..........................................
Theo như trí nhớ của Ẩn thì ngày ấy có một du côn Sài Gòn nổi tiếng, học đến “Đip-lôm”. Có lẽ ấn tượng ấy khiến ông nội sợ hãi. Để “nó” ở Sài Gòn thành du côn Sài Gòn thì chết nên mới “đày” ra Huế, về vùng quê. Giờ đây đã thành một ông nội, ông Ẩn vẫn như còn tìm hiểu, nghiền ngẫm về nỗi lo của ông nội ông ngày ấy. “Mà tôi đâu có du côn. Thật ra rất hiền, bị đánh không hà”. Mà hồi đó, 1943, Ẩn 16 tuổi, làm địa chủ gì được (theo ý nguyện của cha Ẩn khi thấy con không học kiểu như con người ta nên ông muốn con về quê thành địa chủ). Năm 1948, Ẩn học ở Mỹ Tho cho tới xong tú tài. Năm 1949 phong trào cách mạng bắt đầu lên, trường học đóng cửa vì phong trào học sinh sinh viên bãi khóa. Cuối năm đó, Ẩn về Sài Gòn và tham gia phong trào Trần Văn Ơn nổi tiếng năm 1950.
Sài Gòn lúc đó đã bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp từ 23-9-1945. Khi Ẩn lên Sài Gòn, đúng vào thời điểm của phong trào tổng bãi khóa và tổng bãi công những ngày cuối tháng 11-1949 và tiếp đến là đỉnh cao của phong trào học sinh sinh viên 9-1-1950. Ông Ẩn nhớ lại: có hai cuộc biểu tình lớn năm đó: một là vào tháng giêng và hai là cuộc biểu tình chống can thiệp Mỹ tháng 3-1950. Hai cuộc biểu tình chính trị tới 300 ngàn người ở trung tâm thành phố chống Pháp, phản đối can thiệp Mỹ, đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi Cảng Sài Gòn. Những người lứa tuổi ông Ẩn còn nhớ tên hai tàu chiến Mỹ ấy: tàu Anderson và Stichwell thả neo tại quân cảng Sài Gòn. Máy bay Mỹ bay biểu diễn.
Suốt trong hai năm 1949 đến 1951, Ẩn phải đi làm thư ký kế toán cho hãng xăng Caltex, giữ sổ sách kế toán, để chăm sóc cha lúc đó bệnh nặng nằm ở nhà thương Chợ Rẫy. Sáng làm ở hãng xăng, chiều dạy tiếng Pháp, tối đạp xích lô. Có một người mướn xích lô đạp ban ngày, tối ông ta ở nhà giữ con để vợ đi bán chè đậu, nên Ẩn mướn lại xe đi đạp buổi tối.
“Dạo đó sòng bạc Đại Thế Giới nhiều người tới đó đánh tài xỉu (tài = lớn, xỉu = nhỏ) quay Rrôbe. Tôi đưa khách vô đó đánh bạc, rồi ngồi đợi họ bên ngoài. Mấy cô mấy bà đánh bạc dữ lắm. Thấy chàng trai đạp xe vui vẻ, hễ thắng bạc là họ cho tiền nhiều. Có khi mấy bà thua quá không có tiền, tôi cũng vui vẻ chở, đạp không tiền. Họ nhớ mặt, nên thường kêu đi. Một bữa nọ ông chủ xích lô thấy Ẩn, liền chào là “thầy Hai”. Ẩn chẳng hiểu vì sao ông chào trịnh trọng, lại còn không muốn cho anh mướn xích lô nữa. “Tôi thấy thầy Hai ở hãng xăng”.
Ẩn đã “bị lộ” là một thư ký có học, nghèo quá phải làm thêm. Nhưng người chủ xích lô không hiểu nổi sự bất thường này nên tỏ ý nghi ngại và chấm dứt việc cho mướn xe. Mấy lần trước đó Ẩn chở đúng con của người bạn của ba anh. Nó về nói với ba, ba nó lại chơi, nói với ba Ẩn. Ông buồn lắm.
Ông giáo Ẩn thấy cảm động trước việc người con hiếu thảo làm cả những việc khổ nhọc để nuôi cha bệnh nên mách cho Ẩn một lối thoát. “Có một lớp, ở trường của Lê Bá Cang, con của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Đám học sinh ở đó lớn, như lớp 8 bây giờ. Toán có thầy rồi, thiếu thầy tiếng Pháp. Tuy vậy, người ta mời tôi dạy cốt là để trị giùm mấy thằng mất dạy. Họ dặn: đừng đánh. Chúng không phá. Nó học được. Trường tư khó đuổi”. Ông Ẩn nhớ lúc đó: “Tôi còn trẻ, mới ngoài 20, còn lũ học trò 18, lớn ngồng. Vô lớp, thấy nó cười cười, có ý xem xét thầy nghèo. Tôi vô lớp dòm đám học trò. Những đứa con gái ngoan ngoãn chịu học, ngồi phía trước. Tôi đọc một bài trích: Conrneille, Molière, Racine. Nó vẫn cười cười. Tôi bảo: Các em có phước được đi học. Thầy cũng không được học nhiều. Rồi tôi rủ mấy thằng to con, thích học võ không. Thích lắm. Hết giờ dạy không mất tiền. Thiệt không thầy? Tôi dạy nó đi đường roi, đánh côn, võ ta, võ Ănglê và bơi lội. Sau này nó biết “ổng trị đó”. Tôi dùng con gái trị con trai. Giảng bài hỏi hiểu không? Hiểu, đám con trai nói đại rồi sĩ diện giơ tay. Gọi lên nói không trúng. Hôm sau tôi gọi đứa con gái lên nói trúng. Rồi tôi bảo: Thầy chỉ cần có vậy. Hiểu nói hiểu. Không nói không. Một thời gian sau tôi thôi dạy. Xin trả ông, kiếm thầy khác dạy cao hơn. Nó ngoan rồi”…
Đó là thời thanh niên của chàng trai trẻ qua thử thách khá khốc liệt của tuổi vào đời. 4 giờ sáng dậy chuẩn bị đi làm thư ký kế toán hãng xăng từ 5 giờ sáng đến 1 giờ chiều. 2 giờ 30 tới 5 giờ 30 dạy học. Đọc sách. Tối đi đạp xích lô. Chàng trai ấy không hề biết đời mình sắp có một bước ngoặt, mở ra một cuộc đời mới gian lao hơn nhiều nhưng giúp ích cho đất nước ở một tầm cao mới.
Đó là thời kỳ đỉnh cao của phong trào học sinh sinh viên. Các trường học, cả công cả tư đều bãi khóa, kể cả hai trường trung học quan trọng nhất lúc đó là Marie Curie và Chasseloup Laubat. Trường Pháp, nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa trường. Học sinh biểu tình lên Nha Học chính rồi Dinh Thủ hiến. Cuộc bãi thị được một cuộc tổng bãi công của 8 xí nghiệp lớn với 5.000 thợ máy hỗ trợ. Cảnh sát đánh học sinh và học sinh chống lại, ném đá đến nỗi cảnh sát bỏ chạy và kêu viện binh đến đàn áp. Học sinh, phụ huynh, nhân dân, công nhân… đã nhất loạt đứng dậy đòi mở cửa trường và thả những người bị bắt. Thủ hiến Nam Phần lúc đó là Trần Văn Hữu xin ý kiến quan thầy Pháp không nhượng bộ mà còn ra lệnh đàn áp dã man hơn. Bị thương nặng, học sinh Trần Văn Ơn chết.
Cái chết của anh như luồng điện và làm bùng lên ngọn lửa phản kháng mạnh mẽ. Sài Gòn không bao giờ quên hình ảnh mấy chục vạn người trong đám tang lớn chưa từng có suốt từ khi Cách mạng tháng tám thành công năm 1945. Chợ búa không họp. Cửa hàng phố xá đóng cửa. Suốt từ tờ mờ sáng các loại xe, tàu rần rần chở người biểu tình về trường Petrus Ký. Những người tham dự biểu tình ngày ấy còn nhớ đầu đoàn biểu tình đã vào đến Chợ Lớn mà đuôi vẫn còn ở cổng trường chưa đi được.
Quan tài của Trần Văn Ơn được phủ băng trắng có dòng chữ viết bằng máu của các học sinh mà đến nay nhiều người còn đọc “Chết vì Tổ quốc, chết nhưng vẫn sống. Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”. Đó là thời kỳ tuổi thanh xuân thuộc những tên tuổi: Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Lưu Văn Lang, cùng cái tên Ba học sinh (Đỗ Ngọc Thạnh) - những tên tuổi của một thời kỳ hào hùng, giống như những kỷ niệm lẽ ra chỉ là nằm trong lưu bút tuổi học trò. Nhưng vì là tuổi thơ của một dân tộc phải kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nên nó không là những chùm me hay góc phố có giàn hoa Tigôn mà học trò thường nhớ. Nó trở thành cuốn lưu bút hào hùng và đau thương của dân tộc, với những số phận con người hy sinh, chiến đấu dưới nhiều dáng vẻ. Ngày nay, ngày 9-1 được chọn làm ngày học sinh, sinh viên của cả nước.
“Lúc đó tôi ở cùng Ba học sinh”. Vị tướng Phạm Xuân Ẩn chỉ nhắc lại câu chuyện vào năm 2000, khi các cựu học sinh thời ấy nay đã nhiều tuổi, làm một lễ kỷ niệm lớn, viết sách báo, nhân kỷ niệm 50 năm ngày 9-1. Chị Nguyễn Bình Thanh, người nữ sinh Marie Curie ngày ấy, sau này trở thành nhà ngoại giao xuất sắc, đã nghỉ hưu và nay cũng đã mất trong một tai nạn. Chị đã kịp làm một việc có ý nghĩa là cùng các bạn đồng lứa, vận động tích cực cho lễ kỷ niệm và viết sách. Có phải vì thế mà ông Phạm Xuân Ẩn đã viết lại một chút ít ỏi về cuộc đời thanh xuân ấy của mình, không có in ở đâu, bất cứ bài báo khác tự viết về cuộc đời “Ẩn” của mình như vậy.
Ông Ẩn viết: “Ngày 9-1-1950 học sinh rầm rộ kéo xuống đường biểu tình. Chúng tôi tập trung trước Dinh Thủ hiến. Tất cả xe đạp chúng tôi để dựa gốc cây đa cho mát. Tôi đứng phía bên kia Tòa án. Khi chúng bắt đầu đàn áp, sinh viên chạy. Chúng bắn chỉ thiên, dùng ma trắc đánh đập. Tôi chạy ra ngoài, gặp một chị vóc dáng nhỏ bé nâng đỡ một chị rất lớn, máu me đầy người. Tôi không dám đến đó tiếp vì câu “nam nữ thụ thụ bất thân”, vội vàng kêu một anh xích lô, nhờ anh qua đó chở họ đi. Chị nhỏ người ẵm chị bị thương (chị này bị chúng đập bể đầu, máu chảy xối xả) lên xích lô. Tôi đạp xe theo chiếc xích lô. Nếu qua nhà thương Sài Gòn sợ nó bắt, tôi bảo xích lô chạy qua Khánh Hội, nay là Quận 4, qua chợ Xóm Chiếu, tôi biết ở đó có một trạm y tế. Ba chúng tôi chạy theo hướng Cầu Mống đến trạm y tế Khánh Hội. Mấy người y tá hiểu liền cơ sự. Họ thật dễ thương, rửa vết thương trên đầu cô nữ sinh, lấy bông gạc băng lại, cô y tá còn cởi áo cho nạn nhân mặc khi chúng tôi quay về…”
Hỏi ra, Ẩn mới biết người bị thương là chị Phương Dung học năm thứ hai trường Gia Long, chị họ của Bình Minh, lên ở nhà Bình Minh để đi học. Gia đình Bình Minh thì Ẩn quá quen biết. Đó là gia đình kỹ sư Nguyễn Văn Đức ở 89 bis đường Verdun, bây giờ là đường Cách Mạng Tháng Tám. Gia đình có 4 cô con gái học đàn rất giỏi và đều có cuộc đời hoạt động nổi tiếng sau này. Một người trong số họ trở thành giáo viên dạy nhạc, là vợ của nhà văn Nguyễn Thi. Còn một người trong số đó là chị Bình Thanh, nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam trong những năm kháng chiến. Còn chị nữ sinh nhỏ bé đã ẵm nạn nhân lên xích lô đó là chị Huỳnh Thị Ngôn, ba ngày sau đã thay mặt nữ sinh Sài Gòn - Chợ Lớn lên đọc điếu văn trong đám tang Trần Văn Ơn.
Đến giữa năm 1951, Ẩn được lệnh vào chiến khu Đ nhận nhiệm vụ mới và phải cắt đứt tất cả các mối quan hệ trong thời gian tham gia phong trào học sinh, sinh viên. Không phải vì đi nơi khác nên không còn điều kiện gặp gỡ, mà do yêu cầu phải có một “lý lịch cá nhân” hoàn toàn mới và càng ít liên hệ với những người tham gia phong trào, thì càng tốt.
Cho đến mãi năm 1999, tức là gần nửa thế kỷ đã trôi qua, ông Ẩn - chuyên gia tiếp xúc để hoàn thành nhiệm vụ ký giả và một viên tướng tình báo, mới được giở lại một kỷ niệm thời thanh xuân đã lùi quá xa. Giờ đây ông mới có thì giờ để nhìn lại, kể lại cái ngày tràn đầy khí thế của gần nửa triệu người Sài Gòn - Chợ Lớn chống ngoại xâm. Ông kể những chi tiết nhỏ rất quan trọng mà ông đã gặp may: “Ngày đó tôi rất hãnh diện được cầm băng rôn mang dòng chữ “Toàn thể học sinh Nam Việt” đi đầu trong rừng khẩu hiệu, câu đối điếu. Tấm ảnh ấy, may mà dưới thời Mỹ, cơ quan tình báo địch không biết được, nếu không, nó đã tóm tôi chớ đâu để yên cho tôi hoạt động trong lòng địch lâu đến thế!”.
Ông Ẩn không ngờ lại có một ngày gặp lại nhiều người, sau cả nửa thế kỷ và ông tưởng không bao giờ có dịp gặp lại các bạn thân yêu của thời kỳ đó. Bây giờ khi tất cả tóc đã bạc, nhiều người đã mất, nhưng ông Ẩn lại gặp được các bạn, đặc biệt là cả chị Ngôn, người đã cùng Ẩn cứu người bạn là nạn nhân của cuộc đàn áp dã man ngày hôm đó. Họ cũng còn báo tin cho nhau biết chị Phương Dung bị đánh bể đầu hồi đó, mười năm sau đã bị điên do vết thương trên đầu. Chồng chị là bác sĩ Lê Văn Khoa, ở Cần Thơ, hết sức khổ tâm.
Đến hôm nay, họ mới cùng nhau nhắc lại cả người đạp xích lô đã chở hai học sinh đi suốt qua Xóm Chiếu rồi trở về Sài Gòn. Khi Ẩn đưa tiền ông đã từ chối với một lời chân thật: “Mấy cô, mấy cậu dám làm, tôi lấy tiền sao được!”. Cũng như vậy, nhờ khí thế đấu tranh của ngày ấy mà tới mấy tháng sau, đi quyên tiền cứu trợ đồng bào bị đốt nhà ở Bàu Sen, đi đến đâu các học sinh không những quyên tiền rất dễ, còn được đồng bào ôm khóc và khen: các cô các cậu giỏi quá, gan quá! Không phải người được cứu trợ cảm động ôm khóc, mà chính là những người cho tiền.
Có cả câu chuyện nhỏ về sự thơ ngây của tuổi học sinh. Ẩn và một số bạn bè như Ba học sinh bị ông Mười Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh sau này) phê bình. “Có nhiều cảnh sát cũng đi đưa tang, mang cả vòng hoa đến viếng Trần Văn Ơn. Lúc đại biểu các giới lần lượt đọc điếu văn, một cảnh sát nhảy ra chụp micro xin nói. Tôi liếc nhìn Thạnh, Thạnh lắc đầu. Tôi giựt micro khỏi tay viên cảnh sát, nói to: “Không được, anh là lực lượng của Pháp”. Về sau, tụi tôi bị anh Mười Cúc phê bình là không thừa cơ hội tranh thủ họ để “thêm bạn bớt thù”.
Những kỷ niệm một thời tuổi trẻ được cùng nhau ôn lại lúc đã tuổi già, dường như nó say đắm hơn hết, nhớ thương hơn hết. Những chiến tích lớn lao và gian nan ác liệt chìm đi. Chỉ còn nổi lên những ngày đầu đời ấy. Họ nhắc tới Ba học sinh, tức Đỗ Ngọc Thạnh. Ẩn chơi với Thạnh thân lắm. Do hai ông già ba của Thạnh và Ẩn đều là các trí thức cùng nghề, học cùng khóa, cùng tốt nghiệp trường Đại học Công chánh ở Hà Nội. (Lúc đó chỉ có thể học cao ở Hà Nội, nên các trí thức đều tốt nghiệp ngoài đó). Ba của Thạnh là họa đỗ Đỗ Như Khương. Ba của chị Kim Sa (tức bà Nguyễn Thị Bình, sau này làm Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là ông họa đồ Hợi. Chính vì vậy con cái của các vị chơi thân với nhau từ khi còn là những đứa trẻ dưới 10 tuổi, trong những năm 1936 - 1937 ở đường Cây Thị, Gia Định. Cuối thập kỷ 40 và đầu thập kỷ 50 bà Bình là cán bộ hoạt động trí thức sinh viên của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
“Giữa năm 1951, một hôm, chị Đỗ Thị Kim, hoạt động cùng một tổ với bà Bình lúc đó, chị ruột của Thạnh đến nói với ba tôi: “Con Sa bị bắt rồi, bác ơi”. Chị bị bọn ở bót Catinat tra khảo, thả ổ kiến vàng vào hai ống quần rồi cột chặt lại. Chị hết sức kiên cường, không khai báo. Sau ít lâu, chúng chuyển chị qua Khám Lớn”. Ông Ẩn nhớ lại và viết trong một bài in ở cuốn “Ngòi pháo 9-1”.
Trong ngày gặp mặt hôm nay, ông nhớ người bạn thân cùng hoạt động. Họ hay gặp nhau tại nhà bà Mười (má của anh Nguyễn Ngọc Hà lúc đó đang học ở Pháp), là chủ lò bánh mì VITA ở đường Ngô Tùng Châu, nay là đường Lê Thị Riêng. Hình ảnh nổi bật nào của Ba học sinh còn rõ nét? Đó là Thạnh rất thương trẻ con. Ở nhà bà Mười có đứa cháu nội, con của anh Kim Sơn. Kim Sơn cũng là một điệp viên nổi tiếng trong câu chuyện đánh đắm tàu của Pháp. Thạnh thường đến bà Mười để được bế ẵm con anh Kim Sơn. Chị Ngọc Hà còn giữ rất kỹ một tấm ảnh chụp Thạnh đang ẵm con chị. Thạnh và Ẩn thường gặp nhau bàn kế hoạch công tác, khi thì ở nhà bà Mười, hoặc ở nhà Ẩn và có khi ở nhà kỹ sư Nguyễn Văn Đức.
Thạnh đã là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 2-1947, được giao nhiệm vụ phụ trách Hội học sinh Việt Nam - Nam Bộ tại nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Anh cũng là Bí thư Đảng đoàn học sinh đầu tiên của khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1951 anh bị chỉ điểm và bị bắt. Giặc đánh đập anh tàn nhẫn, vứt xác xuống Cầu Kinh - Thanh Đa. Cái chết anh dũng và đau thương này được ông Trần Văn Trí, chưởng lý Tòa Thượng thẩm Sài Gòn báo riêng cho cha anh là ông Đỗ Như Khương. Thạnh, người bạn của Ẩn, chết giữa tuổi 21.
Đó cũng là lúc người thanh niên Phạm Xuân Ẩn mong ước ra hẳn chiến khu, trở lại bộ đội, chấm dứt cuộc đời người công chức trẻ nhân viên thuế quan, một vị trí mà trong kỳ thi tuyển toàn Đông Dương chỉ có 50 người được chọn. Anh tính về bộ đội lại, lúc đó là về tiểu đoàn Thủ Biên. Thạnh đã sắp xếp cho anh rồi. Nhưng Thạnh bị giặc giết, Ẩn đứt liên lạc. Lẽ ra anh đã tính đi luôn từ trước rồi, bây giờ chẳng còn gì cản ngại anh nữa.
Nhưng Ẩn không ngờ, công việc lại “ném” trả anh về lại Sài Gòn, không được đi đâu hết. Thế là, suốt từ năm 1947 cho tới khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng 30-4-1975, Ẩn hoạt động ở Sài Gòn. Cho đến bây giờ, ông vẫn sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói, Sài Gòn là nơi in dấu gần như toàn bộ cuộc đời ông. Năm nay 74 tuổi, sống ở Sài Gòn - Chợ Lớn 60 năm, 9 năm ở miền Tây, 3 năm ở Huế và 2 năm ở California.
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận