Nhiều doanh nghiệp lo ngại kết quả giám định ở VN vênh với nước ngoài có thể khiến họ mất uy tín, thiệt hại. Trong ảnh: làm hàng xuất khẩu cho các tập đoàn đa quốc gia tại một doanh nghiệp sản xuất linh kiện VN - Ảnh: Anh Đức |
“Chúng ta có một “rừng” tiêu chuẩn và quy chuẩn” - ông Nguyễn Hoàng Linh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học - công nghệ), khẳng định như vậy tại diễn đàn “Chính sách thương mại an toàn thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu VN” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) vừa tổ chức gần đây ở TP.HCM.
Với nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn như vậy, đáng ra người dân, doanh nghiệp VN phải được an tâm và hài lòng với việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa...
Tuy nhiên, cũng theo ông Linh, dù là nước được xếp vào nhóm quốc gia có nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia nhất hiện nay, với rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều tiết nhưng thực tế không ít quy định mà VN đang áp dụng lại... chưa phù hợp, dàn trải.
Hệ thống quản lý vẫn còn tình trạng “giật cục”, dẫn đến quy chuẩn áp dụng chung cho doanh nghiệp không thống nhất, đồng bộ.
Với tiêu chuẩn VN, hiện đang có đến 795 tiêu chuẩn VN, trong đó 75% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, chủ yếu là tiêu chuẩn Codex, ISO. VN cũng có tới 97 quy chuẩn VN.
Chính ông Linh cũng băn khoăn đặt vấn đề: “Vì sao vẫn còn tình trạng kết quả thử nghiệm, chứng nhận được thực hiện trong nước không chính xác, có mức độ sai số cao?
Dẫn đến trường hợp dù doanh nghiệp đã cung cấp đầy đủ quy trình sản xuất, chế biến được kiểm soát hoàn chỉnh, nhưng khi bị đối tác thử nghiệm lại thì không đáp ứng yêu cầu”.
Để xảy ra tình trạng nói trên, ông Linh cho rằng chất lượng thử nghiệm, chứng nhận, giám định của một số tổ chức hoạt động, thử nghiệm hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Cũng như chưa có quy định chế tài, buộc phải chịu trách nhiệm đền bù cho doanh nghiệp nếu kết quả thử nghiệm không chính xác.
Ông V.H.N., giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, kể thực tế mà ông đã phải “chịu trận”: hàng bị trả về vì kết quả thử nghiệm, giám định ở VN có sự sai biệt rất lớn đối với kết quả của nước ngoài.
“Tôi sốc vô cùng. Mất tiền bạc, thời gian là một lẽ. Mà cái sợ nhất là mất uy tín, rồi mất luôn thị trường mới đáng sợ. Nhưng kiện ai bây giờ khi các quy định liên quan về lĩnh vực này gần như còn để trống” - ông N. cay đắng nói.
Không chỉ một mình ông V.H.N. từng phải chịu cảnh “cay đắng” trên. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết họ phải chịu rất nhiều thách thức, áp lực về việc phải duy trì chất lượng, thực hiện các hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của nước nhập khẩu.
Điều này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là khi hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu bị đối tác trả về sẽ bị mất uy tín trầm trọng.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước sức ép hội nhập quá sâu và mạnh như hiện nay, việc cần làm là nhanh chóng xã hội hóa hoạt động thử nghiệm, chứng nhận.
Trong đó, nên mạnh dạn mở rộng thử nghiệm chứng nhận cho tất cả tổ chức đánh giá sự phù hợp tư nhân, đầu tư của nước ngoài vào hoạt động trong lĩnh vực này, chứ không chỉ cho phép các tổ chức thuộc cơ quan quản lý.
Từ đó mới mong việc thúc đẩy hoạt động thừa nhận lẫn nhau cũng như kết quả đánh giá sự phù hợp do các tổ chức trong nước thực hiện sẽ được thừa nhận tại các nước nhập khẩu, như một sự “bảo chứng” có chất lượng hơn, kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận