04/09/2015 19:19 GMT+7

Chạm vào những giấc mơ muôn đời

 PHAN ĐĂNG
PHAN ĐĂNG

TT - Tôi bị ám ảnh bởi khóe mắt đỏ hoe ấy, vì tôi nghĩ nó không chỉ là những xúc cảm của một người con với người cha của mình, mà còn là những xúc cảm của một công dân trước những MƠ ƯỚC CÔNG DÂN xuyên suốt và vĩnh cửu.

Một cảnh trong vở Lời thề thứ 9 của tác giả Lưu Quang Vũ - vở diễn khiến nhiều khán giả Hà Nội rơi nước mắt - Ảnh: Đức Triết
Một cảnh trong vở Lời thề thứ 9 của tác giả Lưu Quang Vũ - vở diễn khiến nhiều khán giả Hà Nội rơi nước mắt - Ảnh: Đức Triết

Đấy là một lần tôi làm khách mời “cà phê sáng” của VTV3 và cùng MC Lưu Minh Vũ nói về chủ đề “soi”. Hôm ấy chúng tôi phân tích về cái “soi” trong tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt của cha anh - cố tác giả Lưu Quang Vũ, rồi cùng thống nhất: những người làm quan mà không chịu soi xét các chính sách và quyết sách một cách kỹ lưỡng thì nhân dân luôn là người trả giá.

Như quan Nam Tào, Bắc Đẩu trong vở kịch đó chẳng hạn, vì bận đi dự tiệc và vì cùng nghĩ “thôi thì người dân trước sau gì cũng chết” nên đã giở sổ Nam Tào gạch bừa một cái tên. Thế là dưới hạ giới ông Trương Ba đang sống khỏe mạnh bỗng lăn đùng ra chết.

Một khi các quan thiếu soi xét mà gạch vội, gạch bừa như thế thì chắc chắn “hồn Trương Ba, da hàng thịt” không phải là trường hợp cá biệt. Thế nên từ tác phẩm kịch ra “tác phẩm đời”, chúng ta bỗng thấy có sự gần gũi đến trần trụi và đau đớn.

Tôi nhớ mãi khóe mắt đỏ hoe của anh Lưu Minh Vũ hôm ấy, và sau buổi ghi hình thì anh chia sẻ: “Nói thật là nhiều lúc tôi không dám đi xem kịch của bố tôi nữa. Vì xem về lại thấy buồn ghê gớm. Buồn cho những giấc mơ của bố tôi một thời...”.

Anh Vũ nói thế, nhưng hôm 29-8 vừa rồi - hôm kỷ niệm 27 năm ngày mất Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, tôi lại thấy anh đến Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội để xem vở Lời thề thứ 9.

Đấy là vở diễn mở đầu cho bốn đêm diễn các vở kịch Lưu Quang Vũ, và đấy tiếp tục là một đêm diễn khiến cho nhiều khán giả Hà Nội phải rơi nước mắt.

Người ta khóc khi một nhân vật trong vở kịch chỉ tay mắng một anh bảo vệ ở trụ sở ủy ban tỉnh:

“Làm đầy tớ của dân thì hống hách vừa thôi. Hống hách quá có ngày chủ thay đầy tớ khác!”. Người ta khóc khi nhân vật chủ tịch tỉnh phải từ giã cái vẻ đạo mạo, trịch thượng để tự hỏi chính mình: “Không biết là tôi quá tự tin hay trái tim tôi đã nguội lạnh quá rồi?”.

Và nước mắt rơi dài cùng những tràng vỗ tay thổn thức khi vở kịch khép lại với tiếng kêu của một thảo dân cùng đường: “Trời ơi, bao giờ mới hết khổ hả trời?”.

Tan đêm diễn lại thấy khóe mắt anh Lưu Minh Vũ đỏ hoe. Anh bảo: “Mình xem vở này từ ngày xưa, nhiều lần rồi...”. Một người bạn cùng đứng với chúng tôi lúc ấy chưa kịp đợi anh nói hết câu cũng góp lời: “Tôi cũng xem nhiều lần rồi. Thế mà hôm nay vẫn khóc”.

Sau Lời thề thứ 9 là các vở Ai là thủ phạm?, Nàng Sita, Mùa hạ cuối cùng..., và mỗi vở lại là một ước mơ, một sự tranh đấu cho cùng một cái đích chung.

Cái đích mà để chạm đến nó, thầy giáo Hiển - một nhân vật trong Mùa hạ cuối cùng - đã đanh thép nói: “Không”, và cùng tiếng “không” cương trực ấy, bàn tay thầy giáo Hiển đập mạnh lên quả địa cầu đang để trên bàn, khiến quả địa cầu đang quay cũng phải dừng ngay lại.

Thầy giáo Hiển phản ứng như vậy khi người đồng nghiệp của mình khuyên nhủ: “Mỗi chúng ta chẳng là gì hết. Cái thành phố nơi ta đang ở chỉ là một chấm nhỏ xíu trên quả địa cầu. Mà quả địa cầu cũng chỉ là một chấm nhỏ xíu trong vũ trụ. Chúng ta gắng sức mà làm gì...”.

Rõ ràng, kịch Lưu Quang Vũ ra đời ở thế kỷ 20, nhưng nó có thể đối thoại với ngay cả thế kỷ 21 và nhiều năm sau nữa. Vì kịch Lưu Quang Vũ đã vượt lên cái khuôn thước và giới hạn bé nhỏ của một thời đại để chạm vào những mơ ước muôn đời về một xã hội chân thiện mỹ.

Lãi... về khán giả

Bà Hoài Oanh, giám đốc Công ty Đông Đô Show, đã không quên được hình ảnh trong bốn đêm kịch Lưu Quang Vũ, một cụ già tóc bạc trắng đều đặn đến Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội để mua vé vào xem.

Bà Hoài Oanh kể: “Ông cụ đi bộ đến và chỉ mua một vé với giá thấp nhất. Tủm tỉm cười, ông cụ bảo: Bỏ lỡ sao được những đêm kịch của Lưu Quang Vũ dù tôi đã xem đi xem lại rất nhiều... Nhà tôi cách đây mấy cây số, đi bộ đến cũng được”.

Mà không riêng cụ, khán giả Hà Nội trong những đêm kịch Người trong cõi nhớ ấy (từ ngày 29-8 đến 1-9) - dù Hà Nội bắt đầu cấm đường để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2-9 và thường có những trận mưa lớn - vẫn nườm nượp kéo đến.

Hơn 1.000 chỗ của Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội gần như chật kín để rồi ai cũng say sưa khóc - cười với chuyện thế thái nhân tình từ Lời thề thứ 9, Ai là thủ phạm?, Mùa hạ cuối cùng đến Nàng Sita.

Bền bỉ tổ chức lần thứ ba những đêm kịch Lưu Quang Vũ với mức vé rất “hữu nghị” (100.000 - 300.000 đồng), bà Hoài Oanh còn chia sẻ thêm rằng công ty của bà chưa bao giờ lãi về tiền bạc nhưng rất lãi về... khán giả.

ĐỨC TRIẾT

PHAN ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên