13/08/2011 06:50 GMT+7

Chè bột nếp "Tết Trung nguyên"

MINH HẠNH
MINH HẠNH

TTO - Bà ngoại tôi “rời” mẹ tôi đúng vào ngày lễ Vu lan khi mẹ vừa chớm tuổi thiếu nữ. Mỗi năm đến lễ Vu lan mẹ tôi lại bần thần nhớ về ngoại.

Gia đình tôi đã chọn cách gọi Tết Trung nguyên thay vì lễ Vu lan trong những ngày rằm tháng 7 hằng năm để mẹ bớt đau lòng và biến ngày này trở thành ngày sum họp trong gia đình, cả nhà làm chè bột nếp “mời” ngoại...

9vKlrEYR.jpgPhóng to
Chè "Tết Trung nguyên" của gia đình tôi - Ảnh: M.H.

Bà ngoại hiện hữu trong trái tim mỗi chúng tôi theo những hồi ức của ông ngoại tôi, theo những tiếng nấc nghẹn của mẹ mỗi khi kể về người.

Với chị em tôi, bà khi là người phụ nữ chân chất, thật thà như đếm, người ta bỏ quên cả xách tiền ngay trước mặt mình, thay vì ôm ngay về nhà thì ngoại lại ngồi tại chỗ đợi người ta cả đêm để gửi lại cho họ - theo lời kể dí dỏm của ông ngoại; khi lại là người mẹ ngọt ngào nhất, yêu thương con bằng tất cả trái tim theo lời kể của mẹ.

Nhưng có một điểm chung trong mỗi hồi ức của ông ngoại và mẹ tôi về bà đó là người có tài nấu chè bột nếp rất ngon.

Ngày giỗ đầu tiên của ngoại, món ăn không thể thiếu trong mâm giỗ là những chén chè bột nếp do chính tay mẹ tôi và ông ngoại nhào nặn nên. Chén chè lần đầu ấy lẫn lộn giữa bột nếp, đậu xanh bị vỡ nát bởi làm không quen và chứa chan nước mắt của mẹ và ông khi nhớ về bà.

Theo thời gian hình ảnh đặc quánh nỗi buồn của người đàn ông trung niên và cô con gái trẻ đã được thay vào hình chí chóe nhau của chúng tôi khi nặn bột, hình ảnh ba tôi vụng về nặn bánh, ông ngoại tôi mỉm cười nhẹ nhõm.

Bây giờ món chè Tết Trung nguyên của gia đình tôi được làm rất tròn trịa, như một dịp để mọi người quây quần bên nhau.

Đêm trước ngày lễ, mẹ tôi thường cho ngâm đậu xanh trước để đậu mềm ra, đãi vỏ thật sạch làm nhân cho món chè bột nếp. Nấu chín đậu, quết đều tay cho đậu thật mịn. Phi hơi vàng hành tím với dầu, cho đậu xanh đã quết mịn vào xào, đảo đều. Sau đó cho một ít đường, một ít muối trộn đều với nhau khoảng 5 phút trên lửa vừa để đậu vừa có vị béo của dầu ăn, thơm thơm của hành phi, ngòn ngọt của đường, mằn mặn của muối. Sau đó vo viên vừa ăn.

Những năm trước đây để có bột nếp nấu chè, mẹ phải tự tay ngâm nếp đem xay. Nhưng nay mẹ chọn mua loại bột nếp thơm đóng gói sẵn cho một ít nước sôi vào trộn cho nước ngấm vào bột, nhồi bột cho mịn, khi nào thấy bột quện thành hỗn hợp dẻo là được. Chia bột thành từng viên nhỏ, ấn hơi dẹt, cho nhân vào gói kín.

Khi gói chúng tôi thường chấm một ít dầu đã phi hành sẵn trên tay để bột không bị dính lại vào tay dễ gây ra vỡ bánh khi đã cho nhân vào.

Những chiếc bánh bột nếp này sẽ được nấu chín, vớt ra cho đảo qua với nước lạnh để không bị dính cục. Món chè đặc biệt này mẹ tuyệt đối chỉ nấu với đường phèn, sau khi đường tan trong nước sôi, bột nếp sẽ được cho vào cùng gừng giã nhuyễn.

Nấu sôi nhẹ cho nước đường phèn thấm vào bột bánh, mùi thơm của gừng đủ quyện vào trong từng chiếc bánh bột nếp là có thể nhắc xuống, hoàn thành món chè bột nếp ngon lành “mời” bà ngoại tôi trong ngày lễ Vu lan, trong ngày Tết Trung nguyên của gia đình tôi.

MINH HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên