![]() |
Dây chuyền sản xuất thép của Nhà máy Thép Phú Mỹ - Ảnh: T.T.D. |
Xếp hàng xây nhà máy thép
Tháng 8-2007 tới, Tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc) sẽ khởi công xây dựng nhà máy thép cuộn cán nguội, cán nóng, thép cuộn mạ kẽm và cuộn cứng tại KCN Phú Mỹ II với tổng vốn đầu tư lên đến 1,128 tỉ USD. Đây là dự án được cấp phép đầu tư vào tháng mười một năm ngoái.
Trước Posco, dự án sản xuất thép do Tycoons Steel International - trụ sở tại Thái Lan (một công ty con của Tycoons Group International Co., Đài Loan - Taiwan Steel) làm chủ đầu tư, đặt tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) có tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn xấp xỉ hơn 1 tỉ USD cũng đã được cấp phép vào tháng 9-2006. Tycoons đầu tư một nhà máy luyện cán thép lò cao, công suất khoảng 5 triệu tấn phôi thép/năm.
Ngoài ra, còn có một số dự án đang chờ thẩm định. Như dự án liên doanh cán thép công suất 2 triệu tấn/năm giữa Essar (Ấn Độ) với Tổng công ty Thép VN đặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu, vốn đầu tư khoảng 527 triệu USD; dự án nhà máy luyện nguyên liệu thép inox tại KCN Ông Kèo (Đồng Nai) giữa Sun Steel và E-United Group (Đài Loan) có vốn đầu tư cũng gần 1 tỉ USD; dự án khu liên hợp gang thép Thạch Khê Hà Tĩnh công suất 4,5 triệu tấn/năm. Chưa kể một loạt các nhà máy có qui mô nhỏ khác, mức đầu tư trung bình 30-60 triệu USD cũng sắp sửa khởi công xây dựng tại KCN Phú Mỹ II trong thời gian tới như Công ty TNHH thép Tong Hwei (Đài Loan) đầu tư sản xuất phôi thép; Công ty cổ phần Hoa Sen (100% vốn trong nước) sản xuất thép và vật liệu xây dựng...
Trong khi đó, hàng loạt nhà máy thép đã được “động thổ” trong thời gian trước đây, nay cũng đến kỳ đi vào hoạt động. Tháng 4-2007 vừa qua, Nhà máy thép cán nguội Hoa Sen (thuộc Công ty cổ phần Hoa Sen) đi vào hoạt động tại KCN Sóng Thần 2 (Bình Dương), công suất 180.000 tấn/năm. Tháng 7-2007 tới đây, Nhà máy cán, luyện thép Phú Mỹ, do Công ty Thép Việt (Pomina) đầu tư xây dựng tại KCN Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ chạy thử và đưa vào sản xuất hai tháng sau đó.
Chậm khởi động
Trái ngược với không khí “ồn ào” khi chạy đua để có giấy phép, một số dự án thép lại khởi động chậm chạp. Ngoại trừ Posco vừa được Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và KCN VN (IDICO) giao 130 ha đất tại KCN Phú Mỹ II (Bà Rịa - Vũng Tàu) theo hợp đồng đã ký để có thể kịp khởi công vào tháng tám tới, hầu hết các dự án đã được cấp phép từ năm ngoái đến nay vẫn “án binh bất động”, trong đó có dự án của Tycoons. Theo ông Trần Trung, phó trưởng ban quản lý KCN Dung Quất (Quảng Ngãi), Tycoons chưa thể khởi công trong tháng 5-2007 như dự kiến bởi công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa chưa xong. “Giai đoạn một chúng tôi sẽ giao cho Tycoons 233ha, nhưng hiện nay chỉ mới xong trên 150ha. Đồng thời các bản thiết kế cơ sở liên quan đến máy móc, thiết bị, cầu cảng của Tycoons cũng chưa hoàn tất nên chắc phải qua tháng sáu mới có thể... nói tiếp thế nào”, ông Trung nói.
Chậm chạp hơn cả là dự án trị giá 700 triệu USD của Nhà máy thép Thiên Hưng đầu tư sản xuất thép không gỉ tại KCN Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được cấp giấy phép đầu tư cách đây hai năm nhưng đến nay chỉ dừng lại ở giấy phép. “Vì một số lý do khách quan chủ đầu tư chưa thể thu xếp được về tài chính. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần phải có một khảo sát chi tiết đánh giá lại tác động môi trường nên họ xin được giãn đến tháng 4-2008 mới khởi động lại”, ông Lê Minh Châu, trưởng ban quản lý các KCN Bà Rịa -Vũng Tàu, nói.
Coi chừng... môi trường!
“Nhiều nhà đầu tư vào ngành thép là tích cực nhưng phải xem họ đầu tư sản phẩm gì, công nghệ thế nào, có phù hợp với qui hoạch ngành và tác động thế nào đến môi trường” - ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), nói. Theo ông Nghi, hiện ngành thép VN chủ yếu sản xuất các loại thép xây dựng (thép cuộn và thép cây), trong khi các loại thép kỹ thuật cao (thép dẹt, thép tấm, thép công nghiệp, thép lá...) gần như phải nhập khẩu hoàn toàn.
Tuy nhiên, vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm là công nghệ và thiết bị của các nhà máy mới. “Nếu khâu thẩm định công nghệ và thiết bị đầu tư không kỹ thì VN sẽ phải gánh một hậu quả không lường về môi trường” - ông Nguyễn Mạnh Quân, vụ trưởng Vụ Cơ khí luyện kim và hóa chất (Bộ Công nghiệp), nhấn mạnh. “Đến thời điểm này, số dự án tiếp tục gây băn khoăn về công nghệ cứ... dài dần ra. Sự khác biệt về hiệu quả kinh tế cũng như tác hại đến môi trường rất lớn nếu sử dụng thiết bị đã qua sử dụng”, một chuyên gia ngành thép cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận