽ cố gắng hút mạnh.

Nếu qua chỗ hẹp đó, hạt trân châu sẽ "chạy nhanh" đến mức không kiểm soát được và sẽ phóng vào đường thở, gây phản xạ khép thanh môn. Lúc đó, trẻ sẽ ho sặc sụa, tím tái.

Nếu trẻ khóc la được chứng tỏ đường thở vẫn còn thông,nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện, còn trẻ tím tái, không la khóc được phải sơ cứu tại chỗ cho trẻ, nếu không trẻ sẽ tử vong.

Cuối tháng 7 vừa qua, bác sĩ Phạm Ngọc Toàn - khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) - cho hay bác sĩ nhận bệnh nhi 2 tuổi ở Nam Định chuyển lên trong tình trạng hôn mê sâu, não tổn thương không hồi phục do thiếu oxy sau khi bị hóc cả quả nhãn (hạt lẫn cùi).

Ở trường hợp này, do chưa được sơ cứu đúng cách, hạt nhãn bít kín đường thở nên khi đưa tới bệnh viện bệnh nhi đã hôn mê. Trước khi cứu chữa bệnh nhi này, bệnh viện cũng nhận một bệnh nhi bị hóc chôm chôm, khi vào viện đã ngừng tim, ngừng thở, sau khi được cấp cứu thì bệnh nhi vẫn bị di chứng nặng nề.

Theo các bác sĩ, thời gian vàng để cấp cứu trẻ rất ngắn. Trong tình trạng trẻ bị ngạt thì chỉ cần 4 phút đã gây tổn thương thần kinh không hồi phục. Thời gian vàng để cấp cứu cho trẻ ngắn, người lớn cần biết sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà. 

Ngoài ra, trong chương trình của học đường cũng nên hướng dẫn cho trẻ những cách đối phó với tình huống khẩn cấp.

Lưu ý các đồ vật

Các bác sĩ lưu ý tất cả những đồ vật mà trẻ có thể cho vào miệng thì đều có thể trở thành dị vật. Không chỉ riêng những loại trái cây mà tất cả đồ vật có thể đứt ra, rời ra đều có thể trở thành dị vật như cúc quần áo, trang sức của trẻ em.

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn cho hay có bé còn nhét cục pin hay nhét bã kẹo cao su vào mũi... Khi bị hóc dị vật, trẻ sẽ có thể có biểu hiện tức thì. Lúc đó, trẻ vào bệnh viện với biểu hiện như ngạt, tử vong.

Bên cạnh đó, có những loại dị vật trở thành dị vật bỏ quên. Trẻ sẽ chỉ đơn thuần đến bệnh viện vì những bệnh cảnh như khò khè, viêm phổi nhiều lần. Tình huống này cũng gây khó khăn trong việc chẩn đoán.

Cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật

Vỗ lưng: người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.

Ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải).

Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.

Sau khi làm mọi thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được thì cần khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ tiến hành lấy dị vật, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Không đùa giỡn khi ăn uống

Các bác sĩ khuyên khi ăn không nên đùa giỡn, nói chuyện nhiều sẽ gây sặc. Trẻ dưới 5 tuổi khi ăn trái cây cần phải được người lớn lấy hột ra hết, trẻ càng nhỏ chơi trò chơi càng lớn để trẻ không đút vô miệng...

Khi thấy trẻ không chịu uống thuốc, các bậc phụ huynh không bịt mũi trẻ để buộc trẻ uống thuốc, mà với trẻ dưới 5 tuổi nên nghiền thuốc viên hoặc nên sử dụng thuốc gói, sirô... để tránh tình trạng bị sặc, hóc thuốc.

Khi trẻ ăn uống những loại trà sữa hoặc các loại chè có hạt như đậu đen, đậu đỏ, hạt sen... nên dùng muỗng ăn chứ không nên dùng ống hút to, tránh nguy cơ những hạt này bị lọt thẳng vào phổi.

Đừng xem thường bài học sơ cứu Đừng xem thường bài học sơ cứu

TT - Câu chuyện tiền vệ đội trưởng Gabi cùng một số cầu thủ khác của Atletico Madrid sơ cứu kịp thời cho đồng đội Fernando Torres trong trận hòa Deportivo 1-1 ở vòng 25 Giải vô địch Tây Ban Nha (La Liga) hôm 3-3 cho thấy sự chuyên nghiệp của cầu thủ phương Tây.

T.DƯƠNG - L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên