01/05/2006 07:00 GMT+7

"Cây sáng chế" ở xóm Mía

ĐẶNG TƯƠI
ĐẶNG TƯƠI

TT - “90% nông dân ở đây xài máy do Hai Thới chế, ngon lành mà tiết kiệm lắm à nghen” - anh nông dân chúng tôi gặp trên đường đến xóm Mía, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, Tây Ninh cho hay như vậy.

GVHOk5WO.jpgPhóng to
Anh Hai Thới (trái) và nông dân Trần Văn Tèo trên chiếc máy trục bùn bên dòng sông Vàm Cỏ Đông - Ảnh: ĐẶNG TƯƠI
TT - “90% nông dân ở đây xài máy do Hai Thới chế, ngon lành mà tiết kiệm lắm à nghen” - anh nông dân chúng tôi gặp trên đường đến xóm Mía, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, Tây Ninh cho hay như vậy.

Anh chính là Lê Minh Thới, vừa đoạt giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc” với hai chiếc máy: trục bùn và máy kéo lúa qua sông.

Năm năm, 150 chiếc máy

Tôi tìm đường ra bờ sông Vàm Cỏ Đông, bên kia bờ là ruộng lúa. Xóm Mía có 333ha ruộng với 535 hộ dân, 90% làm nông nghiệp. Làn gió mát từ mặt sông khiến buổi trưa nóng nực trở nên dễ chịu. Anh nông dân Trần Văn Tèo đang tỉ mẩn săm soi chiếc máy trục bùn, sản phẩm của Hai Thới: “Cái “cha” Hai Thới này hay à nghen, nghĩ ra nó đỡ cho tụi tui lắm, dễ làm, ít hao xăng lại không hư nhiều”.

Trước cái máy này, anh Tèo từng thuê chiếc máy trục bùn của một đơn vị nghiên cứu lớn về làm. “Nó xới đất không đẹp, cái bọc sên ở giữa hở nên chạy bị sót một dòng rạ, lại phải chạy thêm, rất bất tiện” - anh Tèo giải thích. Đó là nhược điểm khiến anh Hai Thới đau đầu. Mày mò chế tạo bằng những vật dụng đơn sơ có trong nhà: một cái mâm, một máy hàn, kéo và khoan, mượn thêm chiếc máy tiện của người bạn, Hai Thới làm ra chiếc máy trục bùn chạy bằng dầu.

“Giá thành giảm 20%, giá nhiên liệu cũng giảm 40% lại tán nhuyễn đất, không cần chạy nhiều lượt, vậy là vừa bụng rồi” - anh Tèo nhận xét. Trong năm năm, 150 chiếc máy đã ra lò từ nhà Hai Thới. Nhiều nông dân ở Củ Chi (TP.HCM), bến đò Lộc Giang, Sóc Lào, Bà Nhã (Tây Ninh), Dầu Tiếng (Bình Dương)... cũng lặn lội sang tận nơi xem máy và “vác” về.

Cách đó không xa, hai cỗ máy chở lúa qua sông đang chuẩn bị rời bến. Tác giả chiếc máy này không ai khác là Hai Thới. “Hồi trước cứ vào mùa thu hoạch là cả làng, cả xóm đều chạy đôn đáo thuê nhân công vác lúa. Có nhà không thuê được người vác nên ban đêm phải ra ruộng nằm giữ lúa.

Anh Thới lại suy nghĩ, ngày này đêm nọ, có khi nửa đêm thức giấc ngồi gò gò, hàn hàn. Chiếc máy kéo lúa chào đời, sau này đi thi sáng tạo anh đặt tên khá mỹ miều: “máy kéo lúa vùng bưng ven sông”. Hai bánh sau của máy là hai bánh lồng bằng sắt dễ dàng chạy trên ruộng bùn sình. Nhân công giảm đáng kể: một chủ lúa tối đa chỉ cần hai người là xong việc.

Đổi đời nông dân

Hai Thới đưa đôi bàn tay dính đầy dầu mỡ đen thui quệt mồ hôi: “Bà con gọi đó là chiếc máy đổi đời. Tui cũng gọi vậy vì nhờ nó mà tui cũng đổi đời”. Cả nhà Hai Thới trước đây đều làm thuê cuốc mướn khắp ruộng rẫy vùng này. Lúc Hai Thới lấy vợ, phải dựng tạm cái chòi đủ kê giường làm “túp lều tranh, hai quả tim vàng”. “Cắm câu cả ngày không được một lít gạo” - anh kể. Anh quay về nghề cũ: đập lúa thuê.

Một ngày cày lưng mỏi như giần chỉ được một thúng. Tức mình, Hai Thới tự chế cho mình cái máy đập lúa bằng chân bàn máy may của mẹ anh, một ngày đập được mấy thúng gạo. Nông dân thấy vậy bỏ bồ đập lúa, kêu Hai Thới chế máy cho họ. Thế là ra cái nghề! Đời Hai Thới đổi thay từ đó! Từ tiệm nhỏ ban đầu, nay gia đình anh đã có xưởng lớn, ngày nào cũng có nông dân đặt hàng làm máy đều đặn.

Hai Thới “khoe” mình vừa trở thành thành viên Hội Cơ khí nông nghiệp VN. Đang vui cười bỗng anh trầm ngâm: Nông dân ở đây còn thiếu máy gom lúa. Đã có máy cắt lúa, người dân tốn 200.000 đồng/công cắt/ha, nhưng công gom lại tốn tới... 300.000 đồng/công/ha. “Mà khi nào mưa không gom kịp là ướt ráo, tui đang tính chế ra cái máy này đây”.

Vậy đó, không khi nào trong đầu Hai Thới thôi suy nghĩ những sáng kiến trên đồng ruộng.

ĐẶNG TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên