16/01/2010 07:40 GMT+7

Cây đờn kìm

LÊ VĂN QUANG (Năm Tiều)(Tiền Giang)
LÊ VĂN QUANG (Năm Tiều)(Tiền Giang)

TT - Vào một ngày tháng 7-1973, khi đi ngang tiệm cầm đồ bình dân PN tại chợ Sa Đéc, tôi thấy trong tủ kính có để một cây đờn kìm, được bọc trong áo bằng kaki đen.

Người quản lý tiệm cho biết chủ cây đờn là thầy Hai Minh, đem cầm 2.000 đồng để có tiền trị bệnh cho đứa con đau nặng, hẹn một tuần sau đến chuộc, nhưng nay đã hơn một năm mà không thấy thầy Hai Minh trở lại, nghe nhiều người đồn thầy bị bắt vì hoạt động cho Việt cộng.

Tôi hỏi người quản lý rằng tông tích thầy Hai Minh hiện giờ không rõ, vậy tôi có thể mua lại cây đơn này không? Người quản lý đáp: “Ông muốn mua thì tôi bán cho. Theo luật lệ cầm đồ, món đồ cầm quá ba tháng mà không ai đến chuộc hoặc đóng tiền lời thì tiệm có quyền phát mãi”.

Sau khi thỏa thuận, tôi chi ra 2.200 đồng và mang đờn về nhà. Xem kỹ lại thấy cây đờn rất đẹp. Cần và vành đều bằng gỗ trắc, mặt trước mặt sau bằng gỗ cây ngô đồng. Vành được cẩn ốc xà cừ mai, lan, cúc, trúc, khoảng cách giữa các phím đờn đều cẩn hoa văn.

Mặt sau thùng đờn có ghi hai chữ “Hữu Minh” kèm theo chữ ký bằng bút nỉ màu đen đậm.Tôi hết sức vui mừng vì mua được cây đờn vừa ý với giá quá rẻ. Nếu là người trong nghề sẽ biết cây đờn ấy dù có kêu giá 20.000 đồng cũng không đắt. Có lẽ chủ tiệm cầm đồ không hiểu về cổ nhạc nên không biết giá trị thật của cây đờn.

***

Tôi là người trong giới đờn ca tài tử, biết sử dụng đờn kìm nhưng không giỏi lắm. Một bữa nọ, vào năm 2003, tôi đang ngồi trước hàng ba luyện bản Ngũ đối hạ, bỗng một người đàn ông trạc ngoài 60 tuổi, mang quang gánh đi mua phế liệu, ăn mặc lam lũ, đội chiếc nón tai bèo đã sờn, gương mặt rất sáng, bước đến cạnh tôi.

Ông hỏi tôi có nhôm, sắt vụn, đồ mủ gì bán không. Tôi mời ông ngồi rồi bảo người nhà lựa tìm phế liệu để bán. Ông nhìn chằm chằm vào cây đờn rồi hỏi tôi mua cây đờn này ở đâu. Tôi thành thật trả lời ông là mua đờn tại tiệm cầm đồ bình dân PN ở Sa Đéc cách nay 30 năm và thuật lại lời người quản lý về chủ nhân của nó. Ông mua phế liệu xin cho xem đờn. Ông lật qua lật lại, xem từ thùng đến cần đờn rồi bỗng sụt sùi rơi nước mắt làm tôi không khỏi ngạc nhiên.

Tôi hỏi vì sao ông lại quá xúc động. Ông nghẹn ngào bảo chính mình là Nguyễn Hữu Minh, chuyên đờn kìm, có một thời từng góp mặt cùng các bậc đàn anh như Sáu Trinh, Ba Đờn, Sáu Nhỏ ở Sa Đéc. Tôi liền trao đờn cho ông, ngụ ý muốn nghe ông đờn. Ông cầm đờn lên, rao các điệu nam, bắc, oán rồi đờn ba câu vọng cổ dây hò năm, còn gọi là hò cống (rất ít ai đờn). Ngón đờn của ông rất tươi mướt, tiếng đờn khoan nhặt, bổng trầm, không kém các danh cầm Năm Cơ, Sáu Tửng.

Tôi xin phép gọi ông bằng anh vì tôi cũng xấp xỉ tuổi ông. Tôi hỏi thăm về quá khứ, thân thế, anh Minh từ từ kể: “Năm 1972, lúc chiến tranh ác liệt, con trai tôi lâm bệnh nặng mà trong nhà không có tiền. Bất đắc dĩ tôi phải đem cây đờn yêu quý của mình đến tiệm cầm đồ thế tạm. Chủ tiệm không mấy mặn mà với món hàng nhưng vì chỗ quen biết nên ông thuận trao cho tôi 2.000 đồng. Ba hôm sau tôi bị bắt vì một tên chiêu hồi chỉ điểm.

Tôi bị giam cầm, tra tấn và cuối cùng bị đày ra đảo Phú Quốc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mới trở về. Tôi hết sức đau khổ khi biết tin vợ và con tôi đều chết vì bạo bệnh sau một năm tôi bị đi đày. Nay gặp lại vật sở hữu của mình làm sao khỏi bùi ngùi xúc động!”.

Để chứng tỏ mình không nói dối, anh Minh cầm bút ký tên trên một tờ giấy. Tôi xem lại giống y như chữ ký ở mặt sau cây đờn. Tôi hỏi thăm anh về cuộc sống hiện nay, anh bảo đã từng làm bốc vác, phụ hồ và giờ thì mua bán phế liệu sống qua ngày. Anh Hữu Minh ngỏ ý muốn chuộc lại cây đờn theo giá thị trường hiện nay. Nếu tính đúng, tính đủ thì có hơn 2 triệu đồng. Tôi liền bảo anh: “Hãy tìm hộ tôi một cây đờn kìm khác rồi mang cây đờn của anh về để được “vật hoàn cố chủ”. Anh rối rít cảm ơn tôi.

Một tháng sau, giữ lời hứa anh Hữu Minh đến giao cho tôi một cây đờn kìm khá đẹp, cũng vành, cần bằng gỗ trắc, mặt bằng gỗ cây ngô đồng nhưng không cẩn ốc xà cừ. Âm thanh của đờn là 9/10 so với cây đờn cũ của anh.

Anh hẹn trở lại thăm tôi sau khi giải quyết xong số phế liệu còn để tại nhà ở tận huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Đã hơn sáu năm rồi mà anh Hữu Minh vẫn bặt tăm, vắng bóng. Chẳng biết ông bạn đáng thương ấy ở đâu khi tôi viết những dòng này.

Tháng 12-2009

LÊ VĂN QUANG (Năm Tiều)(Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên