25/05/2004 16:48 GMT+7

Chalabi: Điệp viên nhị trùng hay một cuộc tình đến hồi kết?

THÀNH DANH (theo Guardian, Times)
THÀNH DANH (theo Guardian, Times)

TTO - Nhà báo Julian Borger của tờ báo Anh Guardian khẳng định thành viên Hội đồng lâm thời Ahmad Chalabi là "điệp viên nhị trùng", người không chỉ trao cho Iran những bí mật tình báo Mỹ, mà còn trao cho người Mỹ thông tin bịa đặt của Iran về việc Iraq sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD), cái cớ mà người Mỹ rất cần cho chiến tranh Iraq.

8vqFUC9o.jpgPhóng to
Chalabi trả lời phỏng vấn từ Baghdad cho NBC, bác bỏ cáo buộc ông chuyển giao tin tình báo cho Iran.
TTO - Nhà báo Julian Borger của tờ báo Anh Guardian khẳng định thành viên Hội đồng lâm thời Ahmad Chalabi là "điệp viên nhị trùng", người không chỉ trao cho Iran những bí mật tình báo Mỹ, mà còn trao cho người Mỹ thông tin bịa đặt của Iran về việc Iraq sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD), cái cớ mà người Mỹ rất cần cho chiến tranh Iraq.

Điệp viên nhị trùng?

Trong số báo đề ra hôm nay 25-5, tờ Guardian cho biết một cuộc điều tra khẩn cấp đã được Washington tiến hành nhằm tìm hiểu liệu có phải Iran đã lừa gạt để Mỹ bước vào chiến tranh với Iraq bằng cách đưa tin bịa đặt về WMD của Iraq qua bộ máy của Đảng quốc đại Iraq (INC) do A. Chalabi lãnh đạo.

Một số quan chức tình báo Mỹ còn cay đắng nhận xét rằng Iran đã "xỏ mũi" thành công một số "diều hâu" ở Lầu năm góc và Nhà Trắng để thoát khỏi kẻ thù của họ là Saddam Hussein, dọn đường cho sự cai trị của người Shiite tại Iraq. Dẫn tin tình báo, Guardian nói Chalabi và người phụ trách tình báo của ông Aras Karim Habib đã chuyển một số bí mật của Mỹ cho Iran.

Các quan chức tình báo Mỹ cáo buộc Habib là điệp viên ăn lương Iran nhiều năm qua, thậm chí là điệp viên nhị trùng vì đã chuyển thông tin đi cho cả hai phía. CIA nói họ xác nhận mối nghi ngờ lâu nay của mình (về việc trợ lý thân cận Chalabi là điệp viên nhị trùng) sau khi họ khám phá một số thông tin điện tử mà Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (NSA) bắt được lại lọt vào tay người Iran. Những thông tin này "tối quan trọng và tối mật" tới nỗi chỉ một số quan chức được tiếp cận.

Nhưng tại sao Habib (một người Kurd gốc Shiite đang bị cảnh sát Iraq truy nã sau cuộc lục soát trụ sở INC tuần trước, từng là trợ lý thân cận của ông Chalabi suốt hơn một thập niên) có được những thông tin này để chuyển đi? Thì ra vì Habib nắm trong tay một "kênh liên lạc" với tình báo Mỹ. Nhiều năm qua, ông ta điều hành một chương trình thu thập tin tức tình báo do Lầu năm góc tài trợ trước chiến tranh Iraq, nhằm tạo điều kiện cho các quan chức Lầu năm góc tiếp xúc với các sĩ quan, binh lính Iraq đào ngũ, những người khẳng định Hussein có WMD.

Chính những khẳng định này tạo tiền đề cho Mỹ tiến hành chiến tranh, nhưng giờ đây đã rõ là chúng thiếu căn cứ. Tình báo Mỹ đang phải xác định liệu có phải những thông tin bịa đặt này đã chuyển tới Mỹ theo sự đồng loã của Iran.

Về số phận Chalabi, nguồn tin Guardian nói CIA đang đề nghị FBI phối hợp để điều tra các quan hệ của Chalabi với Lầu năm góc để tìm xem làm cách nào mà INC có được những thông tin để cuối cùng lọt vào tay Iran.

Đoạn kết cuộc tình?

Tờ The Times (Anh) nhận định, mối quan hệ tan vỡ giữa Chalabi với Nhà Trắng không phải là điều đáng ngạc nhiên, mặc dù cách đây không lâu, Chalabi, xuất thân từ một gia đình người Shiite nổi tiếng, từng được Mỹ trọng vọng như ứng viên cho chiếc ghế tương tự như tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan (lãnh đạo chính quyền lâm thời Afghanistan và sau đó được bầu làm tổng thống).

The Times cho biết cơm không lành canh không ngọt xuất hiện từ khi Chalabi dám lớn tiếng chỉ trích quân Mỹ do cuộc tấn công vào những tín đồ Sunni ở Fallujah, rồi sau đó là cuộc tấn công vào những tín đồ Shiite tại Najaf và Kerbala. Ngoài việc cung cấp bằng chứng (giả) về WMD của Iraq, người Mỹ còn nhận ra Chalabi không được ủng hộ tại Iraq. Sau khi Hussein bị lật đổ, Chalabi bị cáo buộc là đã đàn áp các thành viên đảng cầm quyền Baath: nhiều quan chức, giáo viên, công chức bậc trung, sĩ quan quân đội thành viên đảng Baath đã mất việc hoặc bị trấn áp bởi bộ máy của Chalabi.

Rạn nứt đầu tiên trong quan hệ giữa Chalabi với Mỹ là qua phát biểu của thứ trưởng quốc phòng Paul Wolfowitz, người từng nhiệt thành ủng hộ Chalabi, khi cho biết Lầu năm góc sẽ cắt số tiền 340.000 USD cấp cho INC (cho tới nay, qua kênh này INC đã nhận được hàng triệu USD). Lý do, theo ngài Wolfowitz, là vì: "Chúng tôi thấy không khôn ngoan khi tiếp tục chi tiền thế này. Bằng cách này chúng tôi đã nhận được những thông tin tình báo đáng giá. Nhưng trong tương lai chúng tôi sẽ không sử dụng những kênh tình báo truyền thống này nữa".

Rạn nứt tiếp đó thấy được khi Chalabi chỉ trích Paul Bremer, người đứng đầu chính quyền dân sự Mỹ ở Iraq về việc ai sẽ là người lãnh đạo cuộc điều tra tham nhũng trong chương trình đổi dầu lấy lương thực. Mỹ cho rằng sự tham gia của Chalabi sẽ khiến những thông tin họ nhận được là "đáng ngờ". Cuộc tranh cãi với Washington càng làm giảm uy tín Chalabi dưới mắt người Iraq, từ lâu đã xem ông Chalabi là "một con rối trong tay người Mỹ".

Rõ ràng là tới thời điểm này, Chalabi là một quân bài không còn cần thiết cho người Mỹ nữa.

THÀNH DANH (theo Guardian, Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên