22/09/2014 10:57 GMT+7

Chết hơi sớm!

CÔ TÚ
CÔ TÚ

TTC - ● Báo PL&CS số 30 (7-2014), bài Thiền sư Pháp Thuận …, tác giả viết: “Thiền sư Pháp Thuận viên tịch năm 990 … Vua Lê Đại Hành mất sau ông sáu năm (996) …”.

Đúng không, cô Tú?

                                  N.H.  (Hà Nội)

- Thiền sư Pháp Thuận (Đỗ Pháp Thuận) viên tịch (qua đời) năm 990 (thọ 76 tuổi). Riêng Lê Hoàn (Đại Hành hoàng đế) sinh năm 941, lên ngôi vua năm 980 và mất năm 1005 (thọ 64 tuổi). 

1967  là  năm  gì?      

● Sách Bác Hồ - con người và phong cách (Viện Hồ Chí Minh nghiên cứu, tổng hợp; NXB Lao động), mẩu chuyện “Thế có nước mắm ớt không?” có đoạn viết: “Đầu năm 1967, nhân dịp Tết Bính Ngọ…”. 

Năm 1967 lại là năm Bính Ngọ sao cô Tú?

                    CAO KỲ NAM  (Bình Định)

- Năm 1967 theo âm lịch là năm Đinh Mùi. Năm trước đó (1966) mới là năm Bính Ngọ.   

Thời  nào  vậy?      

● Báo PL&CS số 29 (7-2014), bài Chuyện về vị thiền sư… dưới chân núi Ngự, tác giả viết: 

“Năm 1965, nghe tin thiền sư Thạch Liêm tổ chức giới đàn ở chùa Thiền Lâm, cố đô Huế, Liễu Quán tới xin được thụ giới… Năm 1967, khi đó Liễu Quán vừa tròn 27 tuổi…”. 

Chuyện gì sao nghe lộn xộn quá, cô Tú nhỉ?

                                N.H.  (Hà Nội)

- Theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), Thiền sư Thạch Liêm tức Thích Đại Sán (1633-1704; người Trung Quốc) đã đến nước ta vào năm 1695 (không phải 1965) để tổ chức giới đàn ở chùa Thiền Lâm (Huế) và chùa Di Đà (Hội An). Còn Thiền sư Liễu Quán (Lê Thiệt Diệu; sư tổ của Thiền phái Liễu Quán) sinh năm 1667 (mất năm 1742), do đó nói “năm 1967, Liễu Quán vừa tròn 27 tuổi”, thiệt là ẩu quá! Lại nữa, đến trước tháng 9-1945, Huế vẫn còn là kinh đô của nước ta, vậy mà mới đến năm 1695 đã gọi nơi này “cố đô”, Tú tôi xin chào thua!                                 

Cầu kho ở đâu?

● Đặc san NCT số 209 (7-2014), bài Tấm bản đồ chiến lược, tác giả viết: 

“Sau khi điều tra, nghiên cứu địa bàn, ba tôi đề xuất tổ chức cho phép đưa vợ con về phường Cầu Kho (Gò Vấp) thuê nhà ở ngay sau nhà của tên Tổng nha cảnh sát Sài Gòn…”. 

Quận Gò Vấp cũng có phường Cầu Kho sao, cô Tú?

HỨA TIỄN PHU  (Hậu Giang)

- Trước ngày 30-4-1975, Cầu Kho là 1 trong 7 phường thuộc quận Nhì - Sài  Gòn (nay là 1 trong 10 phường của quận 1 - TP.HCM). Còn quận Gò Vấp trước kia thuộc tỉnh Gia Định, gồm có 7 xã (không có phường), và không có địa danh nào mang tên Cầu Kho. Còn “Tổng nha cảnh sát” là tên cơ quan của chế độ cũ (không phải chức vụ), do đó nói “tên Tổng nha cảnh sát Sài Gòn” là không chính xác.

Chưa  đủ  tuổi vị thành  niên (?!)      

● Báo CCPL số 222 (7-2014), bài Gã trai vắt mũi chưa sạch đã vướng vòng tù tội…, tác giả viết: “Bị cáo phạm tội khi chưa đủ tuổi vị thành niên…”. 

Xin hỏi cô Tú: “Chưa đủ tuổi vị thành niên” là sao?

 N.H. (Hà Nội)

- Vị ở đây là từ Hán - Việt, có nghĩa là chưa. Cụm từ “vị thành niên” nghĩa là “chưa đến tuổi thành niên (trưởng thành)”. Theo luật pháp nước ta qui định, đó là những công dân chưa đủ 18 tuổi. 

Sao bé thế?

● Báo ANTG (31-5-2014), bài Phía sau thương vụ Alaska…, tác giả viết: 

“Hai bên (Nga - Mỹ) đã ký thỏa thuận bán Alaska với diện tích 1,5 triệu ha cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD…”. 

Bang Alaska sao bé thế, cô Tú nhỉ?

 VŨ QUỐC TUẤN (Bà Rịa - Vũng Tàu)

- Alaska là tiểu bang lớn nhất Hoa Kỳ (tiểu bang thứ 49, gia nhập liên bang ngày 3-1-1959), diện tích hơn 1,7 triệu km2 (gấp hơn 100 lần so với chi tiết nêu trong bài báo trên). Lại nữa, trong vụ này, bên “ký thỏa thuận bán” là Nga (dưới thời Sa hoàng Alexandre Đệ nhị; 1818-1881), còn bên mua là Mỹ, không thể nói “hai bên ký thỏa thuận bán” được.

Tuổi Trẻ Cười số 507 ra ngày 15/9/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

CÔ TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục