20/09/2004 08:57 GMT+7

"Chạy" quota: chuyện không... mới!

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TT - Còn nhớ hồi giữa năm 2000, cả tỉnh Nghệ An xôn xao về vụ Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Việt An, một doanh nghiệp nhà nước hạng hai thuộc Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Nghệ An, làm ăn “có vấn đề” vì bị cơ quan pháp luật “sờ gáy”.

Giám đốc công ty, kế toán trưởng, phó phòng kinh doanh... lần lượt bị khởi tố, có người bị bắt giam về các hành vi tham ô, cố ý làm trái trong các thương vụ nhập khẩu, tiêu thụ thép và ôtô con. Sở dĩ dư luận hồi ấy xôn xao vì trong quá trình cơ quan chức năng điều tra vụ án, những đối tượng trên đã khai ra và có rất nhiều hồ sơ, giấy tờ thu được làm chứng về một khoản gọi là “chi phí giao dịch - đối ngoại” của đơn vị này lên tới con số 3,242 tỉ đồng(!).

Số tiền ấy đã được “chi phí giao dịch” thế nào, được “đối ngoại” ra làm sao? Đầu tiên là thương vụ Việt An nhập khẩu 10.000 tấn sắt thép về bán cho Công ty Thủy sản Hà Nội và Công ty Vật tư tổng hợp miền Trung mỗi bên một nửa. Việt An được Bộ Thương mại cấp giấy phép ngày 13-12-1995, nhưng dùng dằng mãi đến giữa 1996 vẫn chưa thực hiện được.

Theo lời khai của các đối tượng trong vụ án, Công ty Việt An đã phải chi phí rất nhiều từ tháng 4 đến tháng 6-1996 để xin được gia hạn quota nhập khẩu sắt. Đặng Việt Hùng (nguyên cán bộ kinh doanh Công ty Việt An) khai được phân công ứng từ công ty gần 1 tỉ đồng để đi “giao dịch”, trong đó có chi cho nhiều quan chức Bộ Thương mại.

Cũng khoảng 1995-1996, Đặng Việt Hùng được phân công làm trưởng ban đại diện Công ty Việt An tại Hà Nội, được giám đốc công ty giao “khoán” việc quan hệ với các “sếp” ở Bộ Thương mại để chạy quota nhập khẩu ôtô dưới 12 chỗ ngồi. Hùng đã “chạy” được bốn hạn ngạch với tổng số xe được phép nhập khẩu là 90 chiếc. Tuy nhiên, phía Việt An cũng đã phải chi khá “bộn” (so với thời điểm đó) để có được bốn quota này - khoảng gần 939 triệu đồng.

Sau này Hùng khai báo rất chi tiết: ngày 9-11-1995 cùng giám đốc Hoàng Đức Ái chi cho một người tên Chấn để xin hạn ngạch số 11989 hết 5.000 USD; ngày 24-4 và ngày 18-11-1996 hai lần cùng giám đốc đến nhà riêng ông Chấn và chi cho ông này mỗi lần 7.500 USD để xin các hạn ngạch 0742 và 5055; ngày 22-5-1996 chi tiền cho bà Nguyễn Khánh Loan ở Bộ Thương mại hết 110 triệu đồng... Đây mới chỉ là một vài số tiền cơ quan công an chấp nhận, còn rất nhiều khoản chi khác mà các đối tượng khẳng định đã “thực chi” nhưng vì rất nhạy cảm, không có chứng từ nên không được chấp nhận, trong đó thôi thì đủ cả: từ một vị thứ trưởng, rồi chánh văn phòng, hai vụ trưởng... đến một số chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu của Bộ Thương mại.

Việc điều tra đã khá rõ, nhưng không hiểu sao vụ việc lại chỉ dừng ở đó. Người viết bài này đã theo dõi vụ án khá kỹ cho tới tận phiên xét xử, nhưng tuyệt nhiên không thấy đả động gì đến những “nhân vật” trong đường dây chạy quota nhập khẩu thép và ôtô mà cán bộ, nhân viên của Việt An đã khai ra.

Chiếc kim trong bọc tất nhiên lâu ngày cũng lòi ra. Rốt cuộc, cũng đã có những doanh nghiệp không chịu nổi con đường đi “lắt léo” và cái giá quá “chát” của mỗi quota - ở đây là quota xuất khẩu hàng dệt may - và tố cáo lên cơ quan chức năng. Nói lại chuyện cũ để biết mới chỉ sơ sơ cái “thủa ban đầu” của Việt An mà họ - những mắt xích trong đường dây chạy quota - đã “ăn” tới hàng ngàn USD, thế thì từ bấy tới giờ chắc... Thật không thể tưởng tượng nổi!

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên