Phóng to |
- Ngày 18-3 vừa qua (trước ngày bầu cử 65 ngày) là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ của những người ứng cử và tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Riêng khối trung ương đã giới thiệu được 183 đại biểu ứng cử, còn khối địa phương hiện chúng tôi chưa tổng hợp lại nhưng số liệu chung có khoảng 600-700 ứng cử viên trên phạm vi cả nước.
Đến ngày 23-3 (trước ngày bầu cử 60 ngày) đã diễn ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội để gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, bước này đang được thực hiện.
Ngày 2-4 (trước ngày bầu cử 50 ngày), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ căn cứ vào kết quả của hội nghị hiệp thương lần hai để điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương.
* Như vậy, cùng với quá trình hiệp thương, danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở trung ương và địa phương còn có sự điều chỉnh?
- Dự kiến từ ngày 13 đến 17-4 sẽ diễn ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử. Khi đã lập danh sách chính thức thì những người không đủ điều kiện, không đủ những tiêu chuẩn nhất định sẽ được ủy ban MTTQ các cấp đưa ra khỏi danh sách hiệp thương.
* Ông có nhận xét gì về những người ứng cử đại biểu Quốc hội lần này?
- Nhìn chung ở trung ương cũng như địa phương đều cho thấy chất lượng đại biểu ứng cử lần này so với lần trước có thể nói được tập trung hơn, nhiều người có trình độ học vấn, có thâm niên công tác.
* Đó là nhận xét về những người được giới thiệu ứng cử hay cả những người tự ứng cử?
- Nói chung chất lượng đều tốt, cả khối được giới thiệu ứng cử cũng như tự ứng cử.
* Thưa ông, những người tự ứng cử sẽ được tạo điều kiện để thực hiện quyền công dân như thế nào?
- Về mặt luật định cũng như trong hướng dẫn của Ủy ban trung ương MTTQ VN đều tạo điều kiện tốt cả cho những người được giới thiệu và những người tự ứng cử.
* Nhưng thực tế những người tự ứng cử có rất ít cơ hội trúng cử, ví dụ Quốc hội khóa XII có rất nhiều người tự ứng cử nhưng trong số đó chỉ có một người trúng cử?
- Người tự ứng cử trúng cử nhiều hay ít là do sự tín nhiệm của nhân dân. Ngay Quốc hội khóa XII chúng ta bầu thiếu bảy đại biểu so với dự kiến, điều này cho thấy không những người tự ứng cử trượt mà những người do các cơ quan giới thiệu cũng trượt. Nếu những người tự ứng cử mà được nhân dân tín nhiệm, anh có đóng góp tốt và đủ tiêu chuẩn, chắc chắn nhân dân sẽ bầu, đây là việc bình thường.
* Trong quá trình bầu cử, nếu có đơn thư tố cáo đối với ứng cử viên là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý thì sao?
- Khi hiệp thương chính thức qua vòng hai, tức là đã có danh sách sơ bộ những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu xuất hiện đơn thư tố cáo thì giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đối với cán bộ diện trung ương quản lý, hội đồng bầu cử sẽ phối hợp với cấp quản lý cán bộ đó để xử lý; còn đối với các đại biểu khác, cơ quan nào quản lý thì cơ quan đó sẽ xem xét để xử lý.
* Hiện đã có đơn thư tố cáo đối với ứng cử viên nào chưa?
- Đến nay, về mặt chính thức chưa có. Những cái này có thể bộc lộ từ khi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.
* Trong quá trình tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, nhiều ý kiến cho rằng số lượng đại biểu thuộc cơ quan hành pháp tham gia Quốc hội cần được điều chỉnh cho hợp lý...
- Trong tình hình hiện nay, bố trí khối đại biểu của Chính phủ khoảng 20 người trong cơ cấu chung 500 đại biểu Quốc hội là hợp lý. Những người này chủ yếu lãnh đạo Chính phủ gồm có Thủ tướng, phó thủ tướng rồi lãnh đạo các bộ ngành, nghĩa là những người chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực mà mình phụ trách.
Khi các thành viên Chính phủ tham gia Quốc hội là đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện nghĩa vụ của một đại biểu Quốc hội, góp phần làm cho những quyết định của Quốc hội đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với thực tiễn hơn, đảm bảo việc điều hành có hiệu lực, hiệu quả hơn.
* So với Quốc hội khóa XI thì Quốc hội khóa XII chỉ có 138 người tái cử (chiếm 28%). Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy tỉ lệ hợp lý giữa các đại biểu tái cử và các đại biểu mới được bầu nên là 2/3, chứ không phải chưa đầy 1/3 như vừa qua?
- Tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách hiện mới ở mức 30-33% trong tổng số đại biểu Quốc hội, khoảng 150-165 người, trong số này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cố gắng đảm bảo trung bình 40-60% đại biểu còn đủ tuổi tái cử, như vậy trong số các đại biểu chuyên trách sẽ có khoảng 70-80 người tái cử được.
Còn các đại biểu kiêm nhiệm, số có thể tái cử chiếm khoảng 1/3. Tính chung toàn thể Quốc hội nếu tái cử được 40% thì tốt, phấn đấu với tinh thần như vậy.
* Có những đại biểu Quốc hội vừa qua hoạt động nổi bật, được đông đảo cử tri nhớ đến, nhưng nay không tiếp tục ứng cử nữa?
- Đại biểu Quốc hội chuyên trách phải theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức, nếu anh đã là cán bộ, công chức của Nhà nước thì anh phải hoạt động theo tuổi, cơ bản đến tuổi thì nghỉ hưu. Nghị sĩ các nước không hoạt động theo tuổi mà hoạt động theo nhu cầu và năng lực cụ thể. Ở nước ta, hoạt động của các hội nghề nghiệp trong tổ chức MTTQ không khống chế tuổi, do vậy các thành viên MTTQ có thể 60-70 tuổi nếu sức khỏe tốt, trí tuệ tốt và được nhân dân tín nhiệm vẫn có thể tham gia ứng cử bình thường.
1.088 người ứng cử đại biểu Quốc hội TP.HCM - Ngày 27-3, phát biểu tại giao ban công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 khu vực phía Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn nhấn mạnh: lần này cả nước bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp diễn ra cùng ngày (chủ nhật 22-5), cần tập trung cao độ để cuộc bầu cử thành công. Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Dinh - trưởng Ban dân chủ pháp luật Ủy ban trung ương MTTQ VN - cho biết kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tính chung cả trung ương và địa phương, tổng số người được lập danh sách sơ bộ là 1.088 người ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó 183 người do trung ương giới thiệu và 905 người ở các tỉnh thành (số đại biểu Quốc hội của cả nước được bầu lần này là 500 đại biểu). Như vậy, kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tỉ lệ số dư bầu đại biểu Quốc hội là 2,18 lần. Cũng theo ông Dinh, việc tổ chức hội nghị hiệp thương ở các địa phương đều diễn ra dân chủ, đúng luật, đúng trình tự, thủ tục. Một số địa phương có số dư cao so với số đại biểu Quốc hội được bầu như Lào Cai, Vĩnh Long (3 lần), TP Hà Nội (2,73 lần)... Tuy nhiên cũng có một số tỉnh có tỉ lệ số dư thấp như Lai Châu, Tây Ninh, Yên Bái, Khánh Hòa, Bình Thuận. Trong số 905 người ở các tỉnh thành có 76 người tự ứng cử (8,39%). Trong đó một số địa phương có số người tự ứng cử cao như TP.HCM có 22 người (34,92%), TP Hà Nội có 30 người (42,25%). So với lần bầu đại biểu Quốc hội khóa XII, số người tự ứng cử thấp hơn nhiều. Theo cơ quan đại diện Bộ Nội vụ tại TP.HCM, các địa phương ở phía Nam đã quan tâm tăng tỉ lệ đại biểu trí thức trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giảm tỉ lệ đại biểu trong các cơ quan quản lý nhà nước; chất lượng các ứng cử viên cao hơn kỳ bầu cử trước. Cơ quan này cũng cho biết các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Tại hội nghị hiệp thương, nhiều ý kiến đề nghị tăng số lượng đại biểu khối Mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội nhằm tăng cường tính đại diện cho dân và tăng vai trò giám sát ở các quận, huyện, phường không tổ chức HĐND. * Cùng ngày, tiểu ban tuyên truyền bầu cử phối hợp cùng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai việc tuyên truyền bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu đại biểu HĐND TP, xã, thị trấn nhiệm kỳ 2011-2016. Yêu cầu của công tác tuyên truyền cuộc bầu cử nêu rõ: phải làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của cuộc bầu cử; bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP, xã, thị trấn; vị trí, vai trò của Quốc hội; vị trí, chức năng, nhiệm vụ của HĐND... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận