15/03/2011 10:00 GMT+7

Cháy lần 4 ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima

XUÂN TÙNG - TRẦN PHƯƠNG
XUÂN TÙNG - TRẦN PHƯƠNG

TTO - Sáng nay 15-3, một vụ nổ mới lại xảy ra tại lò phản ứng số 2 và cháy ở lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 làm 16 người bị thương và đẩy mức phóng xạ tăng vọt, Kyodo News đưa tin.

Read this on Tuoitrenews.vn

Trong khi đó Chánh văn phòng Nội các Yukio Edano khuyến cáo mức phóng xạ quanh nhà máy Fukushima hiện đã ở mức đe dọa đối với sức khỏe con người. Mức phóng xạ đo được gần các lò phản ứng số 2 và số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã lên tới 400 mili sievert.

Thủ tướng Naoto Kan đã hối thúc người dân trong bán kính 30km cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nên ở trong nhà. Đại sứ quán Pháp tại thủ đô Tokyo cũng cảnh báo gió có thể thổi mức phóng xạ thấp tới thành phố này.

xJoxeDPn.jpgPhóng to
Người dân Nhật an ủi nhau trước thiệt hại quá lớn của trận động đất - Ảnh: CNN

Vụ nổ thứ ba xảy ra vào lúc 6 giờ 10 (theo giờ địa phương) tại lò phản ứng số 2 đã làm hư hại hệ thống nén áp suất, ngay sau đó đẩy mức phóng xạ lên mức 965,5 micro sievert/giờ - tức đã vượt ngưỡng an toàn.

Mức phóng xạ đo được tại nhà máy Fukushima hiện đã tăng vọt, buộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) phải di tản khẩn cấp khoảng 50 công nhân, ngoại trừ những người đang thực hiện việc giảm nhiệt cho lò phản ứng.

Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, vụ nổ thứ nhất xảy ra hôm thứ bảy (lò số 1); vụ nổ thứ hai xảy ra hôm qua (lò số 3); vụ nổ tiếp theo diễn ra sáng nay (ở lò số 2). Và hiện nay đang có cháy ở lò số 4.

Các chuyên gia của TEPCO đang lo ngại một lượng phóng xạ đã bị rò rỉ ra bên ngoài sau vụ nổ mới nhất sáng nay, bởi vụ nổ đã gây hư hại cho hộp chứa lò phản ứng.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano thừa nhận sáng nay 15-3 rằng tình trạng nguy hiểm được gọi là “nóng chảy”, khi các thanh các thanh nhiên liệu bị tan chảy và bị phá hủy, có khả năng xảy ra ở nhà máy. Mặc dù nước biển vẫn đang được bơm vào để làm giảm nhiệt nhưng tình hình “không thể được coi là ổn định”, như ông Edano thừa nhận.

Sau trận động đất 9,0 richter hôm thứ sáu vừa qua, lõi của 3 lò phản ứng tại nhà máy được tin là đã tan chảy một phần, tuy nhiên tình trạng nhiệt độ bên trong không cho phép người ta kiểm chứng giả định trên. Hiện Nhật Bản đang yêu cầu Mỹ hỗ trợ khẩn cấp các thiết bị làm giảm nhiệt để ổn định tình hình các lò phản ứng, theo Kyodo News.

wgY2kA74.jpgPhóng to
Một người dân đi giữa đống đổ nát ở Tagajo - Ảnh: AFP
KDkIiVJD.jpg
Xếp hàng mua lương thực ở Sendai - Ảnh: CNN

Trước đó, ông Yukio Edano tuyên bố trước báo giới rằng “hư hại xuất hiện phần đáy” của vỏ chứa nước dùng để làm mát lò phản ứng và kiểm soát áp suất khí bên trong của lò phản ứng ở nhà máy điện Fukushima. “Nhưng chúng tôi vẫn chưa ghi nhận bất kỳ sự gia tăng đột ngột nào trong thiết bị đo phóng xạ”, ông Edano nói thêm, nhưng không cho biết chi tiết.

IAEA: Khó có khả năng xảy ra thảm họa Chernobyl thứ hai

Phát biểu tại Vienna hôm 14-3, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Yukiya Amano nói rằng chưa có dấu hiệu gì cho thấy hiện tượng nóng chảy sẽ xảy ra tại lò phản ứng Fukushima, bất chấp các vụ nổ liên tiếp xảy ra gần đây.

Theo ông Amano, có hai lý do chính để đưa ra nhận định này. Thứ nhất, hệ thống hộp chứa lò phản ứng vẫn còn tương đối nguyên vẹn bất chấp các vụ nổ hydrogen. Thứ hai, hệ thống bảo về lò phản ứng Fukushima có rất nhiều tầng, mỗi tầng được làm bằng những vật liệu rất chắc chắn như thép đặc biệt và bê tông.

Chuyên gia Daniel Aldrich thuộc đại học Indiana (Mỹ) cho rằng tình hình hiện tại ở Fukushima ít nghiêm trọng hơn nhiều so với tình hình tại Chernobyl năm 1986 và hiện tượng nóng chảy tại Fukushima chỉ là nóng chảy một phần.

Hiện tượng nóng chảy một phần xảy ra khi các thanh nhiên liệu không được giảm nhiệt và bắt đầu nóng chảy. Trong khi đó hiện tượng nóng chảy toàn phần, được biết đến như là một thảm họa hạt nhân khủng khiếp, xảy ra khi các thanh nhiên liệu nóng chảy hoàn toàn, làm nứt hộp chứa và phóng ra một lượng phóng xạ lớn ra môi trường.

Số người chết tiếp tục tăng

CNN mô tả con số người thiệt mạng đang “tăng theo từng giờ”, hiện là đã lên đến con số 2.414. Tuy nhiên con số này chưa tính đến hàng ngàn thi thể trôi dạt vào bở biển vừa được tìm thấy ở phía bắc tỉnh Miyagi, như Kyodo News đưa tin.

Ít nhất 3.118 người vẫn còn mất tích, trong khi cảnh sát Nhật Bản xác nhận trên đài NHK rằng có 450.000 người dân Nhật Bản đang phải sống trong các lều dã chiến.

Thời tiết lạnh giá đang gây khó khăn cho cả các nạn nhân và lực lượng cứu hộ. Các báo cáo cho biết nhiều người dân vẫn đang phải phơi mình ngoài trời lạnh giá trong nhiều ngày qua. Tình hình dự báo sẽ còn tồi tệ hơn vào ngày mai khi nhiệt độ tại nhiều khu vực động đất sẽ xuống dưới 0, đi kèm theo mưa lớn, tuyết và lở đất.

Trong khi đó với tình trạng khẩn cấp ở nhà máy Fukushima TEPCO dự báo nguồn cung cấp điện sẽ thiếu hụt khoảng 25%. TEPCO dự kiến sẽ bắt đầu cắt điện từ 3-6 giờ mỗi ngày, kéo dài đến ngày 8-4 và ảnh hưởng đến khoảng 45 triệu người tại nhiều khu vực như Tokyo, Gunma, Chiba…

Tiếp tục cập nhật, nhấn F5 để đọc tiếp

Bạn đọc đang sống và làm việc, học tập tại Nhật Bản có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip với TTO qua công cụ dưới bài hoặc qua email tto@tuoitre.com.vn. Xin cảm ơn!

XUÂN TÙNG - TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên