04/09/2018 11:25 GMT+7

'Cấy' cán bộ trên đất lạ

L.KIÊN - Đ.TR. - Đ.BÌNH
L.KIÊN - Đ.TR. - Đ.BÌNH

TTO - Khi tìm hiểu kết quả thực hiện chủ trương của trung ương về bố trí bí thư cấp ủy và một số chức danh đứng đầu không là người địa phương, chúng tôi hết sức ấn tượng với Lai Châu - một trong những tỉnh nghèo khó nhất cả nước.

Cấy cán bộ trên đất lạ - Ảnh 1.

Chủ tịch Cứ A Sở (bìa trái) và bí thư Đỗ Trọng Thi (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện với dân bản Lào Chải 1 - Ảnh: NGỌC QUANG

Cháu ở địa bàn cháu biết Sở, nếu Sở không làm được việc thì cháu chịu trách nhiệm, các chú cứ “chặt đầu” cháu đi.

Đỗ Trọng Thi, bí thư Đảng ủy xã Khun Há

Ấn tượng đó được thể hiện bằng số liệu do Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu Phạm Văn Huỳnh cung cấp: "Ở cấp tỉnh hiện nay bí thư, chủ tịch, giám đốc công an, chánh án TAND, viện trưởng Viện KSND, cục trưởng cục thuế không là người địa phương. 

Ở cấp huyện thì 7/8 bí thư, 7/8 chủ tịch huyện, TP không phải người địa phương. Ở cấp xã thì đã bố trí được 29/108 bí thư, 34/108 chủ tịch không phải người địa phương...".

"Đồng bào ưng cái bụng thì làm gì cũng thành công"

Từ thị trấn huyện Tam Đường vào xã vùng sâu Khun Há, xe chúng tôi vắt vẻo trên lưng núi lưng đèo, bé nhỏ bên các thửa ruộng bậc thang mùa bông lúa mẩy hạt cúi đầu chờ đến kỳ thu hoạch. 

"Mùa này thuận mưa, người Mông người Thái được mùa lúa. Độ nửa tháng nữa lúa chín vàng thì đẹp lắm. Năm nay Khun Há chúng em đạt kỷ lục số lượt khách du lịch đến thăm. Riêng mùa tết đã có khoảng 8.000 lượt" - bí thư Đảng ủy xã Khun Há Đỗ Trọng Thi giới thiệu.

Đỗ Trọng Thi không phải là người ở Khun Há. Anh là thế hệ "F3" tính từ người ông ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) lên rẻo cao khai hoang lập nghiệp. 

Thi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, về dạy cấp III ở thị trấn Tam Đường, rồi được cất nhắc làm chuyên viên văn phòng UBND, lãnh đạo phòng nội vụ, giữ chức phó văn phòng HĐND và UBND trước khi được điều động vào Khun Há làm phó bí thư đảng ủy xã (thời điểm năm 2014, Thi ở tuổi 33). 

"Vào nhận công tác một thời gian thì em được bầu làm chủ tịch xã. Nói thật khi nhận nhiệm vụ em cũng ngán ngẩm lắm, lúc bàn giao trụ sở chỉ có một chiếc tủ sắt gỉ đựng một ít tài liệu. Nhưng em nghĩ mình còn trẻ, được cấp trên tín nhiệm nên phải làm cái gì đó, và em bắt đầu xuống bản..." - Thi nhớ lại. 

Và từ trung tâm xã, chúng tôi đề nghị chàng bí thư trẻ đưa lên bản xa để mục sở thị.

Bản Lao Chải 1 có 35 hộ gia đình người Mông sinh sống, ở đỉnh núi cao trên 1.700m. Đường đến bản quanh co, hiểm trở nhưng thi vị, bởi đồng hành là những đám mây trắng bồng bềnh. Chúng tôi gặp hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. 

Đầu tiên là mấy kilômet đường bêtông giúp chiếc xe hơi bảy chỗ leo lên đến bản. "Lấy tiền đâu để làm đường?" - chúng tôi hỏi. 

"Nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân hiến đất, góp tiền, góp công, Nhà nước cho nhựa đường, ximăng" - Thi đáp. 

"Nhưng Khun Há có 46% hộ nghèo (theo tiêu chí mới - NV) thì đâu phải ai cũng có tiền để góp?". 

"Khi cả bản nhất trí đóng góp làm đường rồi, chúng em quyết định khởi công. Nhà nào chưa có tiền thì bí thư, chủ tịch xã bảo lãnh cửa hàng cung cấp vật liệu bán trả góp cho bản, dân hứa đến mùa thảo quả, mùa lúa, mùa lan sẽ trả tiền".

Chúng tôi đứng giữa bản Lao Chải 1 ngắm những con đường trồng đầy hoa địa lan, phong lan, ngắm những ngôi nhà với chiếc cổng xinh xắn làm bằng tre nứa (nhà nào cũng gắn số, ghi tên chủ nhà trước cổng), những khoảng sân trồng hoa thẳng hàng, trên đường đi còn có nhà vệ sinh công cộng, thùng đựng rác, và những địa điểm "view" đẹp thì dựng chòi ngắm cảnh... 

Đây là bản Mông trên đỉnh dãy Hoàng Liên cao ngất ư? Thật khó tin. Nhưng xã Khun Há đã có 8 bản như vậy rồi. 

"Tại sao Khun Há làm được điều kỳ diệu ấy?" - tôi lại hỏi. Thi đáp ngắn gọn: "Khi đồng bào đã ưng cái bụng rồi thì làm gì cũng thành công anh ạ".

Nhìn ánh mắt rạng ngời của Cứ A Chu (người Mông đầu tiên ở bản Lao Chải 1 biết trồng địa lan để bán) khi trò chuyện với Thi, chúng tôi cảm nhận được rõ ràng niềm tin người dân trao gửi cho cán bộ. 

"Khi cán bộ Thi mới đến đây, là năm có rét đậm rét hại, tuyết rơi đầy, cây thảo quả chết hết, cán bộ hướng dẫn người Mông bản mình trồng địa lan bán cho khách du lịch, nên dân gọi hoa lan là cây giảm nghèo. 

Năm ngoái, bí thư Thi và chủ tịch Sở còn tự bỏ tiền mua cây đan sâm và lúa mạch cho dân trồng thử (làm thức ăn chăn nuôi)" - A Chu tự hào khoe. 

Cán bộ Thi còn dùng Facebook của mình và nhờ bạn bè quảng bá để mời gọi du khách đến Khun Há.

Cấy cán bộ trên đất lạ - Ảnh 3.

Nụ cười của chủ tịch trẻ Cứ A Sở bên những người đồng bào của mình - Ảnh: LÊ KIÊN

"Cấy" cán bộ

Chủ tịch UBND xã Khun Há Cứ A Sở xuất thân từ giáo viên tiểu học, năm nay mới 32 tuổi. Khi Đỗ Trọng Thi được tín nhiệm bầu làm bí thư xã, Thi đã giới thiệu Sở là người kế nhiệm mình làm chủ tịch. 

"Nhìn dáng vóc Sở thư sinh, nhỏ bé, lúc đầu các chú lãnh đạo huyện cũng băn khoăn. Nhưng em hứa: cháu ở địa bàn cháu biết Sở, nếu Sở không làm được việc thì cháu chịu trách nhiệm, các chú cứ "chặt đầu" cháu đi" - Thi kể. 

Sở là con em đồng bào Mông, thông thuộc từng thôn bản, nương lúa, vườn cây nơi này. 

Nhìn cách Sở đứng giữa đám đông đồng bào dân tộc, hướng dẫn họ làm đường, dựng cổng, thảo luận với họ về việc mở lối đi, rồi tất cả cùng cười phá lên, chúng tôi tin rằng Thi sẽ không bị "chặt đầu" vì tiến cử người kế nhiệm.

Trở lại câu chuyện với bí thư Huyện ủy Tam Đường Hoàng Thọ Trung. Anh kể rằng khi tình hình Khun Há phức tạp (một số kẻ xấu lợi dụng việc truyền đạo để kích động bà con dân tộc, "vàng tặc" hoành hành bãi vàng Chính Sáng...), Ban thường vụ thảo luận và quyết định phải vực dậy xã vùng sâu này. 

Tất cả phải bắt đầu từ công tác cán bộ. "Mười năm trước, chúng tôi đưa ra tiêu chí người đứng đầu Khun Há phải là người "cứng" cả chuyên môn và độ tuổi, nên đã chọn một phó phòng nông nghiệp huyện để chỉ định làm bí thư. 

Đồng chí này làm tốt, được gần hai nhiệm kỳ thì nghỉ hưu. Khi đồng chí này sắp nghỉ hưu, chúng tôi lại đưa ra tiêu chí người kế nhiệm phải là cán bộ trẻ, năng động, có sức bật, chấp nhận thử thách, nên chúng tôi đã bàn bạc đưa đồng chí Thi về xã "cấy" trước, làm cấp phó một thời gian..." - ông Trung nhớ lại.

Bí thư Trung khẳng định hoàn toàn ủng hộ chủ trương của trung ương về việc bố trí một số chức danh chủ chốt, đặc biệt vị trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương để tránh tình trạng bè phái do cục bộ, dòng họ, vị nể... 

Khun Há trước đây lãnh đạo chủ chốt ở xã chủ yếu là do các dòng họ lớn "nắm giữ", nên có thời điểm họ chỉ "làm cho có", thậm chí cán bộ không đọc thông viết thạo... Câu chuyện "đổi đời" ở Khun Há rõ ràng có dấu ấn rất lớn từ việc sắp xếp, bố trí cán bộ.

Không có chuyện "tráng men"

Chúng tôi tìm lại người quen cũ, anh Sùng A Hồ, hiện là giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch. Gọi là người quen cũ bởi chúng tôi biết A Hồ từ thời Lai Châu mới tái lập tỉnh (năm 2004). 

Thời điểm đó anh là bí thư tỉnh đoàn trẻ nhất cả nước (28 tuổi). A Hồ kể: cuộc đời anh "phiêu bạt" qua nhiều địa danh miền Tây Bắc. 

Là người Mông quê ở vùng Hồ Bốn, Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) nhưng lại được sinh ra ở Sơn La, rồi đi học ở Lai Châu cũ (địa bàn Điện Biên bây giờ). Năm 2008, A Hồ rời tỉnh đoàn nhận nhiệm vụ chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ.

Bàn về chủ trương bố trí người đứng đầu không phải người địa phương, Sùng A Hồ chia sẻ: "Ở Sìn Hồ hơn 4 năm, từ khi làm chủ tịch huyện đến sau này là bí thư huyện ủy thì cá nhân mình từ suy nghĩ đến hành động đều rất công tâm, khách quan.

Nếu là người nơi khác đến, anh làm lãnh đạo mà không công tâm, không khách quan, vẫn móc nối để kéo bè kéo cánh là chết. 

Trước khi trở về tỉnh nhận nhiệm vụ giám đốc sở, A Hồ nói rằng phần thưởng cho anh là niềm tin của cán bộ, người dân cơ sở, thể hiện ở hai cuộc bầu cử anh đều nhận 100% phiếu bầu.

Tất nhiên, không phải mọi nhân sự lựa chọn đều mang kết quả như ý.

Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu Phạm Văn Huỳnh cho biết có vài trường hợp luân chuyển, điều động về địa phương nhưng không phát huy được, thiếu sức bật nên khi trở lại phải "hạ cấp" hoặc bố trí công việc ngang cấp trước khi luân chuyển. 

Bí thư Huyện ủy Tam Đường Hoàng Thọ Trung cũng dẫn chứng ở huyện mình có trường hợp trước khi điều động về địa phương đang ở cấp phó phòng, nhưng do không phát huy được nên trở về chỉ bố trí làm chuyên viên.

"Có tình trạng "chạy" luân chuyển? Hay luân chuyển chỉ để "tráng men" thời gian ngắn, rồi bổ nhiệm thần tốc?" - chúng tôi đặt hàng loạt câu hỏi cho ông Huỳnh. 

Ông đáp lại: "Tôi có thể khẳng định Lai Châu không có trường hợp bổ nhiệm thần tốc. Khi tham mưu về cán bộ thì tôi cũng dị ứng với những trường hợp lợi dụng cái gọi là xuất sắc, đặc biệt để bổ nhiệm thần tốc. 

Tỉnh ủy đã ban hành văn bản quy định về luân chuyển cán bộ, nêu rõ luân chuyển ít nhất phải 3 năm, và khi cán bộ đó lên hay xuống cũng phải đánh giá bằng hiệu quả công việc chứ không có chuyện tráng men".

Tiếp tục hoàn thiện các quy định

lao chải

Rất đỗi ngạc nhiên với những con đường bêtông sạch tinh tươm, hai bên trồng địa lan, những ngôi nha người Mông trên núi cao 1.700m với những chiếc cổng đánh số xinh xắn, luôn mở rộng đón du khách đến thăm - Ảnh: LÊ KIÊN

Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết để tổng kết các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, đặc biệt là chỉ thị 36-CT/TƯ ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, ban đã tổ chức các hội nghị, hội thảo dành cho trưởng Ban Tổ chức và bí thư các tỉnh, TP để có những đánh giá phục vụ việc điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với chủ trương, tình hình mới, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.

Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: "Kết hợp việc chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến.

Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp xã, cấp huyện đối với những nơi có đủ điều kiện.

Thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan không phải người địa phương".

Chủ trương này tiếp tục được cụ thể hóa tại nghị quyết trung ương 7 "về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".

Sau thời gian triển khai thực hiện, qua theo dõi và báo cáo bước đầu cho thấy đã có nhiều địa phương tích cực triển khai và đạt kết quả tốt, tiêu biểu như Lai Châu, Hưng Yên, An Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Yên Bái...

Nhìn chung, các ý kiến phản hồi mà Ban Tổ chức trung ương nhận được là sự đồng tình của xã hội đối với chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Các ý kiến phản biện, góp ý xác đáng sẽ được tiếp thu để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương.

Cán bộ trẻ phải có tâm phục vụ dân Cán bộ trẻ phải có tâm phục vụ dân

TTO - Công chức, viên chức phải giỏi, có đạo đức, có tâm phục vụ nhân dân thông qua việc nâng cao ý thức phục vụ công vụ, đạo đức nghề nghiệp - phó thủ tướng Trương Hòa Bình dặn dò các cán bộ trẻ.

L.KIÊN - Đ.TR. - Đ.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên