10/06/2009 08:34 GMT+7

Cầu thủ không thể giấu được chấn thương

BS TRƯƠNG CÔNG DŨNG (khoa y học thể thao - BV Nhân Dân 115)
BS TRƯƠNG CÔNG DŨNG (khoa y học thể thao - BV Nhân Dân 115)

TT - Việc ngôi sao người Brazil Denilson bị chấn thương trước khi đến với CLB Ximăng Hải Phòng đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu cầu thủ có “giấu” được chấn thương của mình? Và đây là bài viết của bác sĩ Trương Công Dũng về vấn đề này.

Việc phát hiện chấn thương và đánh giá khả năng thi đấu của cầu thủ trước khi ký hợp đồng hoàn toàn trong khả năng của các BS chuyên khoa và các phương tiện chẩn đoán trong nước.

Do cầu thủ thi đấu ở cường độ rất cao nên nếu đang bị chấn thương, nhất là chấn thương chi dưới, sẽ biểu hiện rõ như không thể chạy nhanh, không dám vào banh, không đá hết hiệp (mức độ nhẹ) và nặng hơn thì không thể ra sân. Đối với cầu thủ bóng đá thì chấn thương vùng gối luôn luôn có thể xảy ra, trong đó có những chấn thương ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thi đấu của cầu thủ. Một cầu thủ bị đau gối có thể gặp các khả năng sau đây:

- Nhẹ là các chứng đau do quá tải trên gân cơ, sụn khớp, hội chứng khớp chè - đùi... Thường đau gối sau các đợt thi đấu tập luyện quá dày. Điều trị chỉ cần giảm tải thi đấu, nghỉ ngơi, tăng sức, thuốc bổ trong vài tuần là khỏi

- Nặng hơn là chấn thương rách sụn chêm khớp gối. Chấn thương này làm gối sưng vừa, đau khi vận động cường độ cao, thậm chí kẹt khớp hoặc làm lỏng gối nhẹ. Chấn thương này ảnh hưởng nhiều đến phong độ của cầu thủ, giảm khả năng thi đấu, dễ bị thêm các chấn thương khác. Điều trị cần phải phẫu thuật (nội soi khớp) để khâu hoặc cắt tạo hình sụn chêm. Khả năng thi đấu trở lại nhanh nhất là sáu tuần sau mổ.

- Đáng lo ngại nhất là chấn thương đứt các dây chằng chéo của khớp gối gây lỏng gối, thường gặp nhất là đứt dây chằng chéo trước. Chấn thương này làm cầu thủ không thể chạy nhanh hay nhảy cao được, dễ té ngã, teo cơ đùi, dễ bị chấn thương... Trường hợp này phải mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo trước, tập luyện tích cực sau mổ 5-8 tháng mới chơi thể thao lại được...

Về chuyên môn, việc bác sĩ khám sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu như teo cơ, sưng gối, các điểm đau, lỏng gối... Đặc biệt các test chẩn đoán có thể phát hiện trên 95% các chấn thương gối.

Ngoài ra, khi chụp X-quang sẽ giúp thấy các tổn thương xương, dấu hiệu quá tải, thoái hóa khớp..., chụp MRI sẽ cho thấy rõ tổn thương dây chằng, sụn chêm, mô mềm chính xác đến hơn 95% (MRI hiện nay đã có ở hầu hết bệnh viện lớn). Hoặc máy KT 1000/2000 kiểm tra độ lỏng của gối.

Tóm lại, việc phát hiện chấn thương của cầu thủ trước khi ký hợp đồng là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.

BS TRƯƠNG CÔNG DŨNG (khoa y học thể thao - BV Nhân Dân 115)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên