![]() |
Phòng 306 khu A, BV Từ Dũ có 44 sản phụ + 44 em bé + 44 ông chồng - Ảnh: T.T.D |
“Hội chứng” Quí Mùi
Bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Thanh, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội, cho biết suốt 23 năm làm công tác quản lý và đỡ đẻ, chưa bao giờ bà có ấn tượng về sự quyết liệt mang đậm tính duy tâm trong việc chọn năm đẻ như năm nay (!).
Bà nói: “Thường thì quí ba mỗi năm là đông người đẻ nhất vì từ chín tháng trước của năm ngoái, vào đúng... mùa cưới, những cặp vợ chồng mới có kế hoạch sinh con luôn. Năm nay thì họ sinh quyết liệt từ đầu năm đến bây giờ”.
Theo bà Thanh, hết quí 3-2003, BV Phụ sản Hà Nội đã tiếp nhận và đỡ cho 10.700 ca, công suất quá tải lên đến 120% trong khi BV chỉ có 250 giường, đã phải kê thêm thành 300 giường để phục vụ; phòng làm việc của y tá, hộ sinh phải tràn ra cả hành lang và được quây lại thành phòng khám để phục vụ những bà mẹ “nặng bụng”.
![]() |
Hành lang khu A trở thành phòng cho các sản phụ và em bé - Ảnh T.T.D. |
Theo ông Chương, thời điểm này công suất giường phục vụ tại BV Phụ sản trung ương đã tăng hơn 130-140% so với năm ngoái, có ngày tăng lên 150%! Nhưng phản ứng của BV với sự quá tải này không hề có sự bất ngờ.
Ông Chương nói: “Mỗi năm BV tiếp nhận thêm trung bình 1.000 ca đẻ. Năm ngoái khoảng 11.000 ca. Năm nay nếu không phải Quí Mùi sẽ là 12.000 ca. Nhưng từ năm ngoái ban giám đốc đã dự đoán năm nay sẽ tăng thêm 2.000 ca vì “năm đẹp”, thành ra cả năm sẽ là 14.000 ca. Mới hết quí 3- 2003, chúng tôi đã “giải ngân” được 8.886 ca theo như dự tính!”.
“Quí tử” chọn... giờ sinh
Nhập vai người sắp được làm. .. bố, tôi hân hoan nhiều hơn lo lắng bước vào “nhà đẻ” BV Phụ sản Hà Nội. Một dãy hành lang dài hun hút ở tầng hai chật kín người nhà bà bầu từ chồng, bố mẹ, anh chị em, thậm chí cả Oshin... châu đầu ngoài song sắt, túc trực và... thúc giục.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện phụ sản Từ Dũ TP.HCM, tổng số ca sinh tại BV trong năm 2002 là 40.644 ca, trung bình một ngày có khoảng 100 - 120 ca sinh. Riêng chín tháng đầu năm 2003, tổng số ca sinh là 32.356 ca (khoảng 120-130 ca sinh/ngày). Thế nhưng chỉ trong 15 ngày đầu của tháng 10-2003 đã có 2.314 ca sinh, trung bình 154 ca/ ngày. Theo BV Từ Dũ, ba tháng cuối năm là khoảng thời gian số ca sinh chiếm cao nhất trong năm. Vì vậy, nếu tính trung bình thì tổng số ca sinh ước tính cả năm 2003 khoảng 44.420 ca. |
C. - một thanh niên Hà Nội 25 tuổi - rút điện thoại di động gọi tới tấp: “Sắp, sắp rồi! Mấy giờ... Giờ Mùi từ 13g-15g? OK! OK!”. Rồi chạy vội ra an ủi vợ, một bà bầu mặt trẻ như SV đang đi học: “Cố... cố... nín em ạ, “thầy” bảo đầu giờ Mùi (13g) đẻ là đẹp nhất. Cố nín... cố nín, ăn gì anh đi mua ngay!”.
Theo BS Thanh, ngoài việc chọn đẻ năm Quí Mùi, năm nay “giờ đẹp” cũng được bà bầu và người nhà đặc biệt lưu ý. BS Thanh nói: “Chọn giờ đẻ nhiều nhất là từ 5g-7g (giờ Mão) và 13g-15g (giờ Mùi) theo thuyết “tam hợp” (Hợi, Mão, Mùi). Giờ Hợi (21g-23g) cũng đẹp nhưng vào ban đêm, sức khỏe người đẻ không được đảm bảo nên họ ít chọn!”.
Theo BS Thanh, việc chọn giờ theo kiểu “nín”, “nhịn” thế này vẫn còn tốt hơn nhiều so với việc bà bầu và người nhà yêu cầu được mổ đẻ đúng “giờ đẹp”.
BS Thanh nói: “Việc mổ đẻ phức tạp và tương đối nguy hiểm, chỉ dành trong trường hợp hãn hữu là người đẻ đã từng phải mổ hoặc họ không có khả năng đẻ tự nhiên. Còn lại những người yêu cầu mổ theo giờ đa phần là đẻ lần đầu, còn khỏe, trẻ nhưng không hiểu biết nhiều về y tế. Chúng tôi đã nói đẻ như vậy sẽ bị non, con yếu nhưng họ cứ đòi”.
Trong tháng chín vừa qua, tại BV Phụ sản Hà Nội có 32 bà bầu độ tuổi... 15 - 19 (!) đã “mẹ tròn con vuông”! BS Thanh nói: “Các cháu còn quá trẻ, nhiều đứa ở độ tuổi học sinh, có cưới xin đàng hoàng và chủ động đẻ năm nay nên cưới gấp. Nhưng hầu hết chẳng rành về y tế, đành rằng một số cháu sinh lý đã phát triển, có sức khỏe để đẻ tự nhiên nhưng cứ đòi đẻ mổ”.
Việc này cũng diễn ra tương tự ở những phụ nữ đã 45 tuổi, độ tuổi không nên sinh con nữa. Cũng trong tháng chín, tại đây có chín phụ nữ đẻ con lần thứ ba đều đã ở tuổi trên 40! Đây là những người có chủ ý sinh con vào năm nay, mặc dù đã quá tuổi, quá giới hạn được sinh thêm con nhưng họ vẫn cố.
Theo BS Thanh, nhiều người chạy đẻ năm Mùi còn do tưởng rằng pháp lệnh dân số mới có chiều hướng “nhẹ tay” với việc sinh con thứ ba. Và một nguyên nhân nữa là tỉ lệ phụ nữ làm ngoài khu vực nhà nước (công ty liên doanh, công ty riêng hoặc làm ăn cá thể) đã tăng nhiều so với các năm trước đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận