![]() |
Giai Tử trên xe lăn |
Vịn vào trang văn đứng dậy
Giai Tử tên thật là Nguyễn Duy Hùng, một tác giả trẻ với nhiều truyện ngắn được đăng báo. Hiện anh đang ở cùng mẹ tại khu 9, phường Bắc Sơn, TP Uông Bí, Quảng Ninh. Tôi gặp Duy Hùng khi anh vừa trải qua ca phẫu thuật sỏi bàng quang. Ca mổ làm Duy Hùng gầy yếu và xanh xao đi rất nhiều. Tuy nhiên, khuôn mặt anh lúc nào cũng toát lên niềm tin vào cuộc sống.
Duy Hùng sinh năm 1984, anh vốn là một thợ lò. Biến cố bất ngờ đã xảy đến với anh vào một buổi chiều chủ nhật, tháng 10-2004. Khi ấy Duy Hùng đang trên đường về nhà thì bị một chiếc taxi cán phải. Duy Hùng kể khi anh tỉnh lại trong bệnh viện thấy trên người băng bó rất nhiều, chân anh mất cảm giác. Hai tuần lễ điều trị ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) là khoảng thời gian dài dằng dặc với hai mẹ con Duy Hùng. Bà Nguyễn Thị Hậu, mẹ Duy Hùng, chia sẻ: “Khi bác sĩ bảo không chữa được, hai mẹ con tôi đều đau khổ suy sụp lắm. Rơi vào hoàn cảnh này ai mà không suy sụp cho được. Hai mẹ con quá nghèo, tôi lại còn ốm yếu bệnh tật nữa, không biết sẽ xoay xở ra sao...”. Từ đây, cuộc đời Duy Hùng gắn chặt với chiếc xe lăn và không gian sống gắn với căn phòng chỉ rộng cỡ chừng bảy, tám mét vuông, xây bằng những viên gạch đã lở lói...
Duy Hùng cho biết những tháng ngày ấy anh thường ngồi trầm ngâm bên khung cửa sổ, chẳng biết cuộc đời bên ngoài diễn ra như thế nào. Nhiều lúc tuyệt vọng, anh nghĩ về cái chết. Đến mùa hè năm sau, Duy Hùng đã tìm lại được niềm yêu cuộc sống. Anh làm bạn với chiếc đài bán dẫn do mẹ nhường cho, làm bạn với cây đàn ghita. Và một người bạn nữa, đó là những trang viết. Ban đầu, Duy Hùng nhờ người mua sách dạy nhạc về tự tìm hiểu và bắt đầu thử viết nhạc, làm thơ, viết truyện. Anh lấy bút danh là Giai Tử. Viết với anh đã trở thành một nhu cầu tự thân. Viết xong, anh lại nhờ mẹ ra bưu điện gửi. Hai mẹ con lại phấp phỏng chờ đợi hi vọng, truyện được đăng, Giai Tử có thêm niềm vui sống. Bà Hậu nhớ lại: “Hùng viết nhiều lắm cháu ạ. Có lần, cô ôm một đống ra bưu điện gửi lên Hà Nội mất đến mấy chục nghìn tiền tem đấy. Thế rồi, người ta bảo truyện viết hay, in sách được nhưng phải đặt cọc 8 triệu. Mẹ con cô nghèo, xoay đâu được số tiền ấy, thế là thôi, bản thảo của mình người ta cũng không gửi trả lại nữa”.
Người đầu tiên phát hiện ra Giai Tử là nhà văn Dương Hướng: “Ngày đầu tiên tôi về làm biên tập văn xuôi cho báo Hạ Long, lục trong đống bản thảo chất chồng từ bao năm, tôi thấy có một bản thảo truyện ngắn viết tay với những con chữ dày chi chít kín cả hai mặt giấy với cái tên Giai Tử lạ hoắc. Nếu là người biên tập khó tính sẽ chẳng bao giờ ngó đến. Tôi căng mắt đọc lướt vài trang và giật mình, đọc lại từ đầu. Càng đọc, trong tôi càng nảy ra nhiều nhận định: Tôi không nghĩ đây lại là tác giả trẻ bởi văn rất “già”. Tôi quyết định đưa đánh máy lại bản thảo và cho in”.
Những trang văn đau đáu tình người...
Trước Giai Tử viết nhạc, rồi làm thơ, nhưng gần đây anh chủ yếu viết truyện ngắn. Người ta nhớ đến anh qua một số truyện như: Dự mưu, Hạnh phúc đánh rơi, Quả đêm... Truyện ngắn Quả đêm của anh đã được tuyển chọn vào Tuyển tập 40 năm truyện ngắn Quảng Ninh. Tôi đọc truyện của anh, có thể nói văn anh không có nét tài hoa, nhưng bù vào đó, nó toát lên tình người ấm áp, nồng hậu. Đánh giá về truyện ngắn Giai Tử, nhà văn Dương Hướng cho rằng: “Văn Giai Tử không thể đọc nhanh, nó mộc mạc chân chất, mọi nỗi niềm cứ lắng đọng vào trong, không phô trương mà sâu kín chất chứa nỗi niềm đau đáu trong tim và cứ từ từ tỏa ra sự ấm áp bao dung đầy tính nhân văn cao cả...”. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Giai Tử là những người gần gũi với anh, đó có thể là mẹ anh, họ hàng của anh, bà con lối xóm, một người đàn ông góa vợ, một cô gái điếm lang thang, một chàng trai trẻ hăm hở vào đời... Và đó cũng là chính bản thân anh với những suy tư, những ước mơ khao khát... Những gì chưa kịp làm hay không làm được, Giai Tử ký thác vào nhân vật của mình. Ngay cả khi viết về những hờn giận oán thù, văn của Giai Tử vẫn ánh lên cái nhìn nhân hậu.
Trong văn là vậy, còn ngoài đời, cũng giống như nhân vật của mình, Giai Tử không còn oán thù gì, cũng chẳng kiện cáo kẻ đã gây tai nạn cho mình. Với anh, dường như tất cả đã qua, bây giờ điều quan trọng nhất là làm sao vượt lên thực tại. Giai Tử bảo: “Cuộc đời công bằng lắm, chỉ cần có niềm tin hướng thiện thì mọi thứ sẽ tốt đẹp thôi”.
Những truyện ngắn của Giai Tử, gọi chúng là truyện vừa thì đúng hơn. Hỏi Giai Tử tại sao không viết ngắn hơn, ít ra thì cũng là để dễ đăng trên các báo. Anh bảo anh không thể viết ngắn được, cái tạng của anh nó vậy rồi. Cứ đặt bút xuống là trong đầu, những nhân vật đã cựa quậy, những con chữ đã chỉ chực tuôn trào. Và rồi nhân vật gọi nhân vật, câu tiếp nối câu, chữ tìm đến chữ... Giai Tử khoe tôi là đang viết dở dang một cuốn tiểu thuyết thế sự, chưa biết dài đến đâu. Đó là những câu chuyện xảy ra ở làng quê của chính anh hay của dòng đời chảy trôi ngoài kia mà anh đã nghe kể lại. Từ đấy, anh “thai nghén” hình hài cho “đứa con tinh thần” của mình chào đời; cho những nhân vật khóc cười trong thế giới của riêng anh. Tôi chưa đọc nên chưa biết, nhưng nghe anh kể thì đó là không gian làng quê anh, với những người nông dân một nắng hai sương, những người tốt bụng đã giúp mẹ con anh có được căn nhà ấm áp nghĩa tình này...
Áo Trắng số 21 ra ngày 15/11/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận