![]() |
Chính phủ quốc hữu hóa tài sản của hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài, bao cấp các mặt hàng thiết yếu như gạo và xăng dầu, ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước và trong quá trình đó, đã gây ra những khoản thâm thủng ngân sách khổng lồ.
Nợ nước ngoài của đất nước phình to, ban đầu chỉ là những khoản nợ đến từ các nước phương Tây và sau đó là những khoản nợ xuất phát từ khối các nước theo chủ nghĩa cộng sản. Việc Indonesia tránh xa chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ thái độ chống thực dân mạnh mẽ của Sukarno. Ở một đất nước đã trải qua cuộc chiến khốc liệt chống lại một cường quốc châu Âu để giành tự do, việc tham gia vào hệ thống kinh tế thị trường tự do bị phương Tây thống trị là điều vô cùng kinh tởm.
Tuy nhiên, đến năm 1965, nền kinh tế đất nước lâm vào ngõ cụt. Tỉ lệ lạm phát lên tới 650%, dự trữ ngoại hối bốc hơi, ngân hàng trung ương mất khả năng thanh toán thư tín dụng. “Mặc dù Indonesia vừa mới được thoát khỏi ách của chủ nghĩa thực dân nhưng với những chính sách của riêng mình, đất nước lại đang trượt về những điều kiện kinh tế tiền thuộc địa cách đó vài thế kỷ,” Radius viết.
Ngay tại thời điểm quyết định này, Widjojo và “Nhóm Mafia Berkeley” giành được quyền kiểm soát đối với việc hoạch định chính sách. Nhóm đã lo xa chuẩn bị kỹ càng từ trước. Lúc còn học ở Berkeley vào cuối những năm 1950, nhóm người Indonesia này đã gặp nhau mỗi tuần để bàn về các chiến lược phát triển khả thi cho đất nước của mình. Họ đã viết nhiều bài báo về tất cả mọi đề tài, từ cân đối ngân sách cho đến cải thiện các hệ thống giao thông.
Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự đào tạo kinh tế học kinh điển tại Berkeley, nhóm còn cố gắng kết hợp các chính sách tự do kinh doanh với những khái niệm kinh tế bắt nguồn từ văn hóa Indonesia. Một trong số đó là gotong royong, nghĩa là “tương hỗ”. Là một nhân tố cơ bản trong đời sống làng xã của Indonesia, gotong royong thể hiện cách thức một cộng đồng nông thôn cùng chung tay giúp đỡ các thành viên của mình như thế nào, đặc biệt là đối với những người đang trong hoàn cảnh khó khăn cần có sự tương thân tương ái.
Những khái niệm này đã “tạo cơ sở hình thành một nếp nghĩ mang tính ‘cây nhà lá vườn’ trong định hướng chính sách kinh tế rằng phải có trách nhiệm và quan tâm đến phúc lợi của từng cá nhân. Cách nghĩ này nhìn chung là tương hợp các nguyên lý kinh tế thị trường tự do,” Radius viết. Sự công nghiệp hóa nhanh chóng của Nhật Bản, Hàn Quốc và những Con hổ châu Á ban đầu khác cũng ảnh hưởng đến “Nhóm Mafia Berkeley”, đặc biệt là ảnh hưởng đến thành công của nhóm trong việc dùng xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dù nhóm này tin rằng Indonesia quá lớn và quá nghèo, không thể ứng dụng hoàn toàn đầy đủ các chương trình chính sách của các nước láng giềng.
Các phương pháp tạo nên Phép màu của Indonesia giống với cách thức của Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore hơn là của Nhật Bản và Hàn Quốc. Thương mại và đầu tư nước ngoài là những nhân tố nổi bật chứ không phải chính sách công nghiệp theo kiểu của MITI.
Nhóm ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn ngay khi Suharto giành được quyền lực. Sau khi từ Berkeley trở về nước vào đầu những năm 1960, một số thành viên của nhóm, trong đó có Widjojo, Salim và Wadhana được mời giảng dạy về kinh tế tại một trường đào tạo sĩ quan chỉ huy quân đội. Tại đó, họ đã gặp nhiều tướng lĩnh mà sau này trở thành những nhân vật chủ chốt trong chế độ Trật tự mới. Suharto cũng có một thời gian ngắn là học viên tại trường đó dù hầu hết các thành viên “Nhóm Mafia Berkeley” lúc ấy vẫn chưa biết nhiều về ông.
Điều đó đã thay đổi trong một hội nghị do chính quyền Trật tự mới tổ chức tại Bandung vào tháng 8.1966. Các tướng lĩnh đã mời “Nhóm Mafia Berkeley” tới hội nghị trình bày các ý tưởng của họ về kinh tế cho các nhà lãnh đạo mới của quốc gia. Ấn tượng với kết quả chung của nhóm, Suharto nhanh chóng tập hợp “Nhóm Mafia Berkeley” thành đội ngũ cố vấn chính sách kinh tế trực tiếp cho ông. Suharto giao cho nhóm nhiệm vụ làm hồi sinh nền kinh tế Indonesia.
“Nhóm Mafia Berkeley” soạn thảo ra một kế hoạch cắt đứt với quá khứ. Chủ nghĩa xã hội, doanh nghiệp nhà nước và các chính sách mang tính dân tộc chủ nghĩa bị gạt bỏ ra ngoài; các thị trường tự do và đầu tư nước ngoài được đưa vào. Ưu tiên hàng đầu là chặn đứng lạm phát, một việc đòi hỏi phải cắt giảm chi tiêu chính phủ. Nhóm nhận ra những sự cắt giảm như vậy sẽ làm cho nhu cầu bị thu nhỏ lại, đẩy nền kinh tế vào nguy cơ có thể xảy ra suy thoái, dẫn đến hậu quả nặng nề hơn.
Nhóm nghĩ ra một kế hoạch gìn giữ, thậm chí là thúc đẩy, sự tăng trưởng kinh tế toàn diện đồng thời cùng lúc chống lại lạm phát bằng cách cắt giảm mạnh mẽ một số loại chi tiêu, chủ yếu là chi tiêu của chính phủ, nhưng chỉ đạo khu vực ngân hàng giữ nguyên mức tín dụng cho vay đối với những ngành nghề được lựa chọn có khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng mới. Ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất thấp hơn thị trường nhằm khuyến khích đầu tư.
Theo như Radius giải thích, mục tiêu là “tạo sức mua từ mức gần như bằng 0”. Radius cho biết các chính sách hoạch định thực hiện mang tính “không chính thống và cấp tiến”. “Đối với một số người, ý tưởng này là ngược đời nhưng đối với các nhà hoạch định kinh tế thì ổn định mà không tăng trưởng cũng giống như tham dự Olympics mà chỉ về thứ tư - chẳng có huy chương, chẳng có diễu hành, chỉ là một thành tích dù vẻ vang nhưng vẫn bị xem như thất bại… Không ai, thậm chí ngay cả nhóm kinh tế, biết được liệu các biện pháp đề ra có hiệu quả hay không.”
“Nhóm Mafia Berkeley” buộc phải thuyết phục Suharto tin vào kế hoạch. Suharto chẳng có khó khăn gì đối với việc từ bỏ chủ nghĩa xã hội. Về sau, ông đổ lỗi sự lộn xộn dưới thời Sukarno cầm quyền cho tình hình kinh tế sa sút. “Sự đi xuống trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước mà chúng ta đã trải qua trong suốt thời kỳ đó là do thiếu bóng dáng của phát triển kinh tế,” Suharto viết. Ông nhận ra rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giúp thúc đẩy lòng trung thành đối với chế độ Trật tự mới và củng cố sức mạnh của chính bản thân quốc gia.
“Chế độ Trật tự mới phải ưu tiên hàng đầu cho phát triển kinh tế. Cùng với sự nâng cao về kinh tế, việc xây dựng đất nước, xét theo nghĩa rộng, có thể cũng tiến bộ theo,” Suharto viết. Có lẽ hơn ai hết, cũng giống như Park Chung Hee, Tưởng Giới Thạch và Lý Quang Diệu, Suharto hiểu rằng cải thiện đời sống ấm no hạnh phúc của đông đảo dân số Indonesia khổng lồ sẽ giúp ích cho ông trong cuộc chiến chống lại lực lượng cánh tả đối lập.
Bob Hasan, một người bạn lâu năm của Suharto cho biết Suharto “luôn luôn đặt lợi ích của mình trong lợi ích của cộng đồng, của nhân dân, của các nông trại. Bằng không thì nếu anh nghèo, tất cả mọi người sẽ ngả theo phe cánh tả.” Radius viết rằng “chính quyền Trật tự mới đã đặt cược sinh mệnh chính trị của mình vào việc xây dựng nền kinh tế Indonesia. Nếu họ thất bại trong nỗ lực này thì uy tín của họ lẫn nền tảng cơ bản mà họ dựa vào để xây dựng nên chế độ mới có thể sẽ bị hủy hoại.”
Tuy nhiên, một số giải pháp cụ thể do “Nhóm Mafia Berkeley” đề xuất mang tính nguy hiểm về mặt chính trị đối với chế độ mới. Vấn đề nhạy cảm nhất là đề xuất giảm bao cấp cho hàng tiêu dùng. Wardhana cho biết chính phủ đã bao cấp cho chi phí xăng dầu quá nhiều đến nỗi “giá (xăng dầu) thậm chí còn rẻ hơn giá một cốc nước lạnh”. Cắt giảm bao cấp đóng vai trò quyết định đối với việc đưa ngân sách vào tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nó có thể cũng gây ra phản ứng giận dữ của dân chúng, thậm chí là bạo loạn. “Nhóm Mafia Berkeley” thúc ép thực thi giải pháp này. Wardhana kể nhóm đã nói với Suharto rằng: “Ngài cần phải làm điều này. Bằng không, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng lờ đờ.”
Cuối cùng, Suharto cũng thông qua các kế hoạch của “Nhóm Mafia Berkeley”. “Nhóm kinh tế không thể làm được điều đó một mình,” Wardhana giải thích. “Anh cần phải có một người rất mạnh đứng đằng sau (các chính sách).” Chính Suharto là người “đã khiến cho những biện pháp không được lòng nhiều người này có thể thực thi được”. Tháng 10-1966, những nhân tố đầu tiên trong kế hoạch bình ổn đã được triển khai thực hiện.
Các nhà kỹ trị đã sử dụng chương trình cụ thể này để thuyết phục giới đầu tư nước ngoài của Indonesia đồng ý tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ của đất nước. “Nhóm Mafia Berkeley” đã sao chép những giải pháp này vào một bộ luật đầu tư mới, ban hành năm 1967 với nội dung chào đón các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại Indonesia. Chính phủ thậm chí hoàn trả lại một số tài sản đã bị quốc hữu hóa dưới thời Sukarno cho những chủ sở hữu cũ là người nước ngoài.
Chương trình nhiều tranh cãi của “Nhóm Mafia Berkeley” đã phát huy tác dụng. Năm 1969, lạm phát giảm xuống còn dưới 10% và nền kinh tế cũng quay đầu tăng trưởng. Từ năm 1966 đến năm 1970, GDP tăng trưởng ở mức sôi động 5,8% mỗi năm. Những bước đi đầu tiên này, theo như Wardhana đánh giá, là “khởi đầu cho chính sách kinh tế thành công”. Suharto và “Nhóm Mafia Berkeley” của ông đã đưa Indonesia vào con đường tiến tới Phép màu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận