hủ tục, đời sống của bà con nông dân còn nhiều khó khăn. Cả xã chỉ có một trường cấp một, một trường cấp hai chứ không có trường cấp ba bởi hầu hết lũ trẻ trong xóm chúng tôi chưa kịp học hết cấp hai đã bị ba mẹ bắt ở nhà, với một lý do hết sức đời: “Học chừng đó là tính được tiền phân tro, tiền thuốc men, tiền vốn, tiền lời được rồi (con trai). Học chi cho lắm đặng ế chồng (con gái)!”.
Ba tôi chắc không sợ con gái ế nên tôi học xong cấp hai ba cho tôi lên thành phố ở trọ để học tiếp cấp ba. Ra khỏi cái xã buồn tẻ, thoát khỏi sự kiểm soát của hai đấng sinh thành, tôi như con chim vừa được sổ lồng tung cánh tận hưởng bầu trời bao la. Tôi mãi khám phá cuộc sống thành thị và những rung động đầu đời mà bỏ bê bài vở. Kết quả, từ một đứa con ngoan luôn đứng tốp đầu trong lớp của những năm cấp một cấp hai, tôi trở thành một đứa con nói dối như cuội và luôn ở tốp cuối lớp của những năm cấp ba.
Vậy nên, tôi đậu được tốt nghiệp trung học đã là kỳ tích. Tôi xuống Sài Gòn thi đại học với tâm thế đi cho biết chốn phồn hoa đô hội nhất cả nước, đi cho ba mẹ tôi vui lòng. Thế nhưng, ba mẹ tôi đâu biết điều ấy. Từ ngày tôi đi thi về, bữa cơm nào ba mẹ tôi cũng bàn tán chuyện thi cử rồi cứ đi ra đi vào ngóng trông. Sự chờ đợi và hi vọng của ba mẹ làm tôi lo phát sốt, tôi cầu mong lá thư báo điểm thất lạc, nếu không ba sẽ đánh tôi chết khi biết con gái tệ đến nhường nào.
Trời Phật đã không nghe lời cầu xin của đứa con hư hỏng như tôi. Bác đưa thư đã trao lá thư tận tay ba tôi. Ba môn thì hết hai môn ăn trứng vịt và một môn ăn thịt vịt. Ba tôi xem xong ngồi lặng trên bàn, tay cầm tờ giấy báo điểm cho đến nửa đêm, mẹ tôi bỏ cơm vào giường nằm thở dài thườn thượt, chị và em trai nhìn tôi lạ lẫm. Không ai la mắng hay đánh đập gì cả nhưng tôi thấy tim mình đau nhói, muốn thi lại nhưng không thể vì tôi biết mình không có khả năng.
Rồi tôi cũng giống như mấy đứa con gái trong xóm, ban ngày tôi ra đồng phụ bố mẹ, tối về đi chơi loanh quanh, chờ ngày lấy chồng, sinh con, rồi sáng sáng vác cuốc lẽo đẽo theo chồng ra đồng. Cuộc đời tôi sẽ như thế nếu không có một ngày...
Đó là sinh nhật tôi, cả nhà ai cũng tặng cho tôi những món quà hữu dụng. Mẹ thì áo lạnh, chị gái thì đồ trang điểm, em trai thì một cái nón xinh xắn. Khi quà của ba được mở ra, không chỉ tôi mà mọi người trong nhà đều ngạc nhiên, đó là một cây bút máy rất đẹp. Tôi nhìn ba dò hỏi. Ba bảo: “Thi đại học lại đi con!”. Chị tôi phũ phàng: “Học như nó chưa thi đã biết rớt rồi!”. Ba nhìn chị tôi nghiêm khắc: “Sao con lại nói vậy? Chẳng phải trước đây em con học rất giỏi là gì, để một đứa tài năng như nó mà làm vườn thì uổng lắm!”.
Nghe câu nói của ba, tôi như mảnh ruộng khô hạn lâu ngày gặp mưa, bởi lâu lắm rồi chẳng ai khen tôi khá huống chi là giỏi và tài năng. Câu nói của ba còn đánh thức bao ký ức tốt đẹp trong tôi: những con số mười đỏ chót, những phần thưởng mà tôi đã được nhận và cả ước mơ trở thành cô giáo.
Từ ngày ấy, ngày đêm tôi ngồi ôm đống đề thi cặm cụi giải. Thời gian đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc nghĩ mãi không ra tôi đã muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi bốn chữ “một đứa tài năng” đã kéo tôi quay trở lại.
Cái tin tôi thi đậu vào Trường đại học Sư phạm TP.HCM đã làm bạn bè tôi kinh ngạc. Mẹ, chị và em tôi cứ xuýt xoa mãi.Riêng ba tôi chỉ cười cười mà chẳng nói gì, như đó là điều hiển nhiên vậy.
Những tháng năm sau đó, cây bút của ba vẫn theo tôi ghi bài mỗi ngày, khi kiểm tra, lúc thi cử. Giờ đây, vỏ bút đã bị gỉ, ngòi bút đã cùn không viết được nữa, tôi cũng đã ít nhiều thành công trong công việc, nhưng tôi vẫn cần lắm cây bút này vì nó không chỉ là điểm tựa của cuộc đời tôi mà còn giúp tôi sống đẹp hơn với suy nghĩ: Hãy trao niềm tin để đổi lấy kỳ tích.
Áo Trắng số 8 ra ngày 01/05/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận