Phóng to |
Nhiều cửa hàng kinh doanh sắm loa lớn đặt ngoài đường, mở hết công suất để thu hút khách hàng. Trong ảnh: một cửa hàng với dàn loa “khủng” trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: thuận thắng |
Tiếng ồn đô thị ngày càng vượt khỏi sức chịu đựng của người dân. Trong khi đó các quy định và cơ quan quản lý vẫn chưa mạnh tay với loại ô nhiễm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng này.
Phóng to |
Đường phố thêm ồn khi các cửa hàng dùng loa để thu hút khách hàng - Ảnh: Thuận Thắng |
0g ngày 6-1, chúng tôi có mặt tại gia đình chị Loan trên đường Trần Não (Q.2, TP.HCM). Dù đã quá nửa đêm nhưng gia đình chị vẫn không thể ngủ vì những âm thanh dội qua như sấm rền từ quán bar 125 Club ngay sát vách. Chị Loan bức xúc chỉ chúng tôi xem những viên gạch ốp tường rớt xuống và vài nơi tường nhà bị nứt mà chị cho rằng do âm thanh quá mạnh của quán bar này gây ra.
Một năm nay, quán bar này xuất hiện khiến cuộc sống gia đình chị bị đảo lộn hoàn toàn: “20g30 bar bắt đầu mở nhạc đến 2-3g sáng hôm sau. Tiếng nhạc giật ầm ầm như sấm khiến gia đình tôi không thể ngủ. Khổ nhất là đứa con nhỏ mới 4 tuổi thường xuyên khóc thét lên giữa đêm vì tiếng nhạc dội sang quá lớn...”.
Khắp nơi “tra tấn”!
Theo số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, mức ồn tại sáu trạm quan trắc trong tháng 11-2010 dao động 66-85dB (88% giá trị quan trắc không đạt tiêu chuẩn cho phép). Mức ồn cho phép là dưới 70dB. |
Không khủng khiếp như thế nhưng gia đình anh T.A. ngụ ở đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) ngày ngày phải chịu sự tra tấn của bà hàng xóm. Từ khi nhà bà này sắm một dàn karaoke là hát cả ngày đêm khiến cả xóm mất ăn mất ngủ.
Mỗi khi tiếng hát của bà cất lên là cả con hẻm bị tra tấn. Dù đã đóng cửa kín mít, mở tivi thật to nhưng gia đình anh T.A. vẫn không thoát khỏi âm thanh đó.
Trong hàng loạt đơn thư bạn đọc gửi đến trình bày về việc bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn, có lá thư viết tay dài gần hai trang giấy của cụ Lê Thị Bích Kha, 82 tuổi, ngụ tại tổ 10, khu phố 2, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM. Suốt hai năm nay một số học sinh các trường học nội trú gần đó tụ tập tại con hẻm của tổ chơi đùa rồi la hét inh ỏi, nhất là vào ban đêm, ồn ào đến mức khiến cụ Kha phải đóng cửa, kéo rèm, nhét bông vào tai, thậm chí phải uống thuốc ngủ mới có thể chợp mắt.
Còn các học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong (235 Nguyễn Văn Cừ, quận 5, TP.HCM) suốt mùa thi năm nay phải vừa học bài vừa nghe âm nhạc mở với công suất lớn từ trung tâm thương mại gần trường. Tương tự, những hộ gia đình sống gần các trung tâm thương mại phải chịu trận các loại âm thanh phát ra ở đây, đặc biệt là những đợt lễ hay ra mắt sản phẩm.
Trong khi đó, người dân xung quanh công trình cao ốc 218 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, TP.HCM phải chịu trận tiếng ồn đinh tai nhức óc từ công trường xây dựng này. Điều dễ nhận thấy là các hộ dân ở đây đều đóng cửa im ỉm để giảm tiếng ồn nhưng không ăn thua.
Cô Trần Ngọc Anh - một người dân ở đây - cho biết: “Suốt gần năm qua người dân chúng tôi khốn khổ vì ô nhiễm bụi bặm và tiếng ồn do công trình xây dựng này gây ra. Công trình này hoạt động liên tục từ 7g30-20g, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Điều đáng nói là cứ hai tuần một lần vào ngày thứ bảy công trình hoạt động liên tục từ 7g30-18g tạm ngưng, rồi bắt đầu lại từ 23g30-5g sáng hôm sau. Tiếng ồn mà công trình này gây ra khiến chúng tôi chịu không nổi, nào là tiếng nện ầm ầm khi họ đổ móng trụ, tiếng đập, tiếng máy đóng vang dội cả khu vực. Xây dựng phải đúng giờ đúng giấc để người dân còn nghỉ ngơi chứ”.
Anh Đức ngụ ở đường Phạm Hữu Lầu, phường Phú Mỹ, quận 7 cho biết: “Công ty Kỷ Nguyên xây chung cư ở khu dân cư chúng tôi, công trường hoạt động 24/24 giờ, nhiều đêm xe tải, xe bêtông ra vào bấm còi làm náo động cả khu vực”. Có mặt tại đây chúng tôi chứng kiến một đại công trường đang hoạt động rầm rộ, cảnh xe tải, xe ben ra vào tấp nập. Những âm thanh ầm ầm từ công trường cộng hưởng với tiếng xe cộ qua lại ồn ào kinh khủng.
Mong mất điện
Quá đau đầu và căng thẳng vì tiếng ồn, nhiều người dân đã đâm đơn kiện, nhưng xem ra các vụ kiện đều lâm vào cảnh “con kiến mà kiện củ khoai”.
Nắp cống hành dân Rất nhiều bạn đọc cũng than phiền về việc các nắp cống trên nhiều tuyến đường gây tiếng kêu lớn mỗi khi xe cộ đi qua. Tại ngã ba Trương Định - Phạm Hồng Thái (phường Bến Thành, quận 1), một nắp cống bằng kim loại phát ra tiếng kêu ầm ầm mỗi khi có xe bốn bánh chạy qua. Người dân ở đây cho biết cảnh tượng này diễn ra gần một năm nay nhưng không ai xử lý. Nhiều người đi đường đã bị giật mình và té xe vì tiếng động phát ra từ nắp cống này. Theo ghi nhận của chúng tôi, khắp các tuyến đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đăng Lưu, Lê Quang Định, Điện Biên Phủ... đều có những nắp cống phát ra tiếng kêu lớn như thế, dập rầm rầm mỗi khi ôtô chạy qua. |
Điển hình là trường hợp của bà Thái Thị Phi Hồng (hẻm 208 Bà Hom, phường 13, quận 6, TP.HCM). Suốt sáu năm qua từ khi chuyển về sống tại con hẻm này gia đình bà bị tra tấn bởi tiếng ồn từ các xưởng cơ khí, xưởng sản xuất ngay sát vách. “Mỗi ngày tiếng ồn làm tôi khổ sở, giận dữ, bức xúc trong người mà không sao có thể chấm dứt. Đầu tôi đau nhức, tai tôi căng lên vì những tiếng máy mài sắt, tiếng cưa, tiếng đục, tiếng nện từ các xưởng sản xuất này...” - bà Hồng kể.
Hằng ngày, cả gia đình bà Hồng chỉ mong mất điện hay bất cứ lý do nào để xưởng nghỉ làm, gia đình có được giây phút yên tĩnh. Năm 2007 bà Hồng bắt đầu ra phường gửi đơn kiện. Từ đó đến nay gần bốn năm trời bà vẫn miệt mài với những lá đơn kiện nhưng rồi đâu lại vào đấy: “Sau khi tôi gửi đơn kiện thì xưởng sản xuất tạm ngưng một hai tháng rồi lại tiếp tục làm. Đã bốn năm trời đi thưa kiện nhưng giờ tôi cũng không biết phải thưa ai nữa. Vợ chồng tôi đang tính kế chuyển nhà”.
Vì không tìm ra lối thoát nên nhiều người phải tìm cách chạy trốn tiếng ồn. Tại khu cà phê nhạc mạnh trên đường Vũ Huy Tấn, phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM do hàng chục quán đua nhau dập nhạc liên tục từ 7g-13g và từ 21g-23g nên nhiều gia đình ở đây đã cho các công ty thuê lại nhà tìm chỗ khác ở lánh nạn, nhiều nhà ở lại thì lắp cửa kính và chuyển lên ở trên lầu để cho thuê phần dưới.
Chủ số nhà 18M cho biết chị buộc phải đăng gấp biển cho thuê nhà vì: “Ban đầu tôi cố gắng chịu đựng tiếng ồn từ các quán cà phê này, nay cầu Hoàng Hoa Thám làm xong có rất nhiều thanh niên buổi tối tụ tập đua xe, nẹt pô ầm ĩ khiến tôi chịu không nổi nữa. Ngồi trong nhà mà như muốn thủng cả màng nhĩ, ra đường đi bộ thể dục thì tiếng nẹt pô làm tôi muốn rớt tim. Giờ gia đình tôi phải tìm chỗ ở khác chứ không sống nổi nơi đây nữa”.
Trong khi đó, Trường THCS Phạm Hữu Lầu (phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM) phải di chuyển qua một cơ sở khác để học sinh lánh nạn tiếng ồn từ công trình của dự án khu dân cư Kỷ Nguyên. Cô giáo Trương Thị Thu Phương cho biết: “Để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho học sinh cũng như giáo viên nên trường phải chuyển qua cơ sở này”.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo nghị định 117 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Chính phủ ban hành ngày 31-12-2009, vi phạm các quy định về tiếng ồn sẽ bị xử phạt 2.000.000-100.000.000 đồng và có thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, nghị định này hầu như ít thấy được thực hiện.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn (hiệu trưởng Trường cao đẳng Tài nguyên và môi trường TP.HCM), người đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về vấn đề ô nhiễm tiếng ồn tại TP.HCM, cho rằng: “Vấn đề ô nhiễm tiếng ồn tại TP.HCM rất đáng báo động. Ô nhiễm tiếng ồn ở nhóm giao thông luôn vượt xa mức cho phép, kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Tiếng ồn tác động mạnh ở khu tiểu thủ công nghiệp vì các khu này nằm trong khu dân cư và thường không có khoảng cách cách ly cần thiết. Tuy nhiên, luật pháp và các quy định của chúng ta chưa đủ chi tiết để giám sát được ô nhiễm tiếng ồn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Huy - phó trưởng phòng quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường), nói: “Chi cục Bảo vệ môi trường chỉ là đơn vị sự nghiệp chứ không phải là đơn vị quản lý. Việc xử lý các đối tượng vi phạm sẽ do Sở Tài nguyên - môi trường và UBND phường, quận thực hiện chứ chi cục không có quyền hạn”.
Thế nhưng, ông Nguyễn Phước Hưng - phó chủ tịch phụ trách đô thị quận 2 - cho biết: “Phòng tài nguyên - môi trường của các quận huyện gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề chuyên môn, máy móc đo đạc và cả quân số nên khó xử lý”. Còn phía phòng quản lý môi trường Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM cho rằng mức xử phạt mà nghị định 117 đưa ra là đủ răn đe nhưng thiếu sự tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm.
Và vì thế, người dân đô thị ở TP.HCM tiếp tục phải chịu đựng tiếng ồn.
Khởi tố vụ án giết người vì tiếng nhạc Thượng tá Đoàn Xuân Trường - trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Sóc Trăng - vừa cho biết đã hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Công Thành (37 tuổi) về tội giết người. Ông Đào Văn Hải thuê căn nhà số 95 Hùng Vương (khóm 1, phường 6, TP Sóc Trăng) để kinh doanh quần áo may sẵn thời trang trẻ, có mở nhạc âm lượng lớn, ảnh hưởng các hộ xung quanh, bị chính quyền địa phương nhiều lần nhắc nhở nhưng không khắc phục. Sáng 30-12-2010, gia đình ông Võ Công Huẩn cùng vợ, con, cháu và dâu kéo qua yêu cầu ông Hải chỉnh nhạc nhỏ nhưng ông Hải không đồng ý, hai bên cự cãi. Võ Công Thành, con trai ông Huẩn, dùng dao đâm ông Hải ngã quỵ và tử vong trên đường đến bệnh viện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận