19/01/2010 00:15 GMT+7

Cha - con và câu chuyện "nhịp cầu"

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Tháng 4-1955, Platon Alexandrovich và cô con gái Janine ra Hà Nội rồi trở về nước Nga sau 15 năm trời luân lạc. Từ đấy ông chuyển sang làm báo, dùng ngòi bút, sự trải nghiệm của đời mình để nối nhịp cầu Nga - Việt, truyền đi những thông điệp hòa bình...

0m8uZeXd.jpgPhóng to
Tấm ảnh kỷ niệm chụp trước khi Platon rời VN

Kỳ 1: Ký ức nơi miền tuyết trắngKỳ 2: Bi kịch của chiến tranhKỷ 3: Con đường chính nghĩa

Hãy nói tiếng Việt và hướng về nơi ấy...

Giải thích về sự lựa chọn xin vào làm việc ở ban tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva, Platon viết như sau:

“Tôi chọn nghề báo để có cơ hội chia sẻ với mọi người những trải nghiệm đáng sợ của một người lính đã đi qua nhiều cuộc chiến. Có hai lý do chính để tôi chọn nghề này. Thứ nhất, với 15 năm binh nghiệp, lúc đứng về chính nghĩa, lúc bị đẩy về bên kia, tôi đủ hiểu súng ống, chiến tranh là điều không nên có ở bất cứ nơi nào. Tôi muốn dùng ngòi bút để truyền đi thông điệp đó. Thứ hai, tôi chọn về làm ở ban tiếng Việt là vì quê hương thứ hai của tôi, vì đứa con gái mang nửa dòng máu Việt, đó là Janine”.

Ở ban tiếng Việt Đài phát thanh Matxcơva, Platon Alexandrovich là một trong số ít phát thanh viên nói giọng Nam bộ khá chuẩn. Cứ mỗi lần có cán bộ miền Nam nào sang Nga là ông lại tìm đến để nói tiếng Việt. Nhiều cựu sinh viên VN khi trở lại Nga, gặp ông đều tranh thủ ôn lại vốn tiếng Nga nhưng ông không chịu: “Hãy nói với tôi bằng tiếng Việt. Hãy kể cho tôi về VN, về các má và xứ dừa quê ngoại Janine”.

Để đứa con gái hiểu hơn về quê ngoại, ông dạy cho Janine tiếng Việt. Rồi khi Janine lớn lên, ông lại hướng con gái mình vào làm cùng ban tiếng Việt Đài phát thanh Matxcơva.

Janine nhớ lời cha dạy khi mới vào nghề: “Cha không muốn con quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đó là lý do cha muốn con vào làm ở đây. Có thể cha sai, nhưng lương tâm của một người cha không cho phép để con mình quên mất nguồn cội. Con hãy học tiếng Việt, hãy nói tiếng Việt và hãy hướng về nơi ấy như là quê hương của mình”.

Đưa những xấp bản thảo bằng tiếng Việt lúc mới chập chững bước vào nghề, Janine kể: “Lúc ở nhà, bố thường nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt. Bố sửa cho tôi từng con chữ, từng cái dấu... Ông vừa là một người cha mẫu mực, vừa là một người thầy nghiêm khắc, một đồng nghiệp tin cậy. Có lần, khi đọc xong bản thảo của tôi, ông đỏ mặt rồi vò ném ngay vào giỏ rác. Đó là lần tôi viết sai địa danh “Bến Tre” thành “Bến Che”.

Với ông, mảnh đất này như là máu thịt, là thánh địa của linh hồn. Vì thế, không được hiểu sai, không được viết sai dù chỉ là một cái dấu”. Để con giỏi tiếng Việt hơn, dù khó khăn nhưng Platon vẫn cố gắng thu xếp cho con về Hà Nội học thêm tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là lý do Janine nói tiếng Việt chuẩn theo giọng Bắc.

Nói về điều này cô cũng có cách lý giải khá thú vị: “Gia đình tôi có nét giống như số phận của nhiều gia đình người miền Nam tập kết ra Bắc: bố nói giọng Nam bộ còn con nói giọng Bắc. Nhiều người thường nói đùa gia đình của bố Thành là dân tập kết...”.

Dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống tiểu đoàn 307 (1988), tỉnh Bến Tre đã mời ông trở lại VN. Cuộc hội ngộ giữa những cựu binh có nhiều nước mắt, nhiều tiếng cười. Sau khi cùng nhau hát vang “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang...”, các đồng đội hỏi ông có nguyện vọng gì ở Bến Tre? Vẫn mộc mạc, chân tình như thời ở chiến khu, ông nói: “Cho tôi được ăn một bữa cơm với ba khía và rau lang luộc chấm chao cùng các má ở chiến khu!”.

Qsj8h30m.jpgPhóng to
Janine (thứ hai từ phải sang) bên mộ mẹ, trong lần trở về thăm quê ngoại năm 1988 - Ảnh do gia đình cung cấp

“Trước chiến tranh là hòa bình!”

Janine nhớ lại những ngày cuối đời của bố:

“Bố thường thức dậy lúc nửa đêm, châm trà ngồi trầm tư một mình. Những lúc như thế ông thường kể cho tôi nghe chuyện những người Do Thái bị người Đức sát hại dã man mà ông chứng kiến. Ông kể cho tôi nghe về những đứa trẻ khóc thét bên xác cha ở xứ dừa, về những bà má nhìn con chết mà không dám khóc... Bố luôn nhắc tôi rằng trước chiến tranh là hòa bình! Đừng bao giờ tìm hòa bình sau chiến tranh, hãy nhớ trước đó hòa bình đã hiện hữu. Chiến tranh là kết cục của lòng thù hận, lòng tham...”.

Platon Alexandrovich dạy con gái lúc mới tập tành cầm bút: “Con hãy đứng về những người yếu thế, những người bị áp bức nhưng cũng đừng thù hận những người trót lỡ lầm...”. Người vợ ở Bến Tre đã rời bỏ ông khi ông rút về hoạt động bí mật, nhưng ông vẫn giữ những tấm hình thời son trẻ của bà đến tận ngày ông qua đời. Ông luôn nói với Janine những điều tốt đẹp về mẹ, xem quá khứ như là một nỗi buồn của chiến tranh, loạn lạc.

Năm 1988, có dịp trở lại VN, ông kính cẩn đặt lên mộ mẹ vợ và vợ những bó hoa tươi do chính mình mua rồi nói với Janine: “Nếu con biết tha thứ, cuộc đời sẽ bớt đi những gánh nặng muộn phiền”.

Ông ghi lại những suy nghĩ của mình: “Thật lòng mà nói tôi không hề căm ghét người Đức, tôi cũng không thù hận người Pháp. Điều duy nhất tôi căm thù là chiến tranh, là áp bức! Nếu có dịp, tôi sẽ bắt tay với những người đã hành hạ tôi lúc còn là tù binh, tôi sẽ ôm những cựu lính lê dương để nói với họ: tiếc rằng tôi và anh không biết nhau trước khi chiến tranh xảy ra, lúc ấy là hòa bình!”.

Trước khi chia tay, Janine đưa tấm hình của bố chụp trước khi về Nga cho tôi xem, đó là bức hình Platon đứng bên hàng cau với vẻ đầy lưu luyến. Chị nói: “Tôi sẽ đưa con và các cháu trở lại xứ dừa để nói với chúng rằng nơi ấy là một phần máu thịt của chúng. Kể cho chúng nghe về chiến tranh, kể về ông ngoại để chúng hiểu cái giá của hòa bình...”. Đó cũng là ước mơ cuối đời của “Việt Minh” Platon Alexandrovich!

____________________

Khởi đăng hồ sơ: Sông Hồng thời cạn kiệt

Đến 9g ngày 7-1-2010, mực nước sông Hồng chỉ còn 0,5m. Đây là mức cạn kỷ lục của con sông “huyền thoại nước Việt” này trong vòng 107 năm qua. Điều gì đang xảy ra? Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đi dọc sông Hồng sẽ gửi về những tường trình mới nhất!

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên