24/06/2008 13:01 GMT+7

Châu Á trỗi dậy

(Trích lược giới thiệu chương 2 lý giải sự trỗi dậy của châu Á phát xuất từ việc học tập và vận dụng sáng tạo những thành tựu củ
(Trích lược giới thiệu chương 2 lý giải sự trỗi dậy của châu Á phát xuất từ việc học tập và vận dụng sáng tạo những thành tựu củ

TTCT - Vào những năm 1860, một nhóm nhà cải cách thời Minh Trị - những người đã quyết tâm cứu nước Nhật thoát khỏi ách đô hộ của phương Tây, một số phận đã nhận chìm đa số các nước châu Á vào thời kỳ ấy - tìm đến các quốc gia hàng đầu của phương Tây để học những thành tựu đã giúp phương Tây phát triển vượt bậc.

Trong 200 năm, châu Á - từ Tehran đến Tokyo, từ Mumbai đến Thượng Hải - đã là một người khách đứng bên lề lịch sử thế giới, buông giáp đầu hàng trước làn sóng tràn ngập của phương Tây về thương mại, tư tưởng và quyền lực. Thời kỳ ấy đã kết thúc. Châu Á nay đang trở lại vị thế trung tâm từng nắm giữ trong 18 thế kỷ qua trước khi có sự trỗi dậy của phương Tây...

Các nước châu Á đã tiếp thu những thành tựu tốt đẹp nhất thuộc nhiều lĩnh vực của phương Tây, từ kinh tế thị trường đến khoa học và công nghệ hiện đại, hệ thống pháp luật... Và họ sáng tạo và tạo ra được những mô thức hợp tác mới mà chính phương Tây cũng không hẳn có được. Sự trỗi dậy của châu Á là không thể ngăn cản nổi và vào năm 2050, ba trong số những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới sẽ thuộc châu Á: Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Liệu phương Tây sẽ kháng cự lại sự trỗi dậy của châu Á? Kịch bản này sẽ rất khủng khiếp. Châu Á muốn biến đổi chứ không muốn thống trị phương Tây. Nhưng phương Tây phải chia sẻ quyền lực với châu Á bằng cách từ bỏ thói tự mình thống trị mọi tổ chức toàn cầu từ Quĩ Tiền tệ quốc tế đến Ngân hàng Thế giới, từ G7 đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc...

Nếu phương Tây nhìn nhận sự trỗi dậy của châu Á và chia sẻ quyền lực, các thế lực mới của châu Á sẽ trở thành những “cổ đông” có trách nhiệm trong một trật tự thế giới ổn định. Họ sẽ cất khỏi đôi vai nặng trĩu của phương Tây nhiều gánh nặng toàn cầu. Thế nhưng, một viễn ảnh tích cực tương tự không là điều tất yếu xảy ra. Lịch sử đã dạy chúng ta rằng sự trỗi dậy của những thế lực mới hầu như luôn dẫn đến căng thẳng và xung đột.

Cuốn sách The New Asian Hemisphere - The irresistible shift of global power to the East” (Bán cầu châu Á mới - Sự chuyển giao quyền lực toàn cầu cho phương Đông không sao ngăn cản nổi) của Kishore Mahbubani giải thích tại sao các nước phương Tây cần phải bước ra khỏi “vùng êm ấm” của mình, và chuẩn bị những lộ trình tư tưởng mới để hiểu sự trỗi dậy của châu Á. Nói ngắn gọn, cuốn sách là một cẩm nang hướng dẫn cần thiết để hiểu các lực lượng đang hình thành một thế kỷ châu Á mới.

a8zrQXTp.jpgPhóng to
Tượng đài Giấc mơ đô thị, Hong Kong, Trung Quốc

Là những học trò xuất sắc, người Nhật - cũng như bốn con rồng châu Á một thế kỷ sau đó và như Trung Quốc, Ấn Độ trong hai thập niên qua - đã nhận thấy ít nhất có bảy lĩnh vực, bảy trụ cột của phương Tây có thể tác động một cách thần kỳ đến xã hội của họ.

Kinh tế thị trường

Trong cuốn sách của mình, Kishore Mahbubani kể: “Tôi đã đến Bắc Kinh năm 1980 không lâu sau khi Đặng Tiểu Bình đưa ra chương trình “Bốn hiện đại hóa” (hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp, khoa học - công nghệ và quân sự). Tuy nhiên, dáng dấp và bối cảnh xã hội Trung Quốc vẫn chưa có gì thay đổi như có thể cho thấy qua chuyện nhỏ của tôi ở Bắc Kinh. Chuyện thứ nhất là hớt tóc. Tôi rất ngạc nhiên khi người thợ hớt tóc dành rất nhiều thời gian để o bế cái đầu của tôi (ông ta làm quá tốt công việc của mình). Do chưa hề trải qua một chuyện tương tự như thế trước đây, tôi bèn hỏi ông ta sao lại cắt lâu như vậy. Ông ta trả lời rằng liệu có được gì hơn nếu như ông ta hớt 10 hay 20 cái đầu một ngày? Năng suất nhiều hơn mà cũng chỉ được một “bát cơm sắt”.

Chuyện thứ hai là gọi taxi. Phía ngoài khách sạn của tôi có đến 10 chiếc taxi và 10 tài xế đang đậu chờ khách. Khi tôi gọi, cả 10 bác tài đều thoái thác nói rằng chưa đến phiên mình. Họ chẳng vội chạy bởi nếu có chạy 10 hay 20 chuyến đi nữa thì họ cũng chỉ nhận được một số tiền như nhau. Họ đều có những bát cơm sắt.

Trung Quốc là một phòng thí nghiệm sống tốt nhất để nghiên cứu tác động của những nguyên lý kinh tế thị trường. Nhiều người đã nghe nói đến sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc, nhưng ít ai hiện nay hiểu được tốc độ tăng trưởng bùng nổ của kinh tế Trung Quốc là như thế nào.

So sánh giữa Singapore và Thâm Quyến có thể cho thấy phần nào qui mô tăng trưởng mà Trung Quốc có khả năng đạt đến là như thế nào. Singapore nổi tiếng là một trong những câu chuyện thành công kinh tế lớn của thế giới, một trong số bốn “con rồng kinh tế” của Đông Á. Trong 30 năm đầu tiên của thời kỳ độc lập (1965-1995), Singapore đã tăng trưởng nhanh với tốc độ bình quân hằng năm là 8,6%. Tổng thu nhập nội địa của Singapore (GNI) đã tăng từ 1 tỉ USD lên 86 tỉ USD trong cùng một giai đoạn.

rAkqmK5y.jpgPhóng to
Kishore Mahbubani là hiệu trưởng Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Trường đại học Quốc gia Singapore. Là một nhà ngoại giao nổi tiếng từng là đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc, ông là tác giả của nhiều cuốn sách như Can Asians Think? Beyond the Age of Innocence... Năm 2005, tạp chí Foreign Policy đã đưa ông vào danh sách 100 nhà trí thức hàng đầu của thế giới.

Trong lúc đó, Thâm Quyến còn là một làng chài nằm ngủ vùi khi Đặng Tiểu Bình phát động cuộc cải cách kinh tế vào năm 1979. Tuy nhiên, nó có may mắn là nằm cạnh Hong Kong. Năm 1980, khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố Thâm Quyến phải trở thành một trong những đặc khu kinh tế hàng đầu của Trung Quốc thì kinh tế của nó đã phát triển như vũ bão. Từ 1980-2005, dân số của Thâm Quyến đã tăng từ 30.000 lên 11 triệu. Còn theo Hãng tư vấn Enright, Scott & Associates có trụ sở tại Hong Kong, kinh tế Thâm Quyến đã tăng trưởng theo tốc độ bình quân là 28% năm suốt từ 1980-2004 và tăng vọt từ 32,5 triệu USD năm 1980 lên 41 tỉ USD vào năm 2004. Xuất khẩu từ Thâm Quyến đạt mức 101,5 tỉ USD vào năm 2005, chiếm 13% tổng xuất khẩu của Trung Quốc.

Thâm Quyến hiện là cảng container bận rộn đứng vào hàng thứ tư thế giới và là sân bay lớn thứ tư của Trung Quốc. Nói chung, kinh tế Thâm Quyến đã tăng 126 lần, một con số tăng trưởng lớn hơn nhiều lần so với Singapore vốn đã là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Điều mà những con số này không “nói” được chính là sự biến đổi đã diễn ra trong suy nghĩ của con người, khi họ như sờ mó được một sự tăng trưởng nhanh đến như thế. Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, người nông dân được thoát khỏi cuộc sống “bán lưng cho trời bán mặt cho đất” triền miên. Không có gì có sức giải phóng tư duy mạnh mẽ bằng hiện thực nhãn tiền là cuối cùng họ đã có được niềm hi vọng đổi đời.

Tác động bùng nổ của việc Trung Quốc vận dụng kinh tế thị trường là không có gì đáng sửng sốt. Tất cả các nền kinh tế châu Á được vận hành theo kinh tế thị trường đều có được một sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục tương tự. Hầu hết mọi đánh giá về những mặt được của kinh tế thị trường đều tập trung nêu lên đó là tính hiệu quả. Rõ ràng các nước vận dụng kinh tế thị trường đều ghi nhận một sự tăng năng suất mạnh mẽ.

Thế nhưng, lợi ích thật sự của việc vận dụng kinh tế thị trường là làm giảm tình trạng nghèo đói. Hàng trăm triệu người dân châu Á đã được hưởng lợi từ kết quả này. Báo cáo “Global Economic Prospects: Managing the Next Wave of Globalization” (Những dự báo kinh tế toàn cầu: điều hành làn sóng toàn cầu hóa mới) năm 2007 của Ngân hàng Thế giới ghi nhận từ 1981-2001 số người cực nghèo đã giảm đầy ấn tượng ở Đông Á (chỉ riêng ở Trung Quốc là 400 triệu người).

Qua thời gian chúng ta có lẽ nhận ra rằng những nguyên lý của Adam Smith đã có một tác động cách mạng đến tư duy của người châu Á. Smith nêu rõ: khi được tự do bán sức lao động hay đầu tư vốn của mình, thì mỗi người là một động lực thúc đẩy sự tăng trưởng. Một thay đổi như thế hẳn diễn ra không phải từ trên xuống mà là từ dưới lên.

Khoa học và công nghệ

SfI8Fhb2.jpgPhóng to
Vịnh Marina, Singapore
Một sự giải phóng tư duy tương tự mới có thể giải thích vì sao người châu Á lại nhiệt tình tiếp thu và thực hiện đầy sáng tạo lớn lao trụ cột thứ hai của phương Tây: khoa học và công nghệ. Richard Smalley, giải Nobel hóa học, gần đây đã dự đoán vào khoảng năm 2010, 90% số người làm luận án tiến sĩ sẽ là người châu Á.

Cũng theo báo Time, Mỹ, tháng 10-2006, các nước châu Á đã tăng mạnh ngân sách nhà nước dành cho khoa học: từ 1995-2005, Trung Quốc đã tăng gấp đôi tỉ trọng GDP đầu tư cho nghiên cứu và phát triển từ 0,6% lên 1,3%, trong khi Hàn Quốc là từ 9,8 tỉ USD năm 1994 lên 19,4% tỉ USD năm 2004. Dòng tiền đầu tư ấy đã thu hút đến châu Á nhiều nhà nghiên cứu phương Tây, nơi mà ngân sách dành cho khoa học bị ngưng trệ, thậm chí ở một số nước bị teo tóp lại. Cú hích này đã mang lại những kết quả cho các nền kinh tế đang phát triển của châu Á: phần sản phẩm xuất khẩu công nghệ cao của các nước châu Á đã tăng từ 7% năm 1980 lên 25% năm 2001, trong khi phần của Mỹ lại giảm từ 31% xuống còn 18% (theo Tổ chức Khoa học quốc gia Mỹ). Cùng lúc, phần các bài báo khoa học được công bố đã tăng từ 16% năm 1980 lên 25% năm 2004.

Sự bùng nổ nghiên cứu khoa học và công nghệ này của châu Á là kết quả của những quyết định sáng suốt được đưa ra từ nhiều thập niên trước. Thủ tướng Jawaharlal Nehru, nhà lãnh đạo xuất chúng và thu hút của Ấn Độ, đã cho thành lập viện công nghệ đầu tiên của Ấn Độ (IIT) tại Kharagpur gần Calcutta vào năm 1951. Sáu IIT cũng đã được thành lập sau đó ở Mumbai, Chennai, Kanpur, New Dehli, Guwahati và Rourkee.

Tất nhiên, nguồn chất xám tài năng và được đào tạo này đã bị hút bởi những cơ sở giàu có tại Mỹ và châu Âu. Vào những năm 1980 có một chuyện vui kể rằng các sinh viên IIT đều một chân đặt trên đất Ấn, còn một chân lơ lửng đặt trên Air India.

Nhìn bề ngoài đây là một thất thoát cho Ấn Độ. Rất may là có nhiều tiếng nói, trong đó có tiếng nói của một người mà sau này sẽ trở thành Thủ tướng Rajiv Gandhi khi ông nói rằng: “Thà chảy máu chất xám còn hơn là lãng phí chất xám”. Sự thành công của các IIT và những sinh viên Ấn tốt nghiệp tại Mỹ, đặc biệt tại Silicon Valley, đã mang lại hai lợi ích khổng lồ cho Ấn Độ. Thứ nhất, nó thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa tự tin cho một đất nước từng là thuộc địa của Anh trong nhiều thế kỷ. Thứ hai, rất nhiều người Ấn thành đạt tại các nước phương Tây nay bắt đầu một dòng chất xám chảy ngược về Ấn Độ. Khi trở về, giàu có cả vật chất lẫn kinh nghiệm, họ góp phần to lớn vào sự phát triển của Ấn Độ. Jagdish Bhagwati, một nhà kinh tế nổi tiếng của Ấn Độ, hiện giảng dạy tại Trường đại học Columbia, nói: “Những người hồi hương thường hoạt động như con ngựa thành Troy, lobby nhân danh bạn. Họ tận dụng những cơ hội bên ngoài để thành công ở rất nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Và họ có thể mang kiến thức cùng vốn liếng của mình về giúp đất nước cất cánh kinh tế”.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho biết nguồn tiền chuyển về nước của kiều dân Ấn đã tăng hơn gấp đôi kể từ 1995; năm 2005 là 22 tỉ USD (kế tiếp là Trung Quốc với khoảng 21 tỉ USD). Hơn một thập niên qua, số tiền kiều dân Ấn chuyển về nước là 154 tỉ USD. Một báo cáo năm 2006 của J.P Morgan cho biết cộng đồng Ấn kiều đang trở thành một chất xúc tác mạnh mẽ trong việc giúp Ấn Độ thực hiện khát vọng tiến tới tốc độ tăng trưởng GDP 10% năm.

Cộng đồng Ấn kiều này cũng không ngừng tập trung vào việc giúp đất nước mình viết lên một câu chuyện thành công về kinh tế. Apurv Bagri, chủ tịch Hội Doanh nhân Ấn (TiE) - một mạng lưới toàn cầu bao gồm 12.000 doanh nghiệp Ấn Độ, nói: Mười năm trước quan tâm tập trung của các thành viên TiE là “làm thế nào để đến được Silicon Valley?”, nay thì lại nói rằng “làm thế nào để hội nhập với Ấn Độ?”.

Những thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có lẽ còn to lớn hơn của Ấn Độ. Theo báo Time, Trung Quốc có hơn 30.000 tiến sĩ vào năm 2003, tăng so với 12.000 vào năm 2001. Cả nước cũng có 200.000 kỹ sư tốt nghiệp vào năm 2004. Những chính sách khuyến khích của chính phủ đã lôi kéo một đạo quân khoa học Hoa kiều về nước. Trung Quốc đã trải thảm đỏ chào đón 200.000 Hoa kiều trở về và họ hiện chiếm một tỉ lệ đáng ngạc nhiên lên đến 81% số thành viên của Viện Khoa học Trung Quốc. Làn sóng chất xám quay về này đã thúc đẩy nền khoa học Trung Quốc chuyển động nhanh và mạnh.

Mỗi bước tiến của các nước châu Á trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ tùy thuộc vào nhóm các nhà nghiên cứu trình độ PhD có được. Rõ ràng là châu Á đang phát triển lợi thế quyết định này. Theo Ngân hàng Thế giới, số sinh viên châu Á đậu tiến sĩ khoa học và kỹ thuật (S&E) tại Mỹ đã tăng lên đáng kể. Từ 1983-2003, sinh viên Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và Hàn Quốc chiếm hơn một nửa số tiến sĩ S&E tại Mỹ so với toàn bộ sinh viên nước ngoài - 89.700 trên tổng số 176.000, gần gấp bốn lần so với số sinh viên của châu Âu (23.000).

Riêng sinh viên Trung Quốc là 35.300, chủ yếu là trong sinh học, vật lý và kỹ thuật. Từ 1993-2003, số sinh viên Đài Loan giành được bằng tiến sĩ S&E tại Mỹ là hơn 19.700, chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật, sinh học và vật lý. Cùng thời gian này, số sinh viên Ấn giành được hơn 17.500 bằng tiến sĩ S&E tại các trường đại học Mỹ, kế tiếp là Hàn Quốc với 17.300.

Trọng dụng nhân tài

Nguyên lý này đơn giản đến ngạc nhiên. Nó cho rằng khi mỗi cá nhân trong xã hội là một nguồn lực tiềm năng thì tất cả đều phải có một cơ hội đồng đều (càng đồng đều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu) để phát triển và đóng góp cho xã hội. Không một tài năng nào bị bỏ quên. Mọi tổ chức thành công đều là những tổ chức đã biết vận dụng nghiêm túc nguyên lý trọng dụng nhân tài này.

Cách đơn giản nhất để hiểu lợi ích của nguyên lý này là tự trả lời câu hỏi: vì sao Brazil là một siêu cường bóng đá hàng đầu thế giới song lại là một cường quốc kinh tế trung bình? Câu trả lời là: khi tìm kiếm tài năng bóng đá, Brazil đã lùng sục vào mọi tầng lớp xã hội, từ các tầng lớp bên trên cho đến tầng lớp nghèo khổ trong các khu ổ chuột. Một đứa trẻ từ tận cùng xã hội cũng sẽ không bị phân biệt nếu đó là một tài năng bóng đá. Thế nhưng, trong lĩnh vực kinh tế, Brazil lại tìm kiếm tài năng trên một mặt bằng dân cư hạn hẹp hơn từ những tầng lớp thượng lưu và trung lưu.

Từ nhiều thế kỷ qua, các xã hội châu Á đã né tránh việc trọng dụng nhân tài. Những định kiến phong kiến vốn đã bị phá bỏ từng bước tại châu Âu sau cuộc cách mạng công nghiệp lại vẫn tồn tại dai dẳng ở châu Á. Tại Ấn Độ chẳng hạn, thật không thể hình dung một đứa bé thuộc đẳng cấp nghèo khổ lại có thể mơ ước một nền giáo dục hiện đại và nắm giữ một vai trò hàng đầu trong xã hội. Hậu quả là hàng triệu bộ não có chất lượng đã không được sử dụng trong nền chính trị Ấn.

Người đầu tiên phá bỏ định kiến đối với những người nghèo khổ để vượt lên đẳng cấp của mình là tiến sĩ Bhimrao Ambedkar. Nhưng đằng sau tấm gương thành công của ông là một câu chuyện khác: xã hội nhìn nhận con người như thế nào? Người nghèo là một gánh nặng hay là một nguồn lực giàu tiềm năng đang chờ được đánh thức? Sự chuyển đổi theo quan điểm tiến bộ đang giải thích sự vững bước đi lên của Ấn Độ.

Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng nguồn nhân lực từ tầng lớp thấp của xã hội trước cả Ấn Độ. Khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc cách mạng kinh tế với việc đưa kinh tế thị trường vào vận hành, một trong những nguyên nhân giải thích vì sao Trung Quốc lại có thể cất cánh nhanh chóng đến mức như thế thì đó là do cuộc cách mạng xã hội mà Mao Trạch Đông đưa ra trước đó: phá bỏ những rào cản giai cấp để tiến lên. Người dân Trung Quốc ở mọi tầng lớp xã hội đều mong muốn và được thôi thúc để tiến lên phía trước.

Nguyên lý trọng dụng nhân tài là một phát minh chủ yếu của phương Tây cho dù có ý kiến cho rằng Trung Quốc đã làm điều này trước phương Tây. Các hoàng đế Trung Hoa xưa đã mở các cuộc thi tuyển người tài ra làm quan. Nhưng nguyên lý này được thực hiện một cách triệt để nhất là ở các tổ chức phương Tây như Trường đại học Harvard hay các tổ chức kinh tế như McKinsey & Company, Shell hay General Electric, ở đó chỉ những ai giỏi nhất và xuất sắc nhất mới được tuyển chọn để đảm nhận các vị trí then chốt. Trong lĩnh vực điều hành quốc gia, Trung Quốc đang vận dụng nguyên lý này một cách triệt để xem ra hơn cả các xã hội phương Tây hiện nay.

Nhà cải cách mạnh mẽ nhất của Trung Quốc sau Đặng Tiểu Bình có lẽ là Chu Dung Cơ. Đề cập một cuộc cải cách trong hệ thống tổ chức và nhân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông nói: “Chúng ta cần kiên quyết từ bỏ hệ thống đề bạt theo kiểu người tốt là người được cho là tốt thậm chí cho dù anh ta chẳng tốt gì; còn người xấu là người được cho là xấu trong khi anh ta không phải như vậy theo đánh giá của các tầng lớp quần chúng”.

(Trích lược giới thiệu chương 2 lý giải sự trỗi dậy của châu Á phát xuất từ việc học tập và vận dụng sáng tạo những thành tựu củ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên