16/03/2005 05:12 GMT+7

Chẳng còn ai nhắc nạn đói, nếu...

KHIẾT HƯNG thực hiện
KHIẾT HƯNG thực hiện

TT - Khi nạn đói năm Ất Dậu hoành hành, ông NGUYỄN CÔNG TẠN, nguyên phó thủ tướng Chính phủ, ở tuổi lên mười. Cậu bé quê Thái Thụy, Thái Bình ấy đã trải qua những tháng ngày đau thương trong nạn đói kinh hoàng nhất trong lịch sử dân tộc.

hYbOA7Br.jpgPhóng to

- Đó là một sự tàn khốc. Lúc đó tôi chưa đủ lớn nhưng cũng đủ khôn để cảm nhận nỗi đau sâu sắc ấy. Gia đình tôi ở xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy, chưa phải là gia đình cực nghèo nhưng những gì xảy ra cũng đã là nỗi ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời. Khi nạn đói xảy ra, tôi cùng người dân trong làng đi khắp nơi để kiếm cái ăn. Chúng tôi tụ tập ở cổng những gia đình địa chủ, chờ họ ăn xong còn cái gì thừa ném ra cho. Đâu đâu cũng thấy người chết đói nằm lăn lóc. Gia đình nhà tôi cũng có người chú chết đói.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ hôm chôn chú ấy. Đau thương lắm. Ở đâu cũng thế, người chết rất nhiều. Người ta không còn sức để khiêng, đành buộc dây vào cổ những người chết kéo đi chôn. Có người tưởng chết, đến khi buộc dây vào mới thấy vẫn còn sống. Các xác chết lấp một cách vội vã ở cánh đồng, không tên tuổi, không người thân. Nạn đói chưa qua thì lại đến lụt. Thiên tai chồng thiên tai, rồi thì chiến tranh. Cuộc sống lúc đó quả là cơ cực.

* 60 năm đã trôi qua, ông nghĩ sao về việc cần phải có một hình thức tưởng niệm thảm họa này?

- Quả thật giờ nhìn lại mới thấy chúng ta chưa đề cập tới nạn đói 1945 một cách cần thiết. Anh tưởng tượng xem 2 triệu người lúc đó là 12% dân số VN. Con số này đã được điều tra, được thống kê chứ không phải chúng ta phóng đại. Với số người thiệt mạng như thế thì đúng là một thảm họa của dân tộc.

Nói như thế để thấy rằng chúng ta cần có một hình thức tưởng niệm đối với những người đã mất vì nạn đói. Chúng ta phải lấy một ngày tưởng niệm, có thể làm bia tưởng niệm ở cả Hà Nội và Thái Bình. Rồi nếu có thể cũng nên xây dựng một bảo tàng chứng tích nạn đói năm 1945 để giáo dục thế hệ mai sau, để họ hiểu rằng đó là một thảm họa lớn trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước của dân tộc.

Mặt khác, làm như thế cũng đáp ứng được yếu tố tâm linh. Anh tin hay không không biết, nhưng tôi cho rằng những người chết có linh hồn và chúng ta tưởng niệm những người đã chết vì nạn đói để linh hồn họ biết rằng người đời sau còn nhớ đến họ. Một ý nghĩa khác là khi tổ chức tưởng niệm, thế giới sẽ biết nhiều hơn đến VN, biết VN đã trải qua những mất mát to lớn.

0xfX6Mtz.jpgPhóng to
Bia tưởng niệm nạn nhân chết đói tại đường Kim Ngưu (Hà Nội) - Ảnh: Q.Thiện
* Rõ ràng việc tưởng niệm những người chết trong nạn đói 1945 là cần thiết, nhưng theo ông, đến bây giờ chúng ta mới làm có phải đã muộn không?

- Bây giờ mới đề cập đến chuyện này là muộn nhưng chúng ta cũng không nên trách những người đi trước. Những năm trước đây đất nước khó khăn nên người sống chỉ nghĩ về mình chứ không nghĩ về cộng đồng. Trước đây nhiều người cho rằng đó là sự hi sinh bình thường, là vận mệnh của dân tộc nên phải chịu như vậy, ghi vào lịch sử thôi chứ làm cái gì đó thì không ai nghĩ ra.

Nói thật, ý thức của chúng ta với lịch sử không nhạy cảm. Suốt từ năm 1945 đến giờ, kể cả khi tôi là thành viên của Chính phủ, chưa bao giờ tôi thấy vấn đề tưởng niệm nạn nhân chết đói được đặt ra ở bất kỳ nơi nào.

Hôm trước khi anh điện thoại đặt vấn đề trao đổi với tôi về nạn đói, đêm đó tôi cứ nghĩ mãi. Tôi thấy tiếc vì hồi còn làm phó chủ tịch UBND TP Hà Nội (từ 1984 - 1987), tôi đã không quyết liệt trong việc đề xuất qui hoạch khu tưởng niệm ở nghĩa trang Hợp Thiện. Nếu qui hoạch được, Hợp Thiện sẽ trở thành điểm đến của thế giới, là chứng tích của một thảm họa.

* Thưa ông, từng là bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, ông giải thích thế nào về chuyện từ một quốc gia có 2 triệu người chết đói, VN bây giờ lại trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới?

- Theo tôi có hai lý do. Thứ nhất, suốt thời kỳ dài chúng ta thiếu sót trong chính sách kinh tế dẫn tới “trói tay” người nông dân. Đến năm 1988, nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã tạo động lực rất mạnh cho người nông dân. Thứ hai, người nông dân VN rất chăm chỉ, so với nhiều nước mà tôi đã từng tới thì nông dân VN chăm chỉ vào hàng đầu. Hai yếu tố đó cộng lại, chỉ một năm sau khi có nghị quyết 10, chúng ta đã bật lên trở thành một quốc gia có thừa gạo để xuất khẩu.

Tuy nhiên, phải thừa nhận là chất lượng gạo của VN chưa cao. Các nhà khoa học chưa tìm được công nghệ sao cho vừa năng suất cao, vừa chất lượng tốt, chứ năng suất cao mà chất lượng kém đi và người nông dân lại lấy năng suất cao làm tiêu chí số 1, tiếp đó mới đến chất lượng thì không ổn.

* Trở lại với chuyện tưởng niệm nạn nhân trong nạn đói, theo ông, nếu có một ngày tưởng niệm, chúng ta nên làm như thế nào cho ý nghĩa?

- Chuyện này tôi cho rằng phải nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Chúng ta đã có Ngày vì người nghèo nên làm không khéo sẽ nhàm. Nhưng làm gì thì làm, ít nhất đến ngày đó mọi người dân VN phải nhớ, phải hiểu rằng thời điểm đó năm 1945 có 2 triệu đồng bào VN đã chết vì nạn đói.

* Xin cảm ơn ông.

KHIẾT HƯNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên