28/06/2007 07:34 GMT+7

Chấp thuận về chủ trương không có nghĩa là đã chọn Vincom

L.N.
L.N.

TT - Đó là khẳng định của bà NGUYỄN VÂN NGA (ảnh), trưởng phòng hợp tác và xúc tiến đầu tư thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, vào chiều 27-6. Bà Nga cho biết:

o5LSOb0Y.jpgPhóng to
TT - Đó là khẳng định của bà NGUYỄN VÂN NGA (ảnh), trưởng phòng hợp tác và xúc tiến đầu tư thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, vào chiều 27-6. Bà Nga cho biết:

Bài 1: Vì sao chọn Vincom?

- Sau khi xem xét đề xuất xin đầu tư của Vincom và Allgreen Properties, lãnh đạo TP đã cân nhắc và chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Vincom. Đây chỉ là bước đầu, sau đó họ phải lập hồ sơ dự án xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Song song đó phải lập phương án đền bù giải tỏa để chạy bài toán tài chính. Theo Luật đầu tư, đây là dự án thẩm tra để cấp giấy chứng nhận đầu tư, có thể nhà đầu tư sẽ không được tiếp tục phát triển dự án nếu TP thấy các nội dung của hồ sơ dự án không đạt yêu cầu.

* Vậy trước khi chấp thuận về chủ trương đầu tư, sở đã thẩm định năng lực tài chính của Vincom như thế nào để đưa họ vào “vòng chung kết” và trình lãnh đạo TP?

- TP biết Vincom ít nhất có hai dự án lớn là tòa tháp đôi Vincom ở Hà Nội và khu du lịch Vinpearl tại Nha Trang. Đây cũng là những cơ sở bước đầu để TP xem xét chấp thuận về chủ trương đầu tư. Song song đó, TP đã giao cho sở thẩm định năng lực tài chính của Vincom. Hiện nay, Vincom đã nộp báo cáo tài chính có kiểm toán hai năm 2005-2006 cùng bản cáo bạch cho đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng vào ngày 3-7. Chúng tôi cũng sẽ xem xét kỹ những hồ sơ chứng từ về tài chính và sẽ có báo cáo chính thức với lãnh đạo TP.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng chỉ tiêu qui hoạch hai khu đất này khá rõ ràng. Đối với khu Eden, khối công trình sát lộ giới các trục đường là từ 5-6 tầng, phần lõi phía trong ô là 7-8 tầng. Khu Sở GD-ĐT chiều cao 26 tầng, số căn hộ cao cấp chiếm chỉ 10%. Về giải tỏa đền bù cũng là một bài toán nan giải cho cả nhà đầu tư và thành phố, vì có đến 225 hộ dân đang sinh sống trong khu Eden.

* Cho đến giờ này sở đã nhận được bao nhiêu phương án xin đầu tư vào hai khu đất này? UBND TP chưa bao giờ công khai thông tin kêu gọi đầu tư vào 18 khu chỉnh trang của thành phố, vậy làm sao nhà đầu tư biết được muốn xin đầu tư vào khu đất Sở GD-ĐT thì phải “gánh” khu Eden để mà chọn lựa và đề xuất?

- Sau khi UBND TP chấp thuận về chủ trương đầu tư cho Vincom, cũng có một số nhà đầu tư gửi hồ sơ xin đầu tư khu Sở GD-ĐT và ủy ban đã có văn bản trả lời họ.

Đúng là hiện nay các ô phố cần chỉnh trang tại khu vực trung tâm chưa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng vì đang trong quá trình xây dựng chỉ tiêu qui hoạch. Tuy nhiên, ngoài một số ô đã chấp thuận về chủ trương đầu tư thì những ô còn lại TP có chủ trương tuyển chọn nhà đầu tư thông qua một số tiêu chí nhất định. Ủy ban giao sở là đầu mối xây dựng tiêu chí tuyển chọn nhà đầu tư và đã thông qua các tiêu chí này. Hiện ủy ban đã quyết định thành lập hội đồng tuyển chọn nhà đầu tư và sở đang làm dự thảo thành lập hội đồng để trình UBND trong thời gian sớm nhất.

* Xin cảm ơn bà.

CgEi2qHH.jpgPhóng to
Vị trí hai khu “đất vàng” (khu A và khu B) được cho Vincom thuê để thực hiện dự án Trung tâm thương mại - khách sạn - văn phòng và căn hộ cao cấp
Các khu “đất vàng” sẽ được xây dựng như thế nào?

Ngày 2-3-2007, Sở Kế hoạch -đầu tư có văn bản do phó giám đốc Lương Văn Lý ký trình UBND TP về việc phát triển dự án hai khu đất trụ sở Sở GD-ĐT và khu Eden. Văn bản giới thiệu hai nhà đầu tư là Allgreen Properties và Vincom đang muốn đầu tư vào hai khu đất này. Trong đó có đề cập Công ty cổ phần Vincom muốn đầu tư hai dự án có vốn đầu tư từ 250-300 triệu USD:

Dự án 1 (Sở GD-ĐT) sẽ xây dựng tổ hợp cao ốc trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cho thuê đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao với diện tích 8.300m2 tại số 66-68-70 Lê Thánh Tôn (Q.1), có bảy tầng hầm làm nơi đỗ xe.

Dự án 2 (khu Eden): xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê với diện tích 8.800m2, xác định bởi các trục đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, có bảy tầng hầm (hai tầng hầm chức năng thương mại và năm tầng hầm làm gara để xe).

Trong tờ trình không đề cập gì đến độ cao, số lượng tầng phía trên của cả hai dự án này.

Ngày 6-4-2007, UBND TP có văn bản chấp thuận chủ trương đề xuất của Sở Kế hoạch - đầu tư. Đồng ý chủ trương chọn Công ty cổ phần Vincom là chủ đầu tư dự án tại hai vị trí trên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Công ty Vincom cho biết công ty đã có phương án kiến trúc sơ bộ trên các khu “đất vàng” trên, theo đó:

* Khu A (khu Trung tâm thương mại Eden):

- Diện tích khu đất: 8.800m2

- Chiều cao tầng:

+ Phía đường Nguyễn Huệ: 8 tầng nổi và 7 tầng hầm

+ Phía đường Đồng Khởi: 12 tầng nổi và 7 tầng hầm.

* Khu B (khu trụ sở Sở GD-ĐT):

- Diện tích: 8.330m2

- Chiều cao tầng: 28 tầng nổi và 7 tầng hầm

* Vườn hoa Chi Lăng:

- Diện tích: 3.400m2

- Chiều cao: 4 tầng hầm.

9ilqubZB.jpgPhóng to
Chúng tôi vừa có “xương” vừa có “nạc”

Ông LÊ KHẮC HIỆP (ảnh) - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vincom - nói như vậy khi đề cập việc được UBND TP.HCM đồng ý chủ trương cho thuê hai khu “đất vàng” để thực hiện Trung tâm thương mại - dịch vụ - khách sạn - văn phòng và căn hộ cao cấp. Ông Hiệp nói:

- TP chọn Vincom để chỉ định đầu tư là do đã thẩm định kỹ năng lực của chúng tôi, khả năng tài chính của Vincom là đảm bảo. Vincom từng đầu tư tòa nhà tháp đôi Vincom City Tower tại Hà Nội. Dự án Trung tâm thương mại Eden TP đã có chủ trương mời gọi đầu tư từ rất lâu nhưng không ai dám nhận. Tại Eden hiện còn khoảng 200 hộ dân cư ngụ, về giá đất thì không đâu trong TP mắc bằng nơi này nên chi phí để giải tỏa mặt bằng sẽ rất lớn. Qui hoạch khu vực này lại không cho xây cao tầng nên việc đầu tư sẽ khó khăn. Chúng tôi được TP giao vì đã nhận cả hai dự án, tức vừa có “xương” (Eden) lại vừa có “nạc” (khu đất của Sở GD-ĐT, được xây cao tầng hơn).

Riêng dự án tại khu đất Sở GD-ĐT, cùng với chúng tôi có 3-4 nhà đầu tư khác xin đầu tư. Về nguyên tắc thì phải đấu thầu nhưng vì Vincom đã xin luôn dự án Eden nên TP mới chỉ định cho chúng tôi các dự án này. Chúng tôi đã tiến hành xin dự án từ hai năm trước, ban đầu chỉ có dự án tại Sở GD-ĐT thôi, sau đó mới nhắm đến Eden.

Chúng tôi dự định đầu tư các dự án này tổng cộng khoảng 300 triệu USD. Tại thời điểm xin dự án, chúng tôi xin được thuê đất 50 năm. Hiện nay chúng tôi đang cân nhắc giữa việc xin giao đất và xin thuê đất.

* Liệu có xảy ra tình trạng giống như tại một số dự án lớn, chủ đầu tư chỉ nhảy vô “xí đất”, sau đó không đủ khả năng tài chính nên đem bán dự án?

- Không có chuyện đó. Về mặt tài chính, nếu để đầu tư một lúc toàn bộ 300 triệu USD thì đúng là Vincom không thể có ngay. Nhưng vấn đề là phải làm một cách hết sức khôn khéo. Nếu không có gì thay đổi, đầu tháng tám này chúng tôi sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán, như vậy có thể tăng vốn để đầu tư dự án này.

Hơn nữa, nếu có dự án khả thi thì các cổ đông của công ty cũng rất sẵn sàng đầu tư. Theo dự tính của chúng tôi, vốn của chủ đầu tư đưa vào đây chỉ 20-30%, còn lại 70-80% là vốn vay.

* Nhưng nghe nói Vincom cũng đã bán tòa tháp đôi ở Hà Nội rồi?

- Đúng là sau khi đầu tư chúng tôi đã bán tháp A cho Ngân hàng Đầu tư phát triển. Nhiều người băn khoăn về khả năng tài chính của chủ đầu tư nhưng chúng tôi rất tự tin vì còn rất nhiều nhà đầu tư khác muốn hợp tác với chúng tôi để thực hiện dự án này.

* Xin cảm ơn ông.

Không có khu đất nào là “xương xẩu”

“Chúng tôi khá bất ngờ khi biết TP chấp thuận cho Công ty cổ phần Vincom làm dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ - khách sạn - văn phòng và căn hộ cao cấp tại hai khu đất vàng của TP” - tổng giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc lớn tại TP.HCM nói như vậy vào chiều 27-6. Ông cho biết rất nhiều doanh nghiệp “nhắm” vào hai khu đất này vì có vị trí quá đẹp, tổng diện tích hơn 20.500m2 (kể cả công viên Chi Lăng).

Theo giám đốc một công ty xây dựng, từ năm 2005 công ty của ông đã đề xuất các cơ quan chức năng xin được đầu tư bãi đậu xe ngầm và trung tâm thương mại tại một phần đất thuộc dự án trên. Qua nhiều cuộc họp, ý kiến từ cơ quan chức năng, cuối cùng đề xuất này không được chấp thuận. Trong công văn trả lời gần đây, TP giao giám đốc Sở GTCC tổ chức đấu thầu, tuyển chọn nhà đầu tư làm bãi đậu xe ngầm phù hợp với qui hoạch chung của khu trung tâm TP. Nhưng trước đó TP đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Vincom làm chủ đầu tư hai khu đất trên, kể cả phần đất mà công ty xin đầu tư với diện tích hơn 3.400m2. “Chúng tôi đề xuất thuê đất trong 50 năm. Nếu được thông qua, chúng tôi chấp nhận trả tiền thuê đất vài triệu đôla cho cả thời gian thuê để TP có kinh phí đầu tư các dự án hạ tầng khác của TP” - ông nói.

Nhiều ý kiến cho rằng khu Eden là “xương xẩu”, do vậy phải kẹp với “thịt” (khu Sở GD-ĐT) để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Nhưng giám đốc một công ty địa ốc đánh giá hai khu đất trên đều ở vị trí đẹp mà các công ty kinh doanh địa ốc như ông đều mong muốn đầu tư. Nhiều năm qua có nghe chủ trương TP là cải tạo, xây dựng lại khu Eden nhưng chưa thấy công khai kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Nếu có cơ chế khai thác thích hợp thì khu Eden cũng trở thành “thịt” như khu Sở

GD-ĐT. Ông đề xuất Nhà nước có thể đứng ra đền bù giải tỏa với giá thỏa đáng. Sau đó các cơ quan chức năng tính giá trị khu đất theo giá thị trường (gồm cả chi phí đền bù) và đưa ra một số tiêu chí nhất định về qui hoạch: hệ số sử dụng đất, tầng cao, chức năng công trình... để đấu thầu dự án. Với cách làm này, Nhà nước không chỉ thu hồi số tiền đền bù mà còn có thêm một khoản kinh phí khá lớn cho ngân sách.

L.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên