Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ tế bào gốc để tạo ra một chuỗi tế bào từ một bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối để tái hiện lại quá trình phát triển bệnh ở bệnh nhân. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hai "yếu tố sinh học" gồm huyết thanh thrombospondin-2 (THBS2) và CA19-9 trong máu của các bệnh nhân, có thể giúp phát hiện ung thư tuyến tụy trong mọi giai đoạn phát triển của bệnh.
Đáng chú ý, sự tập trung huyết thanh THBS2 cùng với CA19-9 giúp phát hiện bệnh từ giai đoạn mới chớm và đây được coi là phương pháp hiệu quả hơn bất kỳ phương pháp nào từng được biết đến. Bên cạnh đó, thử máu phát hiện bệnh có thể thực hiện dựa vào xét nghiệm protein máu thông thường và ít tốn kém.
Hiện nay, ung thư tuyến tụy chỉ bị phát hiện khi khối u đã quá to, thời điểm các phương pháp điều trị hầu như không còn tác dụng. 80% các bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng một năm sau khi phát hiện mắc ung thư tuyến tụy. Tại Mỹ, căn bệnh này xếp thứ tư trong các bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Theo giáo sư Robert Vonderheide - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ung thư Abramson thuộc Đại học Pennsylvani, đồng thời cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, từ lâu giới nghiên cứu đã rất trăn trở khi hầu hết các ca ung thư tuyến tụy chỉ được phát hiện khi đã vào giai đoạn quá muộn nên cơ hội chữa trị tốt nhất đã bị bỏ lỡ.
Vì vậy việc có thể tìm ra một dấu hiệu sinh học để phát hiện bệnh sẽ giúp thay đổi đáng kể bức tranh toàn cảnh trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.
Về cơ bản, việc thử máu để nhận biết sớm bệnh ung thư tuyến tụy có thể được áp dụng ngay lập tức nhưng các tác giả muốn nghiên cứu sâu hơn để có thể "hoàn toàn chắc chắn".
Nhóm nghiên cứu sẽ nhắm tới các đối tượng có người nhà bị ung thư tuyến tụy, hoặc những người có các đặc điểm di truyền có thể mắc bệnh hay những người đột nhiên bị tiểu đường sau độ tuổi 50.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận