
Nhiều ông bố bà mẹ gặp nhau thường than thở rằng: “Tôi thế này mà chẳng dạy được con. Hay tại thời thế khác rồi?”. Ngày xưa cha mẹ bảo sao con phải nghe vậy, đặt đâu ngồi đấy. Bây giờ lớp trẻ được tự do yêu đương, tự do sống theo ý tưởng mà vẫn “cứng cổ”, thích gây khó dễ cho cha mẹ là sao?
Cả ngày chỉ nói nửa câu.- Ông bà Thêm chỉ có một quý tử nên cưng chiều hết cỡ “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Ngày Thành bắt đầu thi đại học, bố mẹ khuyên bảo mãi là nên thi vào Đại học Kinh tế hoặc Ngoại thương để nhanh chóng làm giàu nhưng anh không chịu, cứ nhất quyết làm kỹ sư điện tử.
Ông bà muốn tập trung lo chuyện vợ con cho Thành mà anh cứ dửng dưng. Cũng lạ, chẳng lẽ nó tự lo được một mình hay sao mà cứ đi đâu thì chớ, về đến nhà cả ngày chỉ nói được nửa câu. Hỏi Thành vì sao lại thế, anh nói, vì càng lớn anh càng không ưa cách ăn nói của cha mẹ. Góp ý nhiều nhưng ông bà đều để ngoài tai.
Ai đời con trai đưa bạn về nhà, mẹ vừa nhìn thấy đã kêu: “Mày đi đâu giờ này mới về? Ăn cơm chưa?”, nghe cứ cụt lủn, chẳng tình cảm gì cả. Bạn mới đến nhà chơi lần đầu là lân la dò hỏi cứ như hỏi cung “ Mày là con nhà ai? Học hành thế nào?”. Vì thế anh rất ngại đưa bạn bè về nhà và chỉ thích đến nhà chúng chơi. Thành cũng không dám dẫn người yêu về nhà vì sợ mẹ sẽ “khai thác đời tư” của người ta một cách quá lộ liễu và sốt sắng. Hai mẹ con vì thế mà xa cách nhau.
Cha mẹ đừng can thiệp chuyện riêng của con.- Trường hợp của Tuấn lại khác. Tuấn dẫn về nhà một cô gái nhan sắc bình bình, quê mùa và trông khá “nam tính”. Cha mẹ anh vừa nhìn đã thấy ngán ngẩm. Tưởng con mình chọn cô gái nào mềm mại, nữ tính, ai ngờ lại đi yêu một cô gái dạy võ. Xem chừng hơi cọc cạch, nồi tròn úp vung méo mất rồi. Thế là bố mẹ Tuấn âm thầm mở chiến dịch “tìm vợ cho con”. Có lẽ tại ông bà chưa truyền đạt kinh nghiệm chọn vợ nên cậu con trai mảnh mai, thư sinh mới đi yêu một cô gái “bự” thế. Nói thật ra là chẳng thể hợp được, con bé đấy có tướng làm chồng chứ không làm vợ.
Đành huy động tất cả bạn bè, người thân xem có cô gái nào tàm tạm, không yêu cầu cao về hình thức, học vấn, gia cảnh chỉ cần đủ nữ tính thì làm mối cho con bà. Thời này mà không có mối mai thì cũng khó chọn được vợ hiền, dâu đảm. Chiến dịch của cha mẹ cuối cùng cũng bị Tuấn phát hiện. Anh phẫn nộ ra mặt: “Cha mẹ đừng can thiệp vào chuyện riêng của con. Con lấy con chịu”. Và để chứng tỏ “bản lĩnh” của mình Tuấn thuê phòng ở riêng, mặc thiên hạ muốn nói sao thì nói.
Con cần cha mẹ giúp đỡ - Khác với các bạn đồng lứa, Vân luôn coi mẹ mình là người bạn thân nhất. Nhìn hai mẹ con cô tâm sự với nhau như bạn bè, mọi người nhìn mà “phát thèm”. Hiếm có gia đình nào có được cảnh đấy. Vân không giấu mẹ bất cứ chuyện gì từ chuyện ngày bé đi học bị điểm kém hơn bạn đến khi có bạn trai để ý, rồi tan vỡ gia đình riêng... Nếu mẹ luôn an ủi, vỗ về thì cha lại là một bóng mát che chở và dẫn lối cho cô. Vân tự hào vô cùng khi được sinh ra và lớn lên trong gia đình như vậy.
Khi lần kết hôn đầu tan vỡ, chính cha mẹ cô đã tìm cho cô một người con trai khác hiền lành, độ lượng và biết nhường nhịn. Với người chồng trước, cha mẹ không phản đối nhưng đã khuyên cô nên nghĩ lại trước khi quyết định lấy một người có tính “lẳng lơ” làm chồng. Nhưng vì Vân quá ngây thơ, không thể cưỡng lại những cảm xúc mạnh mẽ nên đã gật đầu. Giờ thì cô đã hiểu tất cả. Thế nhưng cha mẹ Vân không hề trách cứ gì cô mà chỉ nhẹ nhàng chia sẻ, động viên. Nếu không có cha mẹ, hẳn cô không thể vượt qua bao sóng gió của đời.
“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, cho biết “quyền lực” của cha mẹ với con cái là có giới hạn. Sống thế nào để dạy con cho tốt không phải là điều đơn giản. Nhiều người sống đẹp mà dạy con chưa hay. Cũng có nhiều bậc cha mẹ rơi vào bế tắc vì không “hợp tính” với con. Nhiều bạn trẻ mơ ước rằng cha mẹ cũng là người bạn tâm đầu ý hợp của mình. Nhưng hình như ít người đạt được ước muốn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận