16/03/2011 04:04 GMT+7

Chấn thương nhẹ, toa thuốc nặng?

nngoisaobang@...
nngoisaobang@...

TT - Tuần trước tôi bị té xe, chấn thương đầu gối và bàn chân trái.Chụp X-quang không thấy gãy và nứt xương. Tôi hay đi lại nên chân bị sưng và hơi đau. Bác sĩ bệnh viện cho tôi toa thuốc đến nửa tháng, tiền thuốc 790.760 đồng.

Tôi thấy bác sĩ không nhiệt tình với bệnh nhân nên không hỏi được gì. Tôi muốn hỏi chân mình không đến nỗi nào mà sao toa thuốc nhiều tiền quá, không biết dùng lâu những loại thuốc này có ảnh hưởng gì không? Toa thuốc gồm có Nabuflam, Rawbeonal-Delhi, Torecal-Inbio, Kefodox-Sance, Daenase-Daeha.

Tôi khám ở bệnh viện ngoại ô mà thuốc quá mắc, trong khi tiền khám chỉ 10.000 đồng, phải chăng có sự liên kết giữa bác sĩ và các hãng thuốc? Bác sĩ khám bệnh chỉ bắt tôi đi chụp phim và nhìn qua loa chân tôi chứ không xem tôi đau chỗ nào.

Rất mong được sự hồi đáp của các bác sĩ, thành thật biết ơn.

- Trước hết xin chia sẻ với bạn về việc chưa được giải thích đầy đủ khi đi khám bệnh. Đây có lẽ là phần mà bất kỳ bệnh nhân nào cũng cảm thấy bực bội và bức xúc sau khi đi khám bệnh. Vấn đề này cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau từ hai phía bệnh nhân và thầy thuốc. Hi vọng trong tương lai bệnh nhân sẽ ngày càng hài lòng hơn với dịch vụ y tế.

Trở lại vấn đề của bạn. Bạn bị chấn thương nhưng chúng tôi không rõ bạn có bị trầy xước hay có vết thương gì hay không. Chúng ta đều biết kháng sinh được dùng cho mục đích chống lại vi khuẩn hoặc phòng ngừa nhiễm khuẩn. Nếu bạn có vết thương thì việc dùng kháng sinh là hợp lý.

Các thuốc còn lại là kháng viêm giảm đau, men làm tan máu tụ, hợp lý khi chỉ định trong những trường hợp bị chấn thương nhằm giảm đau nhức do tình trạng viêm sau chấn thương, giảm tình trạng phù nề và máu tụ.

Về vấn đề tiền thuốc cao, nhiều người cứ nghĩ bác sĩ đã cho thuốc nào thì phải mua đúng tên thuốc đó. Trên thực tế, với những thuốc chính gốc do các hãng thuốc lớn bào chế, sau một thời gian hết thời hạn bảo hộ sản phẩm thì trên thị trường sẽ có hàng loạt thuốc tương tự được sản xuất với công hiệu gần như thuốc gốc.

Bạn cứ mạnh dạn hỏi ý kiến dược sĩ để chọn lựa một sản phẩm thuốc phù hợp túi tiền của mình.

Bạn cũng đề cập việc tiền công khám quá rẻ. Đúng là như vậy, theo giá quy định của Nhà nước là như thế. Ngay tại thời điểm chúng tôi đang trả lời cho bạn thì giá tiền công một lần khám cho một bệnh nhân bảo hiểm y tế là 3.000 đồng. Đó là vấn đề lớn của ngành y tế hiện nay. Ai cũng thấy, ai cũng biết.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn là không có bất kỳ một thứ thuốc nào trên đời này không có tác dụng phụ. Các bác sĩ quyết định cho người bệnh dùng thuốc vì so sánh giữa lợi ích của việc trị bệnh với tác dụng phụ của thuốc.

Nếu trong lúc dùng thuốc gặp tác dụng phụ, bạn không nên ngại ngần gọi điện thoại hay quay lại bệnh viện để hỏi ý kiến dược sĩ, bác sĩ về việc có dùng thuốc nữa hay đổi thuốc khác.

Vài dòng cùng bạn, hi vọng bạn mau bình phục.

nngoisaobang@...
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên