11/07/2007 08:00 GMT+7

Chất lượng ADSL: Có chuẩn cũng... như không!

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Mặc dù Bộ Bưu chính - viễn thông đã ban hành tiêu chuẩn đối với dịch vụ ADSL, nhưng trên thực tế người tiêu dùng vẫn phải “đánh vật” với đường truyền rùa bò được mua với giá cao.

pWzFfQ60.jpgPhóng to
Đường truyền ADSL tốc độ cao đã trở thành... rùa bò. Trong ảnh: sử dụng Internet ADSL - Ảnh: T.T.D.
TT - Mặc dù Bộ Bưu chính - viễn thông đã ban hành tiêu chuẩn đối với dịch vụ ADSL, nhưng trên thực tế người tiêu dùng vẫn phải “đánh vật” với đường truyền rùa bò được mua với giá cao.

Thoải mái “treo đầu dê, bán thịt chó”

Theo nguồn tin Tuổi Trẻ có được, chỉ tính riêng ba “đại gia” nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) hàng đầu của VN là VDC, FPT và Viettel đã có tổng số thuê bao khoảng 2 triệu, với tổng dung lượng gần 11 Gbps. Giả sử cùng lúc có 1/4 tổng số thuê bao trên (khoảng 500.000) cùng truy cập Internet, khi đó băng thông trung bình chia ra cho mỗi thuê bao sẽ vào khoảng 22-23Kbps.

Nếu không tính những trở ngại khác như chất lượng đường truyền thì tốc độ này thậm chí thấp hơn so với việc kết nối bằng cách quay số (dial-up, tối đa là 56 Kbps). Con số này cho thấy ADSL hiện tại đã thành băng thông cực hẹp chứ không còn là băng rộng nữa. Điều này chứng tỏ các ISP đã ép rất mạnh băng thông của người sử dụng, hay nói một cách ví von là cho nhiều xe lưu thông cùng một lúc trong một đường chật hẹp. Đó là chưa tính đến các thuê bao sử dụng kết nối quay số (dial-up).

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, tùy khả năng thiết bị và hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ Internet ISP, khoảng cách giữa máy khách hàng với trạm trung chuyển (DSLAM), và chất lượng đường dây điện thoại mà tốc độ của ADSL có khác nhau. Nói đơn giản, nếu nhà cung cấp cứ “tung tăng” khuyến mãi mà không lo đầu tư cơ sở hạ tầng thì nguy cơ dẫn đến tốc độ truyền tải bị èo uột là chuyện hoàn toàn có xảy ra. Một nguy cơ khác dẫn đến tốc độ của dịch vụ ADSL trở nên “rùa” có thể là do đường truyền của các ISP không chịu nổi lượng khách hàng quá nhiều.

Có chuẩn cũng... như không!

Ông Phùng Kim Anh,Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin, Bộ Bưu chính - viễn thông:

Khách hàng đúng, nhà cung cấp... không sai(!?)

Khách hàng phản ảnh là đúng. Hằng năm cục vẫn thường xuyên kiểm tra chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp nhưng không thể cùng lúc kiểm tra rầm rộ ở tất cả các tỉnh.

Cục cũng thường xuyên nhắc nhở doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Hiện chúng tôi mới chỉ phạt vi phạm hành chính một số doanh nghiệp nhưng là vi phạm về chất lượng dịch vụ viễn thông, Internet tổng thể, chưa phạt cụ thể trường hợp nào liên quan đến ADSL vì qua kiểm tra thì phần lớn doanh nghiệp đều đạt kết quả.

Theo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ truy nhập Internet ADSL của Bộ Bưu chính - viễn thông, tốc độ tải dữ liệu trung bình, cả hướng lên và hướng xuống, của một thuê bao ADSL tối thiểu phải đạt 80% tốc độ tải tối đa đối với website nội mạng (website của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ) và 60% tốc độ tải tối đa đối với các website ngoại mạng (các website trong nước và quốc tế không phải của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ). Đây là cách tính theo phương pháp của Bộ Bưu chính - viễn thông.

Áp dụng tiêu chuẩn này với tốc độ tải xuống của các gói dịch vụ truy nhập Internet tốt nhất cho hộ gia đình của hai ISP lớn là FPT và Viettel thì sẽ cho kết quả như sau: tốc độ tải xuống trung bình thấp nhất của gói dịch vụ MegaHome (tốc độ tải xuống tối đa 2.048 Kbps) của FPT phải là 1.638 Kbps đối với nội mạng và 1.228 Kbps đối với ngoại mạng. Con số này đối với gói dịch vụ Home C (tốc độ tối đa 1.664 Kbps) của Viettel lần lượt là 1.331 Kbps và 998 Kbps. Thế nhưng, trên thực tế chẳng mấy khi người tiêu dùng được sử dụng dịch vụ theo tiêu chuẩn này.

Nhà cung cấp: không phải do chúng tôi!?

Theo ông Nguyễn Huy Cường, giám đốc Trung tâm bảo đảm chất lượng FPT Telecom, cần phải kiểm tra kỹ mới có thể xác định nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ mà khách hàng đã phản ảnh. Chất lượng dịch vụ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như môi trường có thiết bị gây nhiễu, cáp thuê bao bị biến dạng sau thời gian dài sử dụng hoặc bị bong tróc...

Một lãnh đạo của Viettel Telecom cho rằng các mạng viễn thông bị các sự cố về kỹ thuật là có và khách hàng nên phản ảnh với nhà cung cấp dịch vụ để cùng tìm ra nguyên nhân và có hướng khắc phục. Về những nguyên nhân gây ra tình trạng “rùa” của ADSL, vị này cho rằng có nhiều nguyên nhân làm tốc độ bị chậm, trong đó những nguyên nhân chiếm phần lớn có thể là do máy tính (bị virus, cấu hình máy thấp) hoặc do các trang web...

Ông Nguyễn Anh Dũng, trưởng phòng thị trường Công ty Điện toán và truyền số liệu khu vực II (VDC2), cho rằng tốc độ ADSL chậm là do nhiều nguyên nhân và việc thiếu các trạm trung chuyển (DSLAM) là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn. Vì vậy, việc tăng lượng thuê bao ADSL phải tỉ lệ thuận với việc lắp đặt thêm các DSLAM. Nếu không đáp ứng được điều này, tốc độ ADSL sẽ giảm đáng kể vì phải chia dung lượng ra cho nhiều thuê bao một lúc. Tuy nhiên, không có chuyện hạ tầng hiện nay của ISP này không đáp ứng đủ cho những dịch vụ mà mình đang cung cấp cho khách hàng, ông Dũng khẳng định.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM:

Phải xử phạt nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo sai sự thật

Hầu hết khách hàng đều dựa trên quảng cáo về tốc độ nhanh của dịch vụ ADSL mà ký hợp đồng sử dụng. Trường hợp tốc độ thực tế không đạt như đã quảng cáo chứng tỏ nhà cung cấp dịch vụ đã quảng cáo sai sự thật, đưa thông tin gian dối khiến khách hiểu sai về chất lượng dịch vụ khi ký hợp đồng. Hành động này của nhà cung cấp đã vi phạm điều cấm của Luật cạnh tranh (điều 45). Để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, các cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm tra và xử phạt hành chính thật nghiêm đối với các trường hợp này. Theo nghị định 56 của Chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ vi phạm sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.

Trong qui định về tiêu chuẩn dịch vụ truy cập Internet ADSL do Bộ Bưu chính - viễn thông ban hành có qui định về tốc độ tải dữ liệu trung bình của dịch vụ ADSL cần đảm bảo, nhưng chỉ tiêu tốc độ trung bình này lại chỉ căn cứ dựa trên tốc độ tối đa mà nhà cung cấp đã ghi trong hợp đồng dịch vụ với khách hàng. Nếu trường hợp nhà cung cấp không ghi cụ thể tốc độ tối đa trong hợp đồng thì tiêu chuẩn này cũng không có ý nghĩa gì!

Về nguyên tắc thực hiện hợp đồng, khách hàng có quyền khiếu nại, yêu cầu nhà cung cấp thực hiện đúng cam kết ban đầu, khắc phục và cung cấp chất lượng ADSL đảm bảo. Trường hợp nhà cung cấp không đồng ý khắc phục thì khách hàng có quyền khởi kiện nhờ tòa án yêu cầu nhà cung cấp phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp này, vì hợp đồng ký kết giữa các bên là hợp đồng theo mẫu nên phải giải thích theo hướng có lợi cho khách hàng.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên