![]() |
Đổi lại, Suharto đòi hỏi họ phải ủng hộ tài chính. Gia đình Suharto bước vào nhiều thương vụ kinh doanh cùng với nhóm “thân hữu”. Họ đã gây ra nhiều vụ làm ăn không hiệu quả làm “Nhóm Mafia Berkeley” phải đứng ngồi không yên và cuối cùng đe dọa đến sự tồn vong của chế độ Trật tự mới.
Nhân vật tiêu biểu trong nhóm “thân hữu” là Mohamad “Bob” Hasan. Sinh ra trong một gia đình người Hoa, Hasan cải sang đạo Hồi khi còn trẻ tuổi và trở thành “con nuôi” của một vị tướng cấp cao, người tình cờ là sĩ quan chỉ huy của Suharto ở miền trung Java vào giữa thập niên 50.70 Hasan dành quãng thời gian này để “học hỏi về kinh doanh” theo như lời ông nói. Thời đó, quân đội kiểm soát nhiều lĩnh vực rộng lớn của nền kinh tế và Hasan giúp các sĩ quan quân đội của khu vực trung Java lo liệu công việc kinh doanh.
Suharto và Hasan tham gia vào một vụ buôn lậu gây nhiều tranh cãi mà trong đó, họ vận chuyển trái phép đường kính sang Singapore để đổi lại phân bón, trang thiết bị quân sự và nhiều loại hàng hóa quân nhu khác. Cả hai trở thành bạn bè gắn bó thân thiết. Không một doanh nhân nào khác ở Indonesia có được mối quan hệ như vậy với Suharto. Họ chơi gôn với nhau 2-3 lần/tuần trong suốt thời kỳ tồn tại của chế độ Trật tự mới. Hasan, theo như nhận xét của phóng viên Raphael Pura, là “người bạn keo sơn của tổng thống thậm chí có thể khiến cho những người thân quen khác cũng cảm thấy khó chịu”.
Thời cơ của Hasan đến vào năm 1972 khi ông có một cơ hội bước vào ngành gỗ. Trong một chuyến bay tới Singapore mà Hasan đi cùng một quan chức chính phủ, có vị hành khách khác là một nhà quản trị của công ty Georgia Pacific đến gặp hai người. Công ty Mỹ này muốn phát triển một chi nhánh lâm nghiệp nhượng quyền ở Indonesia và đang tìm kiếm một đối tác địa phương giúp họ quản lý chi nhánh. Nhà quản trị hỏi liệu hai người có thể giới thiệu cho Georgia Pacific một ai không? Vị quan chức chỉ sang Hasan.
Hasan bay sang trụ sở chính của Georgia Pacific khi đó còn ở Portland, bang Oregon (Mỹ) để bàn thảo với ban quản trị cấp cao của công ty này. Hasan ký kết giao kèo và được chia 10% vốn chủ sở hữu trong chi nhánh của Georgia Pacific ở Indonesia. Hasan được phép góp vốn bằng cổ tức trong tương lai. Ông nhận được đồng tiền đầu tiên của mình trong lĩnh vực kinh doanh gỗ mà chẳng phải mất một xu nào. Sự kiện có vẻ như nhỏ nhặt này sẽ ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế Indonesia và chế độ Trật tự mới.
Liên doanh được nhượng quyền khai thác một dải rừng rộng lớn trên đảo Borneo của Indonesia. Hasan đã có nhiều kế hoạch lớn hơn rất nhiều cho ngành gỗ nhưng ông trở nên chán nản, mất hết cả tinh thần trước việc Indonesia chẳng có một doanh nghiệp chế biến gỗ nào của riêng mình. Các công ty gỗ chỉ đơn thuần vận chuyển gỗ tròn thô bằng đường biển ra nước ngoài, sang Singapore, Hàn Quốc hay Đài Loan để đối tác nước ngoài làm thành những tấm ván gỗ dán và nhiều loại sản phẩm khác. Hasan cảm thấy rằng kết quả Indonesia đang mất nhiều giá trị tiềm năng từ việc xuất khẩu gỗ.
Hasan cho biết, ông bắt đầu bàn với Suharto về việc này. Theo lời khuyên của Hasan, việc hạn chế xuất khẩu gỗ tròn thô sẽ tạo ra nhiều động lực cho các công ty như Georgia Pacific đầu tư vào các cơ sở chế biến gỗ trong nước. Những năm cuối thập niên 70, chính phủ Indonesia bắt đầu áp dụng những chính sách như vậy; ban đầu là tăng thuế xuất khẩu gỗ tròn; sau đó, đến năm 1981, thì áp đặt lệnh cấm từng bước tiến tới chấm dứt hẳn việc xuất khẩu gỗ tròn. Kết quả là một làn sóng khổng lồ đầu tư vào ngành gỗ.
Từ năm 1978 đến năm 1985, công suất sản xuất gỗ dán tăng 8 lần. Cùng lúc đó, Hasan mở rộng lợi nhuận kinh doanh của riêng mình bằng những khoản đầu tư vào các nhà máy và hoạt động kinh doanh nhượng quyền mới. Thỉnh thoảng, ông hợp tác với các thành viên gia đình Suharto. Năm 1983, Georgia Pacific rút khỏi Indonesia vì một phần thay đổi chiến lược của công ty này. Hasan kiếm về cho mình nhiều cổ phiếu của công ty đa quốc gia Mỹ, thanh toán các cổ phiếu đó bằng những chuyến hàng gỗ dán trong tương lai và giành được quyền kiểm soát toàn bộ chi nhánh lâm nghiệp nhượng quyền khổng lồ này.
Tuy nhiên, nguồn gốc thật sự của quyền lực và sự giàu có mà Hasan có được nằm ở sự chi phối của ông này đối với tổ chức kinh doanh của ngành gỗ dán: Hiệp hội các nhà sản xuất ván gỗ Indonesia, thường được biết đến với cái tên viết tắt theo tiếng Indonesia là Apkindo. Vào đầu thập niên 80, giữa lúc kinh tế toàn cầu sa sút, giá gỗ dán đi xuống, cạnh tranh giữa nhiều nhà sản xuất mới của Indonesia trở nên khốc liệt. Hasan và chính phủ lo ngại về sức khỏe của ngành gỗ.
Bắt đầu vào giữa thập niên 80, nhà nước ủy nhiệm cho Hasan, chủ tịch của Apkindo, một quyền hành rất lớn là thông qua một loạt các quyết sách nhằm biến hiệp hội thành một cartel với mục đích giảm sự cạnh tranh xuống mức thấp nhất và bình ổn giá cả. Hasan thành lập một ủy ban nghiên cứu nhiều thị trường xuất khẩu khác nhau và quyết định các mức giá phù hợp. Sau đó, ông tổ chức các nhà sản xuất thành những bộ phận quảng cáo, tiếp thị và phân bổ hạn ngạch xuất khẩu cho nhiều công ty.
Hệ thống trở nên quá khắt khe, nghiêm ngặt đến nỗi Hasan và Apkindo có quyền định đoạt mỗi công ty được xuất bao nhiêu gỗ dán tới các thị trường chính. Apkindo định giá gỗ dán một cách rất hung hăng, hiếu chiến, thấp hơn các đối thủ cạnh tranh và cuối cùng đẩy họ ra khỏi ngành. Kết quả là cartel này đã đưa Indonesia trở thành nhà sản xuất nổi bật trong lĩnh vực thương mại gỗ dán toàn cầu. Năm 1980, Indonesia chỉ chiếm 7% thị phần xuất khẩu gỗ dán trên thế giới.
Đến năm 1991, con số này đã tăng lên tới 79%. Hasan tăng cường củng cố quyền kiểm soát cá nhân đối với ngành gỗ bằng cách thành lập nhiều công ty thương mại cho các thị trường xuất khẩu khác nhau vốn được Apkindo trao cho nhiều đặc quyền nhập khẩu gỗ dán. Ước tính hơn một nửa tổng sản lượng gỗ dán nhiệt đới xuất khẩu trên thế giới đều qua tay Hasan.
Trong một nghiên cứu chi tiết về Hasan và Apkindo, Christopher Barr cho rằng Hasan đã đặt mình một cách hữu hiệu giữa các nhà sản xuất gỗ dán Indonesia và thị trường toàn cầu, trong một tiến trình “đảm bảo lợi nhuận hết sức quan trọng cho chính bản thân ông ta, cho gia đình Suharto và cho những nhân vật quân sự mà Hasan được gắn theo”. Có lẽ Hasan đã tự diễn tả điều này chính xác nhất tại một trong những cuộc chơi gôn kỳ lạ nhất lịch sử giữa Hasan, Suharto và ngôi sao hành động Hollywood Sylvester Stallone. Hasan sau này kể lại: “Tôi nói với anh chàng Rambo (Sylvester Stallone) rằng ‘Tôi là Chúa tể rừng xanh’.”
Hasan khẳng định ông chưa bao giờ giữ bất kỳ vai trò kiểm soát nào trong ngành gỗ của Indonesia. Ông nói Apkindo không phải là một cartel mà chỉ đưa ra hướng dẫn cho các nhà xuất khẩu địa phương. Hasan phủ nhận cáo buộc cho rằng ông thực sự có kiểm soát một mạng lưới các công ty được đặc quyền tiếp thị gỗ dán của Indonesia. Ông cũng nhấn mạnh Suharto chưa bao giờ can thiệp để ban cho ông các hợp đồng nhượng quyền khai thác rừng. “Tôi chỉ cố gắng phát triển ngành gỗ trong nước mà thôi,” Hasan phân bua.
Dù mức độ ảnh hưởng thực sự của Hasan đến ngành gỗ như thế nào đi chăng nữa thì mối quan hệ của Suharto với các doanh nhân như Hasan cũng gây hại đến danh tiếng và tính hợp pháp của chế độ Trật tự mới. Ở khắp các lĩnh vực rộng lớn của nền kinh tế Indonesia, một nhóm nhỏ các doanh nhân có quan hệ thân thiết với chế độ Suharto có khả năng lợi dụng mối quan hệ của họ để xây dựng nên những đế chế kinh doanh khổng lồ. Nhóm “thân hữu” trở thành biểu tượng cho sự thiếu minh bạch, tệ nạn tham nhũng và “ưu ái cho người thân quen” của chế độ.
Câu chuyện về Hasan và những người bạn thân hữu cùng hội cùng thuyền với ông này đã lẩn tránh một câu hỏi quan trọng về việc Phép màu đã hiện ra như thế nào ở những quốc gia khác nhau. Việc chính phủ ưu ái cho một số doanh nhân hay doanh nghiệp nhất định là đặc điểm tiêu biểu đã thành chuẩn mực của Phép màu, đặc biệt là của “mô hình châu Á”. MITI có con cưng keiretsu của mình, Park Chung Hee có Chung Ju Yungs.
Chính phủ các nước trong khắp khu vực đã cho các công ty hoạt động trong những dự án ưu tiên có quyền tiếp cận tín dụng rẻ và nhiều đặc quyền khác. Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt giữa những doanh nhân và doanh nghiệp được ưa thích lựa chọn của Suharto với những “doanh nghiệp” con cưng nói trên? Vì sao quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp ở một số nền kinh tế được coi là tích cực nhưng ở một số nền kinh tế khác bị đánh giá là tiêu cực?
Những điểm khác biệt giữa vai trò của nhóm “thân hữu” ở Indonesia với những doanh nhân được nhà nước hậu thuẫn ở các nước khác là yếu tố then chốt quyết định sự nghiệp phát triển của đất nước Indonesia. Thứ nhất, nhiều quyền lợi ưu tiên trao cho những người thân quen là đặc quyền thượng mại, phân phối và sản xuất những mặt hàng quan trọng đối với nền kinh tế. Trong một vài trường hợp, những người thân quen với Suharto sử dụng những đặc quyền này để tạo dựng nên những doanh nghiệp thành công.
Tuy nhiên, các đặc quyền này thường cho phép họ thu tóm nhiều khoản lợi nhuận kếch sù, cao hơn những gì mà họ có thể đạt được nếu hoạt động trong môi trường cạnh tranh mở. Cái cách mà Hasan tự đặt mình vào vị trí cao nhất trong lĩnh vực thương mại gỗ dán là một ví dụ hoàn hảo. Các hoạt động của nhóm “thân hữu” thường gây ra hậu quả là trút thêm gánh nặng hao phí và sự vô hiệu quả lên nền kinh tế, khiến cho Indonesia kém sức cạnh tranh hơn. Thứ hai, Suharto đã cho phép những người thân quen của mình mở rộng phạm vi hoạt động kinh tế bất chấp họ có thành công trong việc xây dựng những ngành nghề có khả năng cạnh tranh quốc tế hay thúc đẩy sự tiến bộ nói chung của nền kinh tế hay không.
Park Chung Hee có thể bảo vệ các công ty mà ông cho là đóng vai trò hạt nhân trong chương trình công nghiệp hóa của mình nhưng ông cũng thường đòi hỏi Chung Ju Yung và những chaebol khác phải đáp ứng những chuẩn mực cao. Nếu họ không chịu phát triển đi lên, thoát khỏi tình trạng nhỏ bé, yếu ớt, ông sẽ gạt bỏ họ. Một nhân tố không thể thiếu đằng sau thành công của “mô hình châu Á” là sự nhất quán của chính phủ trong điều hành. Suharto không tuân theo nguyên tắc nghiêm ngặt này.
Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng nhất liên quan đến nhóm “thân hữu” của Indonesia là việc nhóm có nhiều thành viên là người trong gia đình của Suharto. Khi chế độ Trật tự mới lớn dần thì sáu người con của Suharto cũng trưởng thành theo và ít nhất một vài người trong số họ bắt đầu theo đuổi công việc kinh doanh của riêng mình. Trong số đó, có nhiều hoạt động liên quan đến những dự án hay công ty của chính phủ.
Giống như những người thân quen khác của tổng thống, gia đình Suharto cũng nhận được các doanh nghiệp nhà nước trao cho những giấy phép đặc biệt, những đặc quyền, những hợp đồng đã được dành riêng cho họ cùng nhiều thỏa thuận được ưu ái khác. Vào nhiều thời điểm khác nhau, các thành viên gia đình Suharto cùng với đối tác kiểm soát hoạt động sản xuất bột đậu nành, cung cấp sắt tây và nhập khẩu nguyên vật liệu nhựa. Họ cũng có vốn góp trong các công ty bảo hiểm, đường, gỗ dán, thuế cầu đường, sữa bột, thức ăn trẻ em, truyền hình và dầu ăn. Người tai tiếng nhất trong số sáu người con của Suharto là Tommy, con trai út.
Sau khi bỏ học ở Mỹ, Tommy cùng người anh trai tên là Sigit thành lập công ty Humpuss vào năm1984. Ban đầu, Tommy có được nhiều thỏa thuận béo bở về phân phối chất hóa dầu từ công ty xăng dầu quốc doanh Pertamina. Sau đó, Tommy và Bob Hasan hợp sức giành được từ tay quân đội một hãng hàng không chuyên bay thuê rồi biến nó thành nhà vận tải tư nhân đầu tiên của Indonesia. Thương vụ gây tranh cãi nhiều nhất và gây thiệt hại nhiều nhất của Tommy là vào năm 1990 khi người con trai út của Suharto to tiếng ầm ĩ đòi quyền kiểm soát ngành sản xuất đinh hương.
Là một mặt hàng quan trọng đối với người Indonesia, đinh hương là nguyên liệu chính làm ra thuốc lá kretek ưa thích của họ. Tommy nảy sinh ý tưởng mua đứt toàn bộ đinh hương của cả nước rồi bán lại cho các nhà sản xuất thuốc lá với mức giá cao giả tạo. Qua đó, Tommy và các đối tác của mình bỏ túi lợi nhuận. Tommy cùng với một số thương nhân địa phương được chính phủ giành cho độc quyền phân phối đinh hương.
Con trai của tổng thống hứa với các nông dân trồng đinh hương là sẽ thu mua nguyên liệu của họ với giá cao hơn nhiều và bằng cách đó, Tommy đã tự vẽ mình như là một người bảo vệ nông dân nghèo khỏi sự chèn ép của các nhà sản xuất thuốc lá lớn. Vì cần có tài chính, Tommy đã khẩn nài cha gây sức ép lên ngân hàng trung ương cứng đầu cứng cổ phải phân bổ tiền cho mình.
Kế hoạch của Tommy phá sản ngay từ đầu. Các nhà sản xuất thuốc lá sử dụng nguyên liệu đinh hương dự trữ trong kho của họ để tránh việc phải mua với cái giá cắt cổ do Tommy đưa ra. Trong khi đó, giá đinh hương cao hơn trước đã kích thích nông dân trồng nhiều hơn và nguồn cung tăng lên. Đến năm 1992, sự độc quyền của Tommy thất bại. Số lượng đinh hương tồn kho của Tommy đã đến mức bão hòa buộc con trai Suharto phải ngưng việc thu mua đinh hương mới, đẩy nông dân lâm vào cảnh được mùa lớn đinh hương nhưng chẳng có nơi nào để bán.
Bất chấp điều tiếng xung quanh những hoạt động kinh doanh của mình, Tommy vẫn không cảm thấy ăn năn. Năm 1992, Tommy đã thừa nhận trên tờ Asian Wall Street Journal rằng nhờ là một người trong gia đình Suharto nên “tôi dễ dàng có được một cuộc hẹn hay bàn thảo về kinh doanh với các bộ trưởng hay quan chức chính phủ hơn”. Tuy nhiên, Tommy xem điều này là “bình thường” đối với một người tầm cỡ ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. “Tôi không ăn cướp hay đánh cắp điều gì từ chính phủ,” Tommy nói. “Vậy tại sao tôi phải cảm thấy lo lắng hay xấu hổ chứ?”
Một trong những điều bí ẩn vĩnh viễn của triều đại Suharto là thái độ sẵn sàng thông cảm, và thường là khuyến khích, của ông đối với những việc làm mạo hiểm về kinh tế của các con mình, ngay cả khi chúng làm xói mòn mức độ tín nhiệm chính trị của ông. R.E. Elson, người viết tiểu sử Suharto, suy đoán rằng Suharto mong muốn các con của mình được hưởng một cuộc sống hạnh phúc hơn, sung túc hơn cuộc sống mà ông đã trải qua thời còn là một cậu bé nghèo ở vùng nông thôn Java. Hoặc cũng có thể là Suharto không nhận ra vị thế thống trị về mặt chính trị của ông có tác động như thế nào lên thành công của các con.
Suharto luôn luôn quan tâm đặc biệt đến những nhu cầu của gia đình mình. Khi ông mới trở thành tổng thống, Suharto quyết định không dọn đến dinh tổng thống, Cung Merdeka, mà tiếp tục sống trong ngôi nhà của mình tại khu phố thương mại giữa thủ đô Jakarta với hi vọng, bằng cách này, các con của ông sẽ có nhiều tự do hơn. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là Suharto hoặc hoàn toàn bị lừa dối, không biết gì về bản chất các hoạt động của con mình hoặc nghĩ rằng ông có thể che mắt thiên hạ.
“Không một đứa con nào của tôi được nuông chiều hư hỏng. Không một đứa nào,” Suharto khẳng định một cách chắc nịch trong cuốn tự truyện của mình. “Trái lại, chúng giữ mình là người bình thường, không cảm thấy hay hành xử như thể ta đây là con của một vị tổng thống.”
“Nhóm Mafia Berkeley” cố gắng chống lại. Wardhana nhớ lại lần Suharto yêu cầu ông phải miễn thuế cho một dự án phát triển khách sạn do một trong những con trai của Suharto đảm trách. “Tôi đã trả lời là không,” Wardhana cho biết. Suharto “giận dữ nhưng ông ấy không thể làm được gì”. Vì có mối quan hệ lâu năm với Suharto nên “Nhóm Mafia Berkeley” không e ngại phải đối đầu với tổng thống.
Emil Salim cho biết, những nhà kỹ trị sẽ gặp Suharto, thường là theo một nhóm, và chỉ ra cho ông thấy đại khái thiệt hại kinh tế của một sự độc quyền hay một giấy phép đặc biệt nào đó. Suharto sẽ luôn luôn lắng nghe nhưng ông thường đứng về phía những người thân quen của mình, bảo vệ những quyết định ưu ái dành họ bằng câu “tôi nghĩ điều đó là cần thiết”.
Bất chấp những trở ngại như vậy, “Nhóm Mafia Berkeley” đã tìm ra một cách chi phối phần lớn chính sách kinh tế trong những năm 1980. Lý do là vì một lần nữa nền kinh tế lại đương đầu với rắc rối. Căn nguyên bởi tại dầu mỏ. Indonesia là thành viên duy nhất của Đông Á trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và quốc gia này đã gặp vận may bất ngờ khi giá dầu bùng nổ vào thập niên 1970.
Radius viết, người Indonesia xem dầu mỏ như “nguồn vàng”. Dòng ngoại tệ ồ ạt chảy vào dẫn đến một nỗ lực “Indonesia hóa” nền kinh tế. Chính phủ buộc nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải thành lập công ty liên doanh với người Indonesia khi làm ăn tại đất nước này và cấm hoàn toàn không cho họ bước chân vào một số lĩnh vực. Một mê hồn trận những giấy phép, hàng rào phi thuế quan và các lệnh cấm đã bó buộc thương mại. Những chính sách hướng nội như vậy chẳng gây ra nhiều vấn đề chừng nào giá dầu còn giữ ở mức cao. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 1980, giá dầu thô bắt đầu đi xuống. Indonesia đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nữa.
“Nhóm Mafia Berkeley” đã dự tính trước giải pháp. Nó có quy mô tác động cực kỳ sâu rộng và gây tranh cãi mạnh mẽ. Giống như cuối thập niên 60, nhóm đề xuất một cuộc tái định hướng trọng đại đưa nền kinh tế tới thị trường tự do: bãi bỏ nhiều quy định ràng buộc thương mại và đầu tư, thu hẹp vai trò của chính phủ trong nền kinh tế. “Nhóm Mafia Berkeley” “nhận ra rằng nhà nước không còn hợp với vị trí là nhân tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - Radius viết.87 Mục tiêu của giải pháp do nhóm này đưa ra là đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng phi dầu mỏ và lập lại một môi trường thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm bù lại lượng ngoại tệ bị mất đi vì giá dầu giảm. Kế hoạch này sẽ đưa Indonesia hội nhập với nền kinh tế thế giới nhiều hơn bao giờ hết so với trước đây.
Để xúc tiến kế hoạch này, “Nhóm Mafia Berkeley” cần phải chiến thắng Suharto. Trong một loạt các cuộc họp khoảng năm 1983, nhóm đã trình các kế hoạch của mình cho Suharto và nói thẳng với tổng thống về những hậu quả sẽ xảy ra nếu không chấp nhận chúng. Ali Wardhana kể, nhóm đã nói với Suharto rằng: “Ngày trước, ngài có thể thực thi (một số chính sách) vì chúng ta thu được nhiều lợi tức từ dầu mỏ. Nhưng, ngài không thể sử dụng lại chúng. Ngài không thể đưa ra những chính sách tương tự. Ngài phải cho thị trường một quyền hành tự do để hoạt động.”
Khuyến cáo của nhóm chỉ ra cho Suharto một số lựa chọn cứng rắn. Vài đơn thuốc của nhóm hơi có khả năng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh của một số nhân vật đồng minh thân cận với tổng thống. Tuy nhiên, “Nhóm Mafia Berkeley” vẫn tiếp tục giảng giải về thông điệp của mình. Wardhana kể, Suharto “nhận thức đầy đủ về tính nghiêm trọng của tình hình kinh tế” và “ông chẳng mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định”. Cuối cùng, Suharto đã thông qua.
Theo như Radius viết, kết quả là “một sự chuyển đổi mô hình”. Bắt đầu vào năm 1983, “Nhóm Mafia Berkeley” đã bãi bỏ nhiều quy định trong khu vực tài chính nhằm củng cố sức mạnh của các ngân hàng và các thị trường vốn. Sau đó, đầu những năm giữa thập niên 80, nhóm bắt tay thực hiện một chiến dịch tập trung cải cách thương mại và đầu tư. Các nhà xuất khẩu được phép bỏ qua những quy định độc quyền nhập khẩu nguyên liệu thô.
“Nhóm Mafia Berkeley” thậm chí giành được một số thắng lợi trước nhóm “thân hữu”, xóa bỏ sự độc quyền nhập khẩu nhựa tai hại mà trong đó hai người con trai của Suharto cũng là đối tác. Trong một nỗ lực thu hút thêm vốn nước ngoài, “Nhóm Mafia Berkeley” cũng nâng cao mức trần về sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là trong các ngành xuất khẩu; miễn thuế trong một thời gian nhất định cho các công ty nước ngoài và cho phép họ tiếp cận các chương trình tín dụng đặc biệt; dỡ bỏ những hạn chế về đầu tư nước ngoài trong một số khu vực cụ thể. Radius viết: “Phong trào bãi bỏ quy định của nhóm đã kích thích tinh hoa phát tiết vừa mang tính cách mạng lại vừa mang tính gần như là thần bí.”
Những biện pháp cải cách hiệu quả đến kinh ngạc. Từ năm 1985 đến năm 1996, xuất khẩu phi dầu mỏ tăng vọt 650%. Đầu tư nước ngoài trong năm 1996 cao gấp 24 lần so với trước đó 10 năm. Tư tưởng thị trường tự do của “Nhóm Mafia Berkeley” một lần nữa lại chứng minh là đúng đắn.
Tuy nhiên, “Nhóm Mafia Berkeley” thực sự chẳng nhận được nhiều lời cảm ơn. Nỗ lực tự do hóa thị trường của họ là bài ca khải hoàn hùng tráng cuối cùng trước khi tắt hẳn. Khi nội các mới thành lập vào năm 1993, nhiều nhà kỹ trị, trong đó có Radius, đã bị thay thế và nhóm đã để mất vài vị trí truyền thống của mình vào tay những người ủng hộ Habibie. Lực lượng theo dân tộc chủ nghĩa và nhóm “thân hữu” cuối cùng đã giành thế thượng phong.
Ảnh hưởng của Habibie lan rộng. Tháng 11-1994, Habibie trình làng một loại máy bay thiết kế hoàn toàn trong nước đầu tiên của Indonesia, chiếc N-250 có 70 chỗ ngồi. Sau khi nó lăn bánh ra khỏi nhà chứa máy bay tại Bandung lúc đó chìm trong màn khói lạnh được xịt để chào mừng sự ra đời của nó, Suharto tự hào đập vỡ một cái bình đất sét truyền thống trước mũi chiếc máy bay và đặt tên cho nó là “Gatotkoco”, theo tên của một chiến binh biết bay trong thần thoại của người Java. Những tham vọng phát triển IPTN của Habibie tiếp tục nảy nở. Ông mưu tính mở một nhà máy sản xuất máy bay tại Mỹ98 và vay trả góp 2 tỉ USD để phát triển một loại máy bay phản lực 130 chỗ ngồi.
Vẫn giữ lối đối xử xuê xoa dành cho những người thân quen, Suharto chưa bao giờ đòi hỏi Habibie phải tạo ra lợi nhuận hay sản xuất những sản phẩm chất lượng đỉnh cao. Các khoản tài chính của việc kinh doanh máy bay do Habibie chủ trương phần lớn là tồi dù không thể hiện rõ ràng. Các công ty của Habibie cũng không bị ép buộc phải cạnh tranh được ở tầm quốc tế giống như Park Chung Hee đã kiên quyết đòi hỏi các chaebol của mình.
Vì ít xuất khẩu được, Habibie chủ yếu dựa vào thị trường trong nước và đặc biệt là các khách hàng có liên quan đến nhà nước. Suharto bảo vệ Habibie trước mọi lời chỉ trích. Năm 1994, bộ trưởng tài chính đồng thời là một người được “Nhóm Mafia Berkeley” bảo trợ, Mar’ie Muhammad đã cố hạn chế việc rót tiền cho công ty máy bay của Habibie. Suharto liền chuyển những nguồn quỹ nhà nước từ một dự án tái trồng rừng sang cho Habibie. Khi một tạp chí trong nước chỉ trích một thỏa thuận do Habibie khởi xướng mua tàu chiến cũ của Đông Đức vào năm 1994, Suharto đã cho đóng cửa tạp chí đó.
Nhóm “thân hữu” cũng trở nên phát cuồng một cách không kiểm soát. Năm 1996, chính phủ trao cho Tommy quyền được phát triển một loại xe hơi nội địa nhãn hiệu Timor. Đối thủ cạnh tranh chính của Tommy trong cuộc đấu thầu là một người anh trai của Tommy tên là Bambang. Những hoạt động của Habibie, Tommy và những người thân quen khác đã dẫn đến tình trạng có hai nền kinh tế Indonesia cùng vận hành song song với nhau. Một do “Nhóm Mafia Berkeley” tổ chức và dựa vào sự liên kết chặt chẽ với kinh tế thế giới, với quy định của pháp luật, với những thông lệ kinh tế cơ bản vững chắc. Một được định hướng tập trung vào các nguồn lực nhà nước to lớn, các mối quan hệ cá nhân và luật lệ riêng của Suharto.
Hai nền kinh tế đối kháng tự nhiên với nhau. Những biện pháp bãi bỏ các quy định cấm, khuyến khích cạnh tranh và ưu tiên cho đầu tư nước ngoài mà “Nhóm Mafia Berkeley” cổ súy đã ăn dần ăn mòn nhiều đặc quyền của nhóm “thân hữu” và làm suy yếu dần sự che chở các doanh nghiệp nhà nước. Khi nhóm “thân hữu” thúc ép Suharto phải bảo vệ cho các vị trí của họ, họ đã làm què quặt nhiều nỗ lực cải cách kinh tế của các nhà kỹ trị. Đó là một vòng luẩn quẩn tự tiêu diệt mình mà chẳng bao lâu sau đã chứng minh bằng một kết cục thê thảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận