27/02/2008 17:11 GMT+7

Câu trả lời chưa thỏa đáng

Theo NGUYỄN THÁI SƠN - Pháp luật TP.HCM
Theo NGUYỄN THÁI SƠN - Pháp luật TP.HCM

315 lao động Việt Nam đã chết tại Malaysia, khoảng 1/3 trong số đó chết do đột tử.

77t0yerp.jpgPhóng to
Nhiều người lao động đã đến đây với giấc mơ thoát nghèo. Trong ảnh là Cục nhập cư Malaysia. Ảnh: THÁI SƠN
315 lao động Việt Nam đã chết tại Malaysia, khoảng 1/3 trong số đó chết do đột tử.

Kỳ 1: Đột tử - nỗi kinh hoàng của người lao động Kỳ 2: Đón người về ở... kho hàng không

Ông Đào Công Hải - cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Cục QLLĐNN) - nói: “Cục rất hoan nghênh báo Pháp Luật TP.HCM đã đi sâu vào vấn đề này. Chúng tôi đã báo cáo đề xuất Chính phủ và đề nghị các cơ quan khác phối hợp tham gia tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp”.

Đột tử nhiều: năm năm vẫn không tìm ra nguyên nhân

Theo Cục QLLĐNN, trong thời gian qua đã có 130.000 lượt lao động VN xuất khẩu sang Malaysia, chủ yếu làm việc trong các ngành sản xuất, chế biến. Lãnh đạo cục cho biết từ năm 2003 đã nhận thấy có một số bất thường là nhiều trường hợp chết vào các ngày nghỉ, trong đó lao động đột tử chiếm 1/3 tổng số ca chết. Nếu tính từ tháng 4-2002 (thời điểm VN bắt đầu đưa lao động sang Malaysia) đến tháng 1-2008 đã có 315 trường hợp chết. Tuy nhiên đến nay cục chưa có thống kê cụ thể về từng nhóm độ tuổi, môi trường làm việc, giới tính của những lao động chết.

Theo thống kê của sân bay quốc tế Nội Bài, đa số thi hài của người Việt Nam chết ở nước ngoài đều được chuyển về từ... Malaysia.

Tháng 6-2007, sân bay này tiếp nhận 10 thi hài từ Malaysia trong tổng số 15 thi hài. Tháng 7 là 6/11 trường hợp, tháng 8 là 11/12 trường hợp, tháng 9 là 8/9 trường hợp và tháng 10 là 6/8 trường hợp.

Thật sự thì hiện tượng người lao động VN chết quá nhiều tại Malaysia đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Tháng 10-2005, trả lời báo chí, phó cục trưởng Cục QLLĐNN Vũ Đình Toàn cũng lý giải đột tử do người lao động sức khỏe kém, kiểm tra sức khỏe không kỹ nên không phát hiện bệnh tiềm ẩn, do thay đổi khí hậu, uống rượu, bật quạt máy nằm ngủ vào buổi tối. Thời điểm ấy ông Toàn khẳng định sau khi được nhắc nhở và khuyến cáo, chấn chỉnh việc khám sức khỏe, số lao động chết đã giảm rất nhiều.

Và bây giờ sau ba năm, số lao động VN chết ở Malaysia không hề giảm, nếu không nói là ngày càng tăng.

Ông Đào Công Hải nói: “Từ năm 2005, chúng tôi đã cử một đoàn công tác đặc biệt do các chuyên gia của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế sang Malaysia tìm hiểu nguyên nhân chết, môi trường ăn, ở của lao động VN. Nhưng kết lại chỉ thấy là nguyên nhân bất thường”.

Các điều kiện về sức khỏe từng bị buông lỏng

Theo Cục QLLĐNN, mặc dù chưa có kết luận và thống kê cụ thể nhưng nguyên nhân chết là do tai nạn lao động, tai nạn giao thông và đột tử. Nguyên nhân đột tử được giải thích là nhiều lao động không đủ các điều kiện về sức khỏe. Ông Hải cho biết đã có một thời gian cả phía VN và Malaysia buông lỏng vấn đề này. Tuy nhiên đến nay, việc khám sức khỏe cho lao động đã được chấn chỉnh từ hai phía.

Theo ông Hải: “Có thể nói người VN không khỏe hơn so với các quốc gia khác về thể lực. đặc biệt chúng ta chỉ phù hợp với môi trường ẩm, còn sang các nước khác khí hậu khô, chênh lệch nhiệt độ rất lớn nên sức đề kháng của người lao động không tốt. Đặc biệt, nếu lao động đã có tiền sử bệnh tim mạch thì rất dễ dẫn đến bị đột biến. Mặt khác, nhiều lao động sinh hoạt không điều độ, uống rượu nhiều, làm việc quá sức và ăn uống không tốt nên gây ra những biến chứng dẫn đến chết”.

Theo điều tra của phóng viên, có nhiều trường hợp nhiều lao động VN trong một công ty đột tử. Đơn cử như Công ty Strategic Products, bang Selangor đã có hai lao động VN chết cách nhau chưa đầy hai tháng và tại cùng một phòng nội trú.

Câu trả lời chưa thỏa đáng

Theo Cục QLLĐNN, người lao động VN sang nước ngoài được tham gia một số bảo hiểm như tai nạn lao động, y tế, rủi ro và thất nghiệp. Nếu chết trong thời gian hợp đồng lao động còn hiệu lực thì nạn nhân sẽ được giải quyết chế độ tùy theo từng loại hình bảo hiểm. Chết ngoài giờ lao động như bị tai nạn giao thông, đột tử sẽ được điều chỉnh bởi bảo hiểm tai nạn rủi ro, mức chi trả khoảng 20.000-23.000 ringgit. Những khoản này sẽ do công ty phía Malaysia chi trả.

Tuy nhiên, qua tiếp xúc với thân nhân các lao động bị chết cho thấy họ không được biết về khoản này. Số tiền mà gia đình nhận được sau khi người lao động chết là 20-30 triệu đồng từ công ty đưa người đi lao động. Vấn đề đang đặt ra ở đây là người lao động có được giải quyết đúng chế độ, nếu được thì khoản tiền này “biến” đi đâu?

Ông Đào Công Hải, cục phó Cục QLLĐNN, Bộ LĐ-TB&XH:

Phải tin vào kết luận của nước bạn

* Thưa ông, qua các trường hợp cho thấy người lao động đã tuân thủ qui định khám sức khỏe, đủ điều kiện về sức khỏe nhưng nhiều người chết lại không liên quan đến tiền sử bệnh tật?

- Về vấn đề này thì phải do phía cơ quan y tế xác nhận.

* Ngoài về bệnh lý, ông có nghi ngờ lao động chết vì nguyên nhân nào khác?

- Thực tế khi có lao động chết tại Malaysia, việc đầu tiên là chủ sử dụng sẽ phải báo cho cảnh sát, sau đó cùng cơ quan y tế đến kiểm tra về pháp y, y tế và có kết luận nguyên nhân cái chết. Tất cả công việc này đều do bên phía bạn đảm trách. Trách nhiệm của mình chỉ là phối hợp để đưa thi hài lao động xấu số về nước. Những kết luận của họ về nguyên nhân cái chết như thế nào thì mình phải tin vào đó.

* Thân nhân một số lao động đột tử nói rằng người thân của họ chết không phải do bệnh tật mà là bị sát hại?

- Về những vấn đề này tôi chưa nghe thấy. Bản thân tôi cho rằng khi lao động làm việc ở nước ngoài sẽ phải tuân theo sự điều chỉnh pháp luật của nước bạn. Nếu đặt ra vấn đề đảm bảo an toàn cho người lao động thì cần phải dựa vào cấp chính phủ và chính phủ, các cơ quan lãnh sự để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động. Còn đối với những nghi vấn nói trên, có thể gia đình họ đã quá đau buồn nên mới nghĩ vậy thôi. Vấn đề này tôi nghĩ rằng phải xem xét ở một cơ quan khác.

Indonesia: 46 lao động chết tại Malaysia không rõ nguyên nhân

Hiện nay, có khoảng 1,5 triệu lao động người Indonesia tại Malaysia, trong đó có khoảng 300.000 lao động giúp việc nhà. Năm 2007 đã có 46 lao động Indonesia chết ở Malaysia nhưng cảnh sát không làm rõ nguyên nhân chết.

Ngày 10-1, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã lên đường sang Malaysia để thăm hỏi cô Nirmala Bonat, một lao động giúp việc nhà người Indonesia đã bị bà chủ Malaysia ngược đãi hết sức dã man. Cùng đi có phu nhân tổng thống, bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng nhân lực và di trú và bộ trưởng về quyền phụ nữ.

Nội dung chuyến thăm phản ánh thái độ quan tâm của chính phủ và nhân dân Indonesia đối với lao động ở nước ngoài.

(Theo Tenaganita, Jakarta Post, Southeast Asian Times)

Theo NGUYỄN THÁI SƠN - Pháp luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên