Anh Đinh Văn Năm phát biểu tại lễ tổng kết cuối năm của đối tác Nhật Bản |
Không giới hạn ở môi trường trong nước, chàng trai H’Rê đã trở thành công dân toàn cầu với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở nước ngoài, rồi trở về nước cùng tham gia xây dựng trung tâm phát triển phần mềm đang lớn mạnh từng ngày với công việc chính là hợp tác cùng đối tác “bí mật” từ Nhật Bản.
Từ nỗi sợ hãi “đi lớp”
Gia đình Năm giờ đã có một cơ ngơi riêng, nhưng Đào Thị Minh Mẫn - vợ Năm - vẫn không thể quên ký ức về một thời gian khó. “Khi trúng tuyển vào làm việc tại Tập đoàn Takemoto Denki, họ lo mọi chi phí để ứng viên sang Nhật làm việc. Đó là lúc hai đứa mới yêu nhau. Nhìn trong túi anh Năm chỉ vỏn vẹn có 2.000 đồng, mình thương phát khóc. Mua tặng anh chiếc vali mà khi xếp đồ xong thì vali vẫn rộng thênh thang trong khi ai đi cùng chuyến đó cũng vali to, vali nhỏ chật ních đồ. Đến khi vào Sài Gòn, có người bạn mua giúp anh mì gói để… lấp đầy chỗ trống” - Mẫn nhớ lại. |
Không chỉ bà con dân tộc H’Rê, mà chính Đinh Văn Năm khi nhìn lại hành trình đã đi cũng phải thú nhận “không thể tin được”.
“Sinh ra ở miền núi, đến lớp 3 mới biết tên gọi riêng của dân tộc mình là H’Rê. Cuộc sống nơi núi rừng bữa cơm độn mì, độn khoai, thậm chí nhiều ngày dài phải ăn củ rừng thay cơm đã ngăn nhiều đứa trẻ được đến với con chữ. Có bạn muốn đi học nhưng gia đình không cho, bắt ở nhà chăn trâu, chăn bò, kiếm củi... Đứa trẻ nào thích học quá lại bị gắn cho cái mác lười đi làm nên đành cam chịu ở nhà, tránh bị gièm pha” - Đinh Văn Năm nhớ lại.
Ngay gia đình Năm, các chị trong nhà có người mù chữ, người học đến lớp 5 rồi nghỉ lấy chồng nên chẳng ai bận tâm đến chuyện học hành của cậu trai nhỏ thó. Đến lớp khi tiếng Kinh chưa thạo, nhiều khi cô giảng mà chịu không hiểu gì, Năm không lý giải được tại sao mình vẫn bám chữ dù nhiều ngày không thuộc bài, sợ cô kiểm tra mà… tè cả ra quần.
Nhưng những sợ hãi thời “vỡ lòng” ấy chẳng thấm tháp gì so với khi bước vào THCS. Từ làng ra huyện học, các bạn trong lớp phần lớn là người Kinh. Tiếng Kinh chưa thạo, sợ học sinh khác ăn hiếp, mấy bạn cùng tốt nghiệp tiểu học sợ và ngại đã không dám đến trường mới mà ở nhà đi nương, làm rẫy…
Nhưng rồi nhờ sự kiên trì, nỗi sợ hãi dần được thay thế bằng niềm vui đến trường khi Năm cứ lầm lũi học, tốt nghiệp THPT và là một trong số ít học sinh trường huyện đỗ ĐH năm ấy. Khi vào ĐH, trong mấy trăm sinh viên cùng khóa cũng chỉ có Năm là người dân tộc H’Rê.
Tuy nhiên, nỗ lực của chàng trai H’Rê không đơn giản chỉ là cố lo học tốt ở trường. Mồ côi mẹ khi mới tròn 10 tuổi, để được đi học mỗi ngày, sáng sáng Năm phải dậy thật sớm đi cày, đi bừa.
“Mình đem sẵn quần áo theo để cày bừa xong là tắm rửa cho kịp giờ học, rồi buổi chiều về lại đi gánh phân và làm đủ thứ việc. Mình phải tự trồng mì, trồng chuối để có tiền trang trải học hành. Lúc thi ĐH, trong túi có 300.000 đồng chính là tiền tích cóp từ công việc làm rẫy và bán mì” - Năm tâm sự.
Cuộc sống tự lập sớm đầy vất vả hóa ra không chỉ có thiệt thòi, mà bất ngờ đã bồi đắp cho chàng trai dân tộc thiểu số phong thái tự tin, tâm thế chủ động trước mọi thách thức của cuộc đời. Còn nhớ ngày đầu của thời sinh viên xa nhà, bạn bè còn lạ lẫm, rụt rè trước môi trường mới, Năm đã tất tả xin làm thêm lo mưu sinh cho cuộc sống trước mắt. Đêm đầu tiên ở thành phố sông Hàn, bạn bè hoặc nghỉ ngơi hoặc tíu tít rủ nhau dạo phố xá làm quen thì ở một quán cà phê nhỏ, Năm làm nhân viên chạy bàn.
Đến ước mơ thương hiệu Việt toàn cầu
Năm năm học tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, Năm trải qua đủ thứ nghề để kiếm sống, nào làm thêm ở quán cà phê, giữ xe, phát tờ rơi, rồi gia sư, bảo hành máy tính cho quán Internet... Nhưng ít ai biết rằng ngay từ thời khó khăn vừa học vừa vật lộn mưu sinh ấy, Năm đã gieo ước mơ được ra nước ngoài học tập và làm việc.
Thời điểm Năm tốt nghiệp, kiếm được một việc làm ổn định trong nước đã khó, nhưng chàng trai H’Rê đã gây bất ngờ khi vượt qua 400 sinh viên giành một trong năm suất tuyển dụng của Tập đoàn Takemoto Denki để được qua Nhật Bản làm việc và đào tạo. Ba năm trải nghiệm ở nước ngoài, dù được mời tiếp tục ở lại lâu dài làm việc, Năm vẫn quyết trở về quê nhà bắt tay xây dựng một dự án mới.
Nói về Đinh Văn Năm, bà Đinh Thị Hồng Minh - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, nguyên bí thư Huyện ủy Minh Long - nức nở khen: “Năm là tấm gương vượt khó phi thường, là niềm tự hào của cộng đồng người H’Rê. Không quá khi nói rằng làm việc ở môi trường nước ngoài, nuôi dưỡng và dốc sức thực hiện hoài bão về những sản phẩm tầm quốc tế đến từ Việt Nam như Năm thì người H’Rê ở huyện Minh Long chưa ai làm được cả”.
Những ngày này Đinh Văn Năm vừa trở lại Nhật Bản để thực hiện dự án theo lời mời đích danh từ đối tác. “Thật ra, cách đây gần bốn năm khi đang làm việc ở Nhật, mình đã có suy nghĩ tại sao mình không làm ra sản phẩm gì đó cho Việt Nam mình, xây dựng thương hiệu riêng cho Việt Nam? Trong khi đó nhìn sang Hàn Quốc, Nhật Bản có biết bao thương hiệu, tập đoàn tên tuổi mà khi nhắc đến người ta phải nghĩ ngay về đất nước của họ” - Năm chia sẻ.
Đó là lý do đang làm việc với mức thu nhập tốt ở Nhật, Năm lại quyết tâm về Việt Nam làm sản phẩm để xây dựng công ty riêng. Song sau gần một năm tự phát triển sản phẩm, kết quả không như mong muốn, sản phẩm không bán được, Năm đầu quân về FPT.
“Hiện tại, khi làm trực tiếp với khách hàng Nhật Bản liên quan đến sản phẩm ôtô, mình kỳ vọng bọn mình sẽ phát triển sản phẩm riêng, có thương hiệu cho mình, chứ không chỉ gia công theo đơn hàng của khách” - Năm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận