Tuy nhiên, do lo sợ nên mẹ cháu đã xin bác sĩ cho cháu được nhập viện điều trị. Trong hai ngày đầu điều trị tại khoa nhiễm, các bác sĩ chỉ cho uống thuốc thông thường. Đến sáng ngày thứ ba thì cháu tôi sốt cao, trở nặng nên bác sĩ trực đã khám lại và cho truyền thuốc Globulin 50ml. Khi truyền đến lọ thứ năm thì hết thuốc khoảng năm phút là cháu tôi tử vong.
Gia đình chúng tôi rất bức xúc trước cái chết của cháu. Tại sao cháu tôi bệnh như vậy mà lúc đầu bác sĩ không cho nhập viện theo dõi? Trong quá trình điều trị, các bác sĩ cũng không tích cực. Ngoài ra, chúng tôi nghi ngờ cháu tôi chết do bị sốc thuốc.
PHAN THỊ NGỌC HÀ (TP Cần Thơ)
Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn (giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ) trả lời:
Bé Huỳnh Chấn Khang được khám và nhập viện tại khoa nhiễm với chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ I, tình trạng lúc nhập viện tỉnh, môi hồng, nổi hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, chân, thở đều, phổi không ran (bệnh tay chân miệng độ I thường theo dõi ngoại trú). Sau đó, bác sĩ khám lại, cho làm xét nghiệm và kết quả bé bị enterovirus 71 dương tính nên bác sĩ cho toa thuốc điều trị và theo dõi chuyển độ. Trong quá trình điều trị, bệnh của bé chuyển độ IIa, bé giật mình lúc ngủ, sốt cao, bác sĩ xử trí thêm thuốc an thần và hạ sốt.
Đến ngày điều trị thứ ba, bệnh nhân đột ngột chuyển độ nặng, được chuyển vào khoa hồi sức tăng cường và chống độc trong tình trạng lừ đừ, môi tái, có cơn ngưng thở..., bác sĩ chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ IV. Bệnh nhân được chỉ định thở máy, chống co giật bằng các thuốc Doutamin, Gama-Globulin. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày bệnh bé diễn biến nặng hơn, mê sâu và sốt cao liên tục, tim nhanh, sau đó ngưng tim và mạch không bắt được. Các bác sĩ đã hồi sức tích cực nhưng vô hiệu và bé tử vong.
Về quy trình chuyên môn, bé đã được điều trị và chăm sóc đúng theo phác đồ quy định của bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của bệnh tay chân miệng, nhiều trường hợp quá trình chuyển độ hoặc sốc diễn biến nhanh, phức tạp. Đặc biệt với enterovirus 71 thường xảy ra biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Có thể trong quá trình điều trị tại bệnh viện, người nhà chưa được các bác sĩ giải thích đầy đủ nên dẫn đến hiểu lầm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận